Đã 30 năm trôi qua nhưng Tiến sĩ Gladys Kalema-Zikusoka vẫn còn nhớ lần đầu tiên bà nhìn thấy một con khỉ đột núi.
Đó là mùa hè năm 1994. Sâu trong khu rừng rậm của Công viên quốc gia Bwindi Impenetrable của Uganda, cách nhà Kalema-Zikusoka - khi đó còn là cô sinh viên khi đó 23 tuổi - ở thủ đô Kampala của đất nước này hàng trăm km.
Bwindi là một trong hai nơi duy nhất trên thế giới có khỉ đột núi sinh sống, và sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Thú y Hoàng gia ở London, Kalema-Zikusoka đã quyết tâm được nhìn thấy loài vượn lớn này.
Trong tuần đầu tiên của đợt thực tập kéo dài một tháng, cô bị kẹt ở trại căn cứ với cơn cảm lạnh khủng khiếp, không thể tham gia các chuyến đi bộ xuyên rừng, với sự thất vọng và mong đợi ngày một tăng lên.
Cuối cùng, sau khoảng thời gian chờ đợi tưởng chừng như vô tận, Kalema-Zikusoka đã được phép đi bộ đường dài.
Lách qua những dây leo và rễ cây chằng chịt trong khu rừng rậm rạp, cô có thể nghe thấy tiếng thác nước sủi bọt, tiếng chim kêu, và tiếng tinh tinh hú. Nhưng tuyệt nhiên không có tiếng của khỉ đột.
"Bạn không nghe thấy chúng, nhưng bạn nhìn thấy dấu vết của chúng khi bạn đang đi bộ. Bạn có thể đang tìm kiếm chúng, nghĩ rằng liệu mình có bao giờ nhìn thấy chúng không? Rồi đột nhiên - chúng ở đó. Đó là một cảm giác kỳ diệu", Kalema-Zikusoka nói.
Ngồi giữa khoảng đất trống trong rừng là một con khỉ đột lưng bạc tên là Kacupira.
Cô Kalema-Zikusoka, hiện 55 tuổi, nhớ lại: "Khi tôi đến Kacupira, sau một thời gian dài mong muốn được nhìn thấy loài khỉ đột, đột nhiên con khỉ đột này ngồi đó nhai một miếng vỏ cây, và tôi đã thốt lên 'ôi chao'".
“Tôi nhìn vào đôi mắt nâu rất thông minh của nó, và tôi cảm thấy một sự kết nối thực sự sâu sắc. Nó chỉ muốn cho chúng tôi thấy sự hiện diện của nó, và không hề đe dọa”.
Sau cuộc gặp gỡ này, Kalema-Zikusoka quyết định ở lại Bwindi. Chuyến công tác một tháng hè của cô đã biến thành ba thập kỷ làm công tác bảo tồn tại công viên, nơi cô trở thành bác sĩ thú y động vật hoang dã đầu tiên của quốc gia vào năm 1996.
Với sự giúp đỡ của cô, quần thể khỉ đột ở Bwindi đã tăng từ dưới 300 lên 459, và phân loài này không còn bị đe dọa nghiêm trọng nữa, theo Sách đỏ IUCN.
“Những chú khỉ đột núi thực sự đã định hình cuộc sống của tôi. Chúng đã thực sự biến đổi Uganda, chúng đã đưa hoạt động bảo tồn và du lịch của Uganda trở lại bản đồ”, Kalema-Zikusoka nói.