Mỗi người Việt chi 7 triệu để uống rượu bia
Ngày 22/4, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tiếp tục tổ chức hội thảo xây dựng chính sách về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, nhu cầu tiêu thụ bia rượu và các loại đồ uống có cồn tại Việt Nam tăng đáng báo động qua từng năm.
Năm 2015, Việt Nam sản xuất 3.4 tỷ lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp vả khoảng 250 triệu lít rượu thủ công. Đến năm 2017, chỉ tính riêng lượng tiêu thụ bia đã vượt qua con số 4 tỉ lít bia (tăng gần 6% so với 2016), đứng thứ 10 thế giới, thứ 3 trong châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản), trong khi cách đây 10 năm, Việt Nam vẫn xếp thứ 8 châu Á.
Tốc độ sử dụng rượu bia tại Việt Nam tăng nhanh đáng báo động.
Nếu chỉ tính riêng nhóm trưởng thành (từ trên 15 tuổi ở cả 2 giới), lượng cồn bình quân 1 người tiêu thụ mỗi năm tăng nhanh từ 3,8 lít giai đoạn 2003 – 2005 lên 4,7 lít năm 2009 – 2011 và 8,3 lít trong giai đoạn 2015 -2017, tương đương 217 lít bia hoặc gần 20 lít rượu mạnh 40 độ.
Dự báo, nếu không có các biện pháp can thiệp hiệu quả để kiểm soát, lượng cồn trung bình ở người trưởng thành tại Việt Nam đến năm 2020 sẽ tăng lên 9,9 lít và tiếp tục tăng lên 11,4 lít vào năm 2025. Trong khi đó suốt 10 năm qua, nồng độ cồn/đầu người trên toàn thế giới vẫn giữ nguyên 6,4 lít.
Đáng lưu ý, theo đánh giá của WHO, những con số nói trên mới chỉ được tổng hợp dựa trên các số liệu rượu bia có thể thống kê được (chiếm 36%), còn lại 64% rượu bia sử dụng theo các con đường không chính thức, tự nấu.
Nếu chỉ tính riêng 4 tỉ lít bia, mỗi năm người Việt chi 4 tỉ USD. Nếu tính chung cả rượu bia, mỗi người Việt bỏ ra 300 USD/người/năm để uống loại đồ uống này (tương đương gần 7 triệu đồng).
Gần 80.000 người chết do rượu bia
Rượu bia là một mặt hàng lợi nhuận cao, nhưng tiêu thụ quá mức loại đồ uống này tại Việt Nam đang gây ra vô vàn hệ luỵ với sức khoẻ, trật tự xã hội, an toàn giao thông, nghèo đói...
TS Kidong Park, Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam hết sức quan ngại về tình hình sử dụng rượu bia ở Việt Nam khi có tới 44% người uống quá độ, ở mức nguy hiểm.
TS Kidong Park trả lời báo chí bên lề hội thảo.
Việc sử dụng rượu bia ở Việt Nam là nguyên nhân gây ra 79.000 ca tử vong năm 2016, cùng hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện điều trị liên quan đến rượu bia.
TS Park nhấn mạnh, rượu bia là yếu tố nguy cơ cao thứ 2 trong 10 yếu tố nguy cơ gây tàn tật và tử vong. Loại đồ uống này cũng là nguyên nhân gây ra hơn 230 loại bệnh tật, trong đó trực tiếp và gián tiếp gây ra 8 loại ung thư phổ biến gồm: Ung thư khoang miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan, mật và ung thư vú.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư Việt Nam, năm 2012, chỉ tính riêng 6 loại ung thư (gan, đại trực tràng, khoang miệng, dạ dày, ung thư vú, ung thư cổ tử cung), tổng chi phí y tế đã lên tới gần 26.000 tỉ đồng.
Ung thư đại trực tràng liên quan đến rượu bia.
Ngoài ra sử dụng rượu bia làm tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim, cao huyết áp và phình động mạch chủ, gây xơ gan, viêm tuỵ cấp tính và mãn tính...
Rượu bia cũng là nguyên nhân có hơn 32% các vụ tai nạn giao thông ở nam giới và gần 20% ở nữ giới.
WHO tính toán với 1 USD chi để thực hiện các biện pháp hiệu quả về phòng ngừa tác hại do sử dụng rượu, bia gây ra thì sẽ thu được lợi ích tương đương 9,13 USD.
Tuy nhiên đến nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam về phòng, chống tác hại của rượu bia còn nhiều khoảng trống trong khi 166 quốc gia trên thế giới đã có hàng rào pháp luật để kiểm soát loại đồ uống này.
Với dự thảo luật Phòng chống tác hại rượu bia, quy định chi tiết về địa điểm bán, nơi uống rượu bia cũng như quy định quảng cáo rượu bia, quản lý sản xuất rượu thủ công, Bộ Y tế kỳ vọng sẽ từng bước giảm dần tốc độ gia tăng sử dụng rượu bia tại Việt Nam.
Dự kiến vào tháng 5 tới, Quốc Hội sẽ tiếp tục cho ý kiến lần 2 về dự thảo luật này.