Cần duy trì ngưỡng chất lượng đầu vào với ngành sư phạm
Năm 2018, Bộ GD&ĐT bổ sung quy định với tuyển sinh trung cấp sư phạm. Theo đó, với trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất (cao đẳng), Sư phạm Thể dục thể thao (trung cấp) xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên.
Ủng hộ điều này, ông Nguyễn Minh Tường cho rằng đây là cách khuyến khích được học sinh có năng khiếu theo học các ngành sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể chất..., nâng cao chất lượng sinh viên hệ trung cấp sư phạm nhằm đáp ứng những yêu cầu mới, đặc biệt yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. "Nhưng lộ trình những năm tiếp theo không nên tuyển sinh trung cấp sư phạm vì chuẩn nghề nghiệp đòi hỏi giáo viên phải đạt những tiêu chuẩn nhất định mới được hành nghề" - ông Nguyễn Minh Tường đưa ý kiến.
Với quy định bỏ ngưỡng chất lượng đầu vào đại học trừ trường đào tạo sư phạm, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho rằng, các ngành sư phạm cần có "điểm sàn" để đảm bảo chất lượng, vì giáo viên là nghề "trồng người", mỗi giáo viên có thể ảnh hưởng đến rất nhiều thế hệ trẻ nên cần có những chuẩn riêng.
Việc nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào theo quy chế mới không phải là giải pháp "thần kỳ" để làm xoay chuyển thực trạng hiện nay, nhưng là giải pháp cần thiết, khởi đầu cho lộ trình tiếp theo bằng các giải pháp mạnh và đồng bộ hơn.
"Tuy nhiên, về lâu dài muốn thu hút được người giỏi vào học ngành sư phạm cần có những chính sách thu hút thực sự mạnh như: Chế độ lúc đang học (miễn học phí, cấp học bổng), chế độ khi tốt nghiệp ra trường (có việc làm ngay) và chế độ khi đi dạy (lương hấp dẫn, môi trường làm việc tốt)" - ông Nguyễn Minh Tường chia sẻ.
Hướng tới sự công bằng, thuận lợi hơn trong tuyển sinh
Năm nay, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm (năm học 2016-2017 là 0,5 điểm). Ông Nguyễn Minh Tường cho rằng, thay đổi này đảm bảo tính công bằng giữa các khu vực nhất là những ngành có tỉ lệ thí sinh dự thi cao; ngoài ra góp phần nâng cao chất lượng đầu vào. Việc giảm điểm ưu tiên khu vực cũng khẳng định chất lượng giáo dục vùng miền đã thu hẹp rất đáng kể.
Với việc bổ sung đối tượng tuyển thẳng, nhận định của ông Nguyễn Minh Tường: Thu hút để đào tạo tài năng cho đất nước là rất cần thiết và nên khuyến khích; đồng thời giúp cho các trường năng khiếu, trường nghề thu hút, khuyến khích những học sinh có năng khiếu được học ngành, nghề phù hợp. Các đối tượng tuyển thẳng được bổ sung đồng bộ với các chính sách khác mà vẫn đảm bảo tính công bằng, phù hợp với xu thế đánh giá phát huy năng lực hiện nay.
"Về chấm bài thi tự luận, điều 25 của Quy chế tuyển sinh được sửa đổi, bổ sung: "Bài thi được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân". Việc này giúp tăng tính chính xác và đảm bảo công bằng hơn đối với các thí sinh. Đồng thời, giúp các trường đại học, cao đẳng thuận lợi hơn trong tuyển sinh, đặc biệt các ngành có tính cạnh tranh cao" - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ nêu quan điểm.
"Năm 2018, Bộ GD&ĐT bổ sung yêu cầu với đề án tuyển sinh của các trường. Yêu cầu này của Bộ GD&ĐT đảm bảo tính công khai minh bạch trong công tác tuyển sinh; tạo thuận lợi cho thí sinh được tiếp cận các thông tin tuyển sinh của nhà trường.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường ngay trong đề án tuyển sinh phải cung cấp đầy đủ thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng, khảo sát, công bố tỷ lệ sinh viên chính quy hai khóa gần nhất có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp theo khối ngành.
Việc minh bạch và cung cấp thông tin tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm được đào tạo đúng chuyên ngành là hết sức cần thiết, thể hiện thương hiệu, uy tín đào tạo của trường đó với xã hội".
Ông Nguyễn Minh Tường