Theo một nghiên cứu mới đây, loài ký sinh trùng Trypanosoma brucei gambiense gây nênbệnh ngủ tại châu Phi thực sự là một thế hệ "thanh niên ăn cỏ": Chúng đã nói không với sex trong hơn 10.000 năm.
Sự thật kỳ lạ này đã được phát hiện qua công nghệ phân tích gene. Theo kết quả phân tích, tất cả ký sinh trùng gây bệnh ngủ ở người trong hàng ngàn năm qua đều được nhân bản từ một bản thể duy nhất.
Theo các ghi nhận, loài ký sinh trùng này đầu tiên sống trên các động vật hoang dã, và chúng chỉ mới chuyển sang con người vào thời điểm hơn 10.000 năm trước. Còn theo như các nhà nghiên cứu từ ĐH Glasgow (Scotland) thì kể từ thời điểm đó đến nay, chúng chỉ có những thay đổi rất nhỏ trong bộ gene. Điều này chứng tỏ loài này là nhân bản vô tính của 1 cá thể duy nhất thay vì có sự pha trộn gene như khi sinh sản hữu tính.
Theo Willie Weir - chủ nhiệm nghiên cứu: "Chúng tôi nhận thấy loài ký sinh trùng gây bệnh ngủ tại châu Phi đã tồn tại hàng ngàn năm mà chỉ... ăn chay. Tuy nhiên, chúng đang dần gánh chịu hậu quả từ việc này".
Ruồi Glossina - vật chủ trung gian của ký sinh trùng
Weir cho biết mỗi sinh vật đều có các đoạn ADN mã hóa trong nhiễm sắc thể. Trong quá trình sinh sản hữu tính, ADN trong nhiễm sắc thể sẽ được kết hợp ngẫu nhiên trên các thế hệ sau, tạo nên đột biến và tiến hóa phù hợp với thay đổi môi trường.
Chính vì thế theo lý thuyết, việc loài ký sinh trùng này "ăn chay" rõ ràng sẽ khiến chúng đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai. Nhiễm sắc thể của những cá thể sống sót sẽ được "ghi đè" lên thế hệ sau nhằm đảm bảo khả năng sinh tồn của chúng.
Tuy nhiên, các khoa học gia cho rằng điều này là không đủ, và sinh vật này nhiều khả năng sẽ tuyệt chủng trong tương lai... không gần, nhưng cũng không quá xa.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí trực tuyến Elife.