Theo các chuyên gia bảo tồn, 21 trong 24 loài linh trưởng ở Việt Nam đang bị đe dọa tuyệt chủng, trong đó có nhiều loài đặc hữu như chà vá chân xám (Pygathrix cinerea). Chúng được phát hiện năm 1995 và mô tả năm 1997.
Do săn bắt và buôn bán bất hợp pháp nên số lượng loài suy giảm nghiêm trọng từ năm 2000, hiện chỉ còn 1.500 con. Chúng thường sống ở rừng kín thường xanh, rừng kín nửa rụng lá, sống thành đàn khoảng 10-15 con.
Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) là loài linh trưởng đặc hữu, vùng phân bố hẹp ở miền Bắc Việt Nam. Trong tự nhiên nó chỉ còn dưới 200 cá thể.
Các nhà khoa học cho biết, duy nhất một quần thể với khoảng 100 con được xác định ở Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long (Ninh Bình). Chúng đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng rất cao và có tên trong danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp trên thế giới.
Voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus) chỉ còn chưa tới 250 cá thể được ghi nhận ở một vài khu rừng nhỏ ở hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Chúng nằm trong danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới và 100 loài sinh vật bị đe dọa tuyệt chủng trên trái đất.
Voọc mũi hếch có bộ lông nâu đen, lông trên đầu và quanh mặt trắng nhạt, không có mào lông trên đỉnh đầu. Nơi sống của voọc mũi hếch có phần đa dạng hơn các loài voọc khác, thường ở những vùng cây cao trên núi đất và thung lũng.
Voọc Cát Bà còn gọi là voọc đầu vàng (Trachypithecus poliocephalus) từng có hơn 2.000 cá thể, nhưng nay chỉ còn khoảng 70 con sinh sống ở quần đảo Cát Bà (Hải Phòng). Loài này cũng nằm trong danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới.
Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys) được ghi nhận ở một số vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam. Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) là nơi có quần thể lớn nhất, ước tỉnh 450 con.
Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) là một trong những loài linh trưởng đẹp nhất thế giới. Chúng được tìm thấy ở Lào, Việt Nam, Campuchia và đang bị đe dọa tuyệt chủng cao.
Loài này có thân hình thon nhỏ, lông nhiều màu, trán màu đen, lông mặt dầy tạo thành đĩa mặt, màu từ trắng xám đến xám. Cổ và ngực chúng có màu hung đỏ từ rực rỡ đến nhạt. Chúng thường ăn quả, lá cây rừng, ngô, khoai, sắn, rau xanh.
Vượn cao vít (Nomascus nasutus) còn khoảng 130 con, phân bố ở khu rừng thường xanh trên núi đá vôi, diện tích 2.000 ha tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Trùng Khánh (Cao Bằng).
Để chung tay bảo vệ linh trưởng ở Việt Nam, mới đây một nhóm bảo tồn loài động vật này đã cho ra đời cuốn sách ảnh được cho là kim chỉ nam bảo tồn linh trưởng: "Bảo vệ linh trưởng Việt Nam - bên bờ vực thẳm".
Các tác giả đã liệt kê đầy đủ chủng loại linh trưởng quý hiếm trên thế giới đang sinh sống ở Việt Nam, nhưng phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do sự săn bắt của con người. Chúng được chia thành các mức độ như cực kỳ nguy cấp, nguy cấp, sẽ nguy cấp và sắp bị đe dọa.