Truyện cố tích, dân gian thường được biến tấu do hình thức truyền miệng. Tuy nhiên khi được in thành sách, độc giả phát hiện hàng loạt dị bản không phù hợp. Sách xuyên tạc nội dung, từ ngữ thô tục, diễn đạt phản cảm... ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em.
Trong tháng 3, truyện Sọ Dừa nằm trong cuốn sách ghi NXB Hồng Đức có đoạn, người mẹ uống nước trong sọ người. Đặc biệt, hình minh họa vẽ người mẹ cầm sọ người trên tay, tác động tiêu cực đến tâm hồn non nớt của trẻ. Xử lý vấn đề này, Cục Xuất bản xử phạt doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Hải Uyên (mạo danh NXB Hồng Đức) 45 triệu đồng.
Hình ảnh minh họa truyện Sọ Dừa, ấn bản của NXB Hồng Đức. |
Cùng thời gian này, phụ huynh bức xúc khi cuốn Truyện cổ tích Việt Nam (NXB Kim Đồng) viết về Thạch Sanh, gây phản cảm: “Bà cởi chiếc quần độc nhất của mình trao cho con: "Con cũng đã lớn rồi đấy, cởi truồng mãi thế người ta cười cho, hãy giữ lấy cái quần này của mẹ mà mặc". Rồi bà tắt thở. Thạch Sanh không nỡ để mẹ chết trần, nên chỉ xé một mảnh ống quần để làm cái khố, mặc vào cho mẹ rồi nhờ xóm làng chôn cất tử tế".
Bên cạnh đó, đoạn tả cảnh Thạch Sanh đánh Trăn tinh có câu: “Cuối cùng Trăn tinh bị đuối sức, Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu Trăn tinh bổ xuống thật nhanh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi". Trước phản ứng của dư luận, NXB Kim Đồng đã cho thu hồi cuốn sách.
Không chỉ Sọ Dừa, Thạch Sanh, một số truyện như Tấm Cám cũng từng gây xôn xao dư luận. Đó là đoạn viết cô Tấm trả thù mẹ con Cám bằng cách “dội nước sôi”, “làm mắm con gửi về cho mẹ ăn”.
Tháng 8/2014, nhiều người lớn "đỏ mặt" trước cuốn Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú (NXB Văn hóa Thông tin) có đoạn viết như sách 18+. "Cái cổ của con chim cọ mãi vào ngực nàng, cả cơ thể nó cứ chà sát mãi vào thắt lưng nàng, cặp mỏ hơi bẹt của nó cứ dúi mãi vào... Đến lúc dần tỉnh lại thì nàng không thấy con chim trắng đáng yêu đâu nữa. Trên cơ thể nàng hình như vẫn còn lại những rung cảm êm dịu, vẫn còn lại cái cảm giác râm ran không sao cảm nhận được rõ ràng...". Đại diện NXB Văn hóa thông tin biết, đây là sách in lậu.
Trước kia, nhiều phụ huynh yên tâm khi lựa chọn truyện cổ tích cho con vì giá trị chân – thiện – mỹ. Giờ đây, việc lựa chọn sách lành mạnh, tránh đầu độc con trẻ lại khiến người lớn đau đầu.
Với truyện cổ tích, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc tôn trọng bản gốc, người làm sách nên cẩn trọng trong việc lựa chọn nội dung, hình ảnh minh họa sao cho phù hợp độc giả. Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết, bà rất sốc khi đọc nội dung phản cảm loạt truyện cổ tích trên.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương lo lắng tình trạng sách xuất bản ồ ạt hiện nay. |
Theo bà, câu chuyện bắt đầu từ 15 năm trước khi việc kiểm duyệt sách trên thị trường nới lỏng. Nữ tiến sĩ chia sẻ: “Thời gian đó, truyện tranh Thủy thủ mặt trăng xuất hiện với hàng loạt ảnh gợi cảm, bạo lực. Theo đó, những cuốn sách khác ồ ạt có trên thị trường".
Bà Hương chỉ ra hậu quả khiến nhiều người giật mình: “Truyện cổ tích dung tục, truyện tranh bạo lực mang lại những điều rất khủng khiếp. Bạo lực học đường liên tục diễn ra trong thời gian gần đây".
Tiến sĩ Thu Hương cho rằng, giữa ma trận thị trường sách, người tiêu dùng hãy có lựa chọn thông minh. "Trước khi mua sách, cha mẹ nên kiểm tra, ưu tiên chọn NXB Giáo dục. Với những cuốn sách cha mẹ định hướng, không nên bắt con đọc, hãy khơi gợi trí tò mò của trẻ bằng cách đọc và khen ngợi một vài đoạn", bà Hương chia sẻ kinh nghiệm.
Nữ tiến sĩ cũng đề xuất, cần thành lập ủy ban kiểm duyệt nội dung, quyết định thu hồi những ấn phẩm vi phạm, nghiêm khắc xử phạt nếu kiểm duyệt sơ sài.