Nghịch lý này đang xảy ra tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc.
Dự án 3,2 tỉ “đắp chiếu”
Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc. |
Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Hồ Chí Minh, là giao điểm của Quốc lộ 15A và Tỉnh lộ 2 đoạn qua Hà Tĩnh. Trong những năm chiến tranh, nơi đây là mạch máu giao thông để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, Ngã ba Đồng Lộc phải hứng chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông đất nơi đây gánh trên 3 quả bom. Trưa 24/7/1968, 10 nữ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55, ra đường làm nhiệm vụ và hy sinh lúc 16 giờ cùng ngày. Người trẻ nhất mới 17, ba chị lớn nhất cùng 24 tuổi. Năm 2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trở thành Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại”.
Có mặt tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc) vào những ngày tháng 4, Báo GD&TĐ ghi nhận lượng du khách đến tham quan và dâng hương rất lớn.
Thời điểm này thời tiết tại Hà Tĩnh oi bức, nền nhiệt duy trì từ 37 - 38 độ C. Nhiều du khách tỏ ra mệt mỏi khi phải đi bộ để đến các điểm tham quan tại khu di tích.
Chị Trần Thị Phượng (TP Hà Tĩnh) cho biết, gia đình chị có bà con ở xa về chơi nên cả gia đình tổ chức đi tham quan tại Ngã ba Đồng Lộc. “Trong đoàn có cả người lớn và trẻ nhỏ nên việc đi bộ trong thời tiết nắng nóng như vậy rất mệt. Tôi hy vọng thời gian tới, các phương tiện đưa đón khách sẽ được đưa vào sử dụng để người dân đi lại thuận tiện hơn”, chị Phương bày tỏ.
Năm 2018, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được 3 doanh nghiệp tài trợ 3,2 tỉ đồng để mua 13 chiếc xe điện nhằm phục vụ việc đi lại của du khách khi tới tham quan. Mỗi xe điện có 9 - 14 chỗ ngồi để chở khách chạy trên quãng đường đi và về hơn 2 km trong khuôn viên.
Theo đại diện Ban Quản lý (BQL) Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, sau khi chạy thử vài tháng, BQL đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh xin cấp phép hoạt động, thu giá dịch vụ 10.000 đồng/khách/lượt. Tuy nhiên, từ đó đến nay việc cấp phép vẫn chưa có kết quả, 13 chiếc xe điện cùng chung số phận “treo bánh” trong nhiều năm qua.
Theo quan sát của phóng viên, 13 xe điện các loại đang được lưu giữ tại nhà xe của BQL Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Chỉ một vài xe được BQL sử dụng để chở vòng hoa và một số vật dụng trong khuôn viên còn hoạt động.
Số xe còn lại đều trong tình trạng lốp bị xuống hơi bẹp rúm, một số bộ phận bị hư hỏng, xuống cấp, đặc biệt là hệ thống bình ắc quy… do suốt 5 năm không được vận hành.
“13 chiếc xe được doanh nghiệp tài trợ nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968 - 24/7/2018). Tổng trị giá của 13 xe gần 3,2 tỉ đồng. Sau khi tiếp nhận, BQL Khu di tích đã làm các thủ tục gửi cơ quan chức năng cho phép vận hành thử nghiệm trong nội bộ khu di tích (quãng đường đi và về hơn 2 km) và đã cho thấy có hiệu quả rõ rệt về nhiều mặt.
Tuy nhiên, qua nhiều năm chưa có văn bản cấp trên trả lời về vấn đề này, trong khi phương tiện đã bị xuống cấp. Chúng tôi thấy rất tiếc và mong sớm có phương án đưa vào sử dụng”, ông Trần Đình Ước, Trưởng BQL Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho hay.
Do chưa có xe điện đưa đón, nên du khách phải đi bộ đến các điểm tham quan tại khu di tích. |
Chờ đến bao giờ?
Năm 2019 - 2021, do Covid-19 nên BQL chưa làm tờ trình gửi tỉnh Hà Tĩnh đề nghị cấp phép. Đến tháng 4/2022, khi dịch bệnh ổn định, BQL Khu di tích đã có Tờ trình số 14/TTr-BQL đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép thực hiện vận hành hệ thống xe điện phục vụ du khách di chuyển trong nội bộ khu di tích, đồng thời có thu giá dịch vụ xe điện để bù đắp chi phí bảo dưỡng, sửa chữa xe, tiền công và các chi phí vận hành khác.
Sau khi nhận được văn bản đề nghị của đơn vị, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở Tài chính phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu để tham mưu. BQL Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc cũng đã xây dựng đề án thu phí, lộ trình hoạt động gửi lên cấp trên. Tuy nhiên, đến nay đã gần 1 năm trôi qua nhưng ngành chức năng vẫn chưa tham mưu cho tỉnh để cấp phép hoạt động.
Tờ trình của Ban Quản lý khu di tích gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị cho phép thực hiện vận hành hệ thống xe điện phục vụ du khách. |
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Quốc Hương, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh, cho biết, đơn vị đã đôn đốc và giao Phòng Quản lý giá và Công sản triển khai làm giá bán vé thu phí dịch vụ xe điện để trình UBND tỉnh.
Cũng theo ông Hương, trước đây, UBND tỉnh chưa cấp phép cho xe điện hoạt động là do BQL Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc xây dựng phương án về giá vé thu dịch vụ chưa cụ thể.
“Tại nhiều khu di tích, du lịch đã đưa xe điện vào phục vụ cho khách tham quan cho thấy rất hữu ích, tiện lợi cho du khách. Việc này sẽ giảm thiểu sự ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn và đảm bảo an toàn giao thông, tính tôn nghiêm, văn minh, thân thiện cho khu di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Ngoài ra, chúng tôi cũng mong các cấp sớm có phương án đưa xe điện vào khai thác để tránh lãng phí, thất thoát ngân sách của các nhà tài trợ”, ông Trần Đình Ước, Trưởng BQL Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho hay.
Trung bình mỗi năm Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc đón từ 300.000 - 350.000 lượt du khách. Trong đó, từ tháng 4 đến tháng 7 là những tháng cao điểm với hơn 200.000 lượt khách. Đặc biệt, vào các dịp lễ 30/4 và 1/5, 27/7… trung bình có 3.000 - 4.000 lượt khách đến tham quan và dâng hương.
Bình luận