Lường trước khó khăn
Theo đó, quy chế tuyển sinh 2018 do Bộ GD&ĐT mới công bố có sửa đổi, bổ sung tiêu chí xét tuyển đầu vào ngành sư phạm với yêu cầu: “Đối với trình độ đại học xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Đối với trình độ cao đẳng, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên”.
Trên thực tế, đây là điều hết sức cần thiết nhằm đảm bảo cho việc tuyển sinh của các trường sư phạm đạt chất lượng. Tạo nguồn cho ngành Giáo dục, từ đó đóng góp đội ngũ giáo viên cao hơn, đáp ứng yêu cẩu đổi mới của đất nước trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Theo ông Trần Anh Tư – Phó Hiệu trưởng Trường CĐSP Nghệ An cho biết: Mục đích của dự thảo là rất tốt góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Nhưng, về phía các trường sư phạm, đặc biệt là các trường cao đẳng và trung cấp thì sẽ rất nan giải vì điều đó sẽ thu hẹp nguồn tuyển sinh của nhà trường. Trường CĐSP Nghệ An những năm trước việc xét tuyển bằng học bạ mới chỉ được áp dụng cho hệ trung cấp. Nhưng, do những khó khăn chung nên dù xét tuyển bằng học bạ với điểm tổng kết trung bình thì số lớp hệ trung cấp cũng đã giảm từ 10 xuống 3 lớp trong ba năm trở lại đây và chủ yếu chỉ tuyển sinh được với ngành học mầm non.
Còn GS. Đinh Xuân Khoa – Hiệu trưởng Đại học Vinh cho rằng: Xét tuyển với loại giỏi là một bước tiến lớn. Nhưng cũng chưa thể tin tưởng một cách tuyệt đối ở học bạ và coi đó là thông tin đầy đủ và chính xác. Ngoài ra, vẫn có tình trạng thiếu khách quan nếu việc cho điểm thiếu trung thực. Ngành sư phạm những năm gần đây giảm sức hút do khó khăn về đầu ra. Những tiêu chí bổ sung này sẽ có tác động nhất định đến việc đăng ký xét tuyển sư phạm của thí sinh.
Chủ động phương án tuyển sinh riêng
Cũng theo lãnh đạo Trường Đại học Vinh khi nào Bộ GD&ĐT có đề án tuyển sinh cụ thể thì trường sẽ công bố phương án tuyển sinh riêng của mình. Tuy nhiên, hiện trường cũng đã lên kế hoạch cho các khoa ngành. Riêng đối với các khoa, ngành sư phạm việc nâng ngưỡng đầu vào không gây thay đổi nhiều đến tuyển sinh của trường.“Bởi từ năm 2010, trường đã chủ động lộ trình giảm chỉ tiêu sư phạm và thực hiện rất bài bản. Cụ thể, trước năm 2015, chỉ tiêu các ngành sư phạm của trường là 1.500, năm 2015 là 1.000, năm 2016 giảm xuống 870, và năm 2017 là 650 chỉ tiêu. Năm nay, trường cũng dự kiến tuyển từ 600- 650 chỉ tiêu sư phạm, thứ nhất để đảm bảo chất lượng, thứ 2 giúp các em có cơ hội đảm bảo việc làm”, PGS. Thái Văn Thành – Phó Hiệu trưởng ĐH Vinh cho biết.
Tuy nhiên, trường cũng sẽ có chính sách để thu hút thí sinh có năng lực vào ngành sư phạm. Theo đó, sẽ tuyển thẳng đối với học sinh các trường chuyên như THPT Chuyên Đại học Vinh, THPT Chuyên Phan Bội Châu, THPT Chuyên Năng khiếu Hà Tĩnh. Lãnh đạo nhà trường cũng xác định, trong năm nay nhiều ngành sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu hoặc có thể một số ngành sẽ bị đóng cửa. Nhưng vì uy tín lâu dài, sinh viên trúng tuyển ngành sư phạm ngoài căn cứ vào điểm tại Kỳ thi THPT Quốc gia, nhà trường cũng dự kiến chỉ xét tuyển hồ sơ đối với những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi.
Đặc biệt, trường có 3 ngành có lớp đào tạo chất lượng cao trong đó có lớp Sư phạm Toán. Lớp này sẽ chỉ chọn ra từ 30 – 40 em tiêu biểu, xuất sắc. Nhà trường sẽ miễn học phí, đồng thời cam kết đảm bảo bảo đầu ra, việc làm cho sinh viên lớp chất lượng cao.
Từ năm học này, Trường CĐSP Nghệ An cũng sẽ mở rộng việc xét tuyển đối với bậc học cao đẳng thông qua xét tuyển bằng học bạ. Tuy vậy, riêng với những ngành đặc thù như mầm non, việc xét tuyển chỉ là một kênh. Song song với đó, các thí sinh sẽ phải thi thêm phần năng khiếu.
Đề xuất đào tạo đội ngũ sư phạm nòng cốt
Thời gian qua, trong quá trình đào tạo các trường đào tạo sư phạm trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đã chuyển đổi phương thức đào tạo theo hướng tiếp cần năng lực, giúp sinh viên sự phạm ra trường thích ứng ngay với chương trình phổ thông mới.
Tuy nhiên, theo GS. Đinh Xuân Khoa – Hiệu trưởng ĐH Vinh: Khó khăn lớn nhất hiện nay là đầu ra cho sinh viên. Vì thế, khi các trường sư phạm đã làm tốt và nghiêm túc đầu vào thì địa phương và các ngành liên quan cũng cần có những chính sách riêng đối với sinh viên sư phạm, đặc biệt là sinh viên giỏi để các em yên tâm khi chọn ngành sư phạm.
Lãnh đạo trường ĐH Vinh cũng đề xuất:Trong khi chúng ta chưa làm thay đổi được một cách nhanh chóng, toàn diện cả hệ thống thì có thể chọn ra những sinh viên xuất sắc xem là cốt lõi để làm nóng cốt cho đội ngũ sư phạm sau khi ra trường. Chúng tôi đề nghị tỉnh Nghệ An có chính sách đào tạo theo địa chỉ đối với sinh viên sư phạm. Tức là mỗi môn, ngành đào tạo khoảng 15 em và sau khi ra trường tỉnh bố trí việc làm, và xem đây như là lực lượng nòng cốt để thực hiện đổi mới giáo dục và thực hiện thành công hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong việc lựa chọn những em này nên ưu tiên các trường chuyên như Chuyên Phan Bội Châu, chuyên Đại học Vinh hoặc những trường phổ thông có uy tín khác. Đối tượng này sẽ do Sở GD&ĐT lựa chọn trên cơ sở đảm bảo năng lực, phẩm chất đạo đức tốt để đào tạo ra những giáo viên tương lai có tâm huyết, trách nhiệm, có tầm nhìn và sáng tạo đáp ứng yêu cầu mới.