Những ngày này, nó còn trở thành người đồng hành cùng phụ huynh, học sinh với thông tin giáo dục trước mùa tuyển sinh đầu cấp…
Dấu ấn trong phòng chống dịch bệnh
Ông Lê Tiến Hải - Trưởng phòng VH&TT huyện Phúc Thọ cho biết, 21 đài truyền thanh xã, thị trấn của huyện hoạt động hiệu quả trong công tác tuyên truyền.
Theo chương trình phát sóng của thành phố là 2 buổi/ngày (sáng và chiều). Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua Đài Truyền thanh thực hiện phát sóng 3 buổi/ngày.
Ông Hải đánh giá: “Là địa bàn nông thôn, không phải 100% người dân đã có điện thoại thông minh. Bởi vậy, hoạt động đài truyền thanh vẫn có hiệu quả. Ngoài nhiệm vụ chính trị theo quy định, tiếp sóng của thành phố và đài huyện.
Đài truyền thanh cấp xã chủ động biên tập, phát sóng chương trình địa phương được người dân quan tâm…”, ông Hải nói.
Dẫn chứng về hiệu quả, ông Hải cho biết, với những trường hợp đột xuất ở địa phương như: Hỏa hoạn, trộm cắp, lạc đường… qua loa truyền thanh phát sóng sẽ kịp thời để báo cho người dân, chính quyền địa phương được biết, xử lý.
Về thời lượng 45 phút phát sóng/buổi theo ông Hải dưới cơ sở là phù hợp. “Việc phát sóng thứ 7 và Chủ nhật nhìn chung ở nông thôn không có phản ứng nhiều. Bởi người dân ở nông thôn dậy sớm từ 5 giờ để đi làm. Thậm chí nhiều người bày tỏ rất thích nghe loa truyền thanh buổi sáng…”, ông Hải nói.
“Dịch Covid-19 vừa qua, loa truyền thanh là kênh cực kỳ quan trọng. Mọi vấn đề phòng chống dịch, truy vết các F1, F2, F3 hay nhập cảnh trái phép thì người dân và chính quyền thông báo công khai trên loa đến từng nhà dân.
Bởi mỗi xã có khoảng từ 8 đến 12 cụm loa gắn tại thôn, tổ dân phố vì vậy thông tin dịch bệnh nhanh, kịp thời…”, ông Hải nhấn mạnh.
Đồng hành cùng ngành Giáo dục
Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết, cùng với báo chí thì loa truyền thanh cũng góp phần quan trọng truyền tải thông tin tuyển sinh cho ngành Giáo dục.
“Ngày nào trường tuyển sinh? Bao nhiêu chỉ tiêu? Quy trình nộp hồ sơ? được công khai trên loa truyền thanh của quận, phường phát huy hiệu quả. Trong khi nhiều phụ huynh bận không tra cứu mạng thì qua loa truyền thanh để nhắc nhở giúp phụ huynh nắm bắt thông tin kịp thời…”, bà Hằng nói.
Trưởng phòng GD&ĐT Hà Đông cũng cho biết, hiện các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận đều có loa truyền thanh. “Ngoài loa truyền thanh đi từng lớp học theo hệ thống đường truyền thì các trường đều có loa chung toàn trường.
Đặc biệt, trường mầm non vào đầu giờ với bài hát tuổi thơ tạo không khí vui tươi… Truyền thanh trong nhà trường là bắt buộc không thể thiếu được…”, bà Hằng nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND phường Liễu Giai (quận Ba Đình) Đặng Thành Công bày tỏ: “Loa truyền thanh mang tính chất nhân rộng, tác động nhanh khi triển khai phủ khắp một không gian nhất định và trực tiếp với người dân. Loa truyền thanh đi vào các ngõ nhỏ, ngõ sâu trên địa bàn phường…”.
“Năm học mới các khối mầm non, tiểu học, THCS phần lớn các trường trên địa bàn phường vẫn tổ chức thông tin trên loa truyền thanh. Loa truyền thanh là một kênh hữu hiệu của tuyển sinh, thông tin công khai, kịp thời đến nhân dân.
Tuy nhiên, loa truyền thanh có hạn chế như tác dụng tiếng ồn, chất lượng âm thanh, âm lượng… Vì vậy, loa truyền thanh vẫn còn có thông tin phản ánh trái chiều…”, ông Công nói.
Chỉ hoạt động 5 ngày/tuần
Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành, điều chỉnh Đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Theo đó, quyết định trên có hiệu lực từ ngày 12/3. Về thời gian phát loa truyền thanh trên địa bàn các quận tối đa 2 buổi sáng - chiều/ngày, 5 ngày/tuần. Đối với thứ Bảy, Chủ nhật chỉ phát khi có trường hợp đặc biệt, thời lượng phát tối đa 15 phút/buổi phát thanh.
Với các huyện, thị xã, thời gian phát tối đa 2 buổi sáng - chiều/ngày, 5 ngày/tuần. Riêng thứ Bảy, Chủ nhật chỉ phát khi có trường hợp đặc biệt. Thời lượng tối đa 45 phút/buổi phát thanh (gồm cả thời lượng tiếp sóng đài cấp trên).
UBND thành phố quy định về nội dung thông tin trên hệ thống đài truyền thanh cấp xã. Cụ thể gồm: Chương trình đài truyền thanh phường tự thực hiện, bài phát thanh dưới dạng CDC, VDC, file âm thanh đã được biên tập, phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.
Nội dung thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo điều hành của thành phố, quận, phường, thông tin thiết yếu với địa bàn dân cư.
Trong trường hợp diễn ra sự kiện chính trị, ngày kỷ niệm lớn, tình huống khẩn cấp (phòng chống thiên tai, dịch bệnh...) và các trường hợp đặc biệt khác, đài truyền thanh phường, xã, thị trấn thực hiện theo chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND quận, huyện, thị xã.
Ngoài ra, UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn quyết định số lượng loa và cụm loa phù hợp với điều kiện thực tế từng địa bàn.
Qua đó, bảo đảm đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về tiêu chuẩn kỹ thuật, có tính đến đặc điểm địa bàn khu dân cư. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn tiếp nhận thông tin thiết yếu qua đài truyền thanh cơ sở.