Nên chấm dứt tồn tại của Đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện

GD&TĐ - Việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy là việc làm rất cấp thiết đang được các ngành, các cấp quan tâm triển khai thực hiện. Việc rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy bước đầu đạt kết quả rất tích cực, nhiều bộ, ngành đã giảm một số đầu mối các đơn vị trực thuộc.

Nên chấm dứt tồn tại của Đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện

Tuy nhiên, thực tế tổ chức bộ máy vẫn còn khá cồng kềnh, đặc biệt một số cơ quan, tổ chức đã hết vai trò, sứ mệnh lịch sử thì việc duy trì sự tồn tại của nó là không còn cần thiết, lãng phí nhân lực, kinh phí.

Ở đây chúng tôi xin đề cập đến việc duy trì hệ thống các Đài truyền thanh - truyền hình (TT-TH) cấp huyện. Thời gian gần đây, vấn đề loa phường “tồn tại hay không tồn tại” đã gây ra tranh luận khá sôi nổi trên các diễn đàn với nhiều ý kiến phản đối lẫn đồng tình. Thực tế thì loa phường tồn tại khá tốn kém kinh phí, không cần thiết và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt người dân.

Đối với hệ thống đài TT-TH cấp huyện, đó là một cơ quan có tư cách pháp nhân đầy đủ và chiếm khá lớn biên chế, kinh phí từ ngân sách nhà nước. Thống kê sơ bộ tính đến 19/4/2017 cả nước có 713 đơn vị cấp huyện thì xấp xỉ 700 đài (chỉ trừ một số quận thuộc các TP lớn không có đài truyền thanh), với trung bình 10 người/đài thì biên chế (hoặc định mức biên chế) sẽ là 7.000 người hưởng lương tư ngân sách.

Để duy trì hoạt động của các đài này phải đầu tư khá lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị để truyền thanh, truyền hình, chi hoạt động thường xuyên, chi lương cho đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động.

Điều đáng nói nữa là, dù phải chi khoản kinh phí lớn và sử dụng lượng người làm việc khá đông nhưng hiệu quả mang lại không tương xứng. Hiện nay, người dân rất ít khi xem và nghe các chương trình do đài TT-TH cấp huyện thực hiện.

Lý do, thông tin, chương trình khá đơn điệu, không hấp dẫn, phong phú, các đài này chủ yếu tiếp sóng và phát lại chương trình của các kênh, đài của trung ương, của tỉnh. Bên cạnh đó, kỹ thuật phát thanh, truyền hình chất lượng kém, trình độ của đội ngũ phát thanh viên, dẫn chương trình còn hạn chế nên không thu hút được khán giả.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần xem xét lại hệ thống các đài TT-TH cấp huyện, theo đó cần sớm sát nhập, giải thể các đài này. Trước mắt, có thể duy trì đài TT-TH ở một số huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, riêng đối với vùng kinh tế - xã hội phát triển, người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, chương trình phát thanh, truyền hình thì nên dẹp bỏ, vì hiệu quả thấp, tốn kém, lãng phí không cần thiết.

Bên cạnh đó, tăng cường, tập trung nguồn lực bổ sung cho đài PT-TH cấp tỉnh để các đài này hoạt động hiệu quả hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin về kinh tế - xã hội, giải trí của người dân địa phương.

Không nên duy trì mỗi huyện, mỗi đài TT-TH như hiện nay. Bởi vì, như vậy không hợp lý, tốn kém và không cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ