Lo sợ mùa đông “đen tối”

GD&TĐ - Sau khi ghi nhận sự sụt giảm về số ca mắc Covid-19 mới trong tháng 6 - 8, châu Âu ghi nhận số ca mắc bệnh cao hơn nhiều so với thời kỳ đạt đỉnh trước đó.

Người dân Italy đeo khẩu trang phòng chống Covid-19. Ảnh: Reuters
Người dân Italy đeo khẩu trang phòng chống Covid-19. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh, tuyệt đối không thể chủ quan, bởi mùa đông năm nay có thể rất khốc liệt.

“Sóng thần” ập vào châu Âu

Vào thời kỳ đỉnh điểm (từ tháng 3 đến tháng 5), toàn châu Âu ghi nhận khoảng 35.000 - 38.000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày. Các con số giảm dần sau đó khi Mỹ và Ấn Độ trở thành tâm dịch. Trong hầu hết tháng 6, tháng 7 và thậm chí cả tháng 8, châu Âu ghi nhận ít hơn 20.000 trường hợp mỗi ngày. Con số này chỉ bằng gần 1/3 hoặc 1/4 so với Ấn Độ.

Tuy nhiên, trong một tháng qua, số ca mắc Covid-19 ở châu Âu bất ngờ gia tăng đáng kể. Làn sóng thứ hai ở châu Âu còn tồi tệ hơn nhiều so với làn sóng đầu tiên. Theo cơ sở dữ liệu được cung cấp bởi trang web ourworldindata.org, châu Âu ghi nhận hơn 200.000 trường hợp chỉ trong ngày 29/10.

Mỹ - quốc gia có quỹ đạo hơi khác so với châu Âu, cũng đang ở giữa làn sóng thứ hai của Covid-19. Số ca mắc mới được ghi nhận mỗi ngày ở Mỹ là hơn 30.000 kể từ tháng 6. Tuy nhiên, trong tháng 8 và tháng 9, con số này thấp hơn đáng kể so với 50.000 - 60.000 mà nước Mỹ báo cáo vào thời kỳ đỉnh điểm. Trong làn sóng hiện tại, số ca mắc mới hằng ngày tại quốc gia này đã vượt qua con số 88.000.

Chưa thực sự cảnh giác?

Cảnh sát Pháp trao đổi với một người đi xe đạp ở thời điểm bắt đầu thực hiện lệnh giới nghiêm ngày 24/10 tại thành phố Toulouse. Ảnh: AFP
Cảnh sát Pháp trao đổi với một người đi xe đạp ở thời điểm bắt đầu thực hiện lệnh giới nghiêm ngày 24/10 tại thành phố Toulouse.                            Ảnh: AFP

Mặc dù có thể có nhiều lý do đằng sau sự gia tăng mất kiểm soát này ở châu Âu, các chuyên gia chỉ ra hai yếu tố có thể xảy ra: Sự thiếu cảnh giác sau khi các con số bắt đầu giảm vào mùa hè; Thời tiết lạnh thúc đẩy hầu hết các hoạt động diễn ra trong nhà. Mặc dù vẫn chưa được kết luận, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, thời tiết lạnh, khô cũng có thể giúp virus tồn tại lâu và phát triển mạnh.

“Châu Âu dường như đã có một chút thoải mái trong tháng 6 và tháng 7, khi các con số bắt đầu đi xuống. Mọi người bắt đầu đi du lịch rộng rãi, ngay cả để giải trí. Và điều này đã góp phần vào sự gia tăng mà chúng ta đang thấy hiện tại. Đây là những gì chúng ta cần tìm hiểu về căn bệnh này và cần đề phòng. Virus đã không đi đâu cả, ngay cả khi số ca mắc mới giảm”, Shahid Jameel - Giám đốc Trường Khoa học Sinh học Trivedi tại Trường Đại học Ashoka (Ấn Độ), cho biết. 

Ví dụ, Tây Ban Nha đã đón 2,5 triệu du khách vào tháng 7, sau khi thực tế không có khách du lịch quốc tế nào trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5.Gagandeep Kang - Giáo sư tại Trường Đại học Y Christian, Vellore (Ấn Độ) cũng đưa ra đánh giá tương tự.

“Chúng ta đang thoát ra khỏi thời kỳ mà hầu hết châu Âu đang trong kỳ nghỉ, và đã bắt đầu đi du lịch… Dù họ di chuyển trong châu Âu, nhưng vẫn là đi du lịch. Tại Mỹ, kỳ nghỉ kết thúc vào khoảng cuối tháng 8 và các trường bắt đầu hoạt động. Chúng ta cách tất cả các sự kiện đó hai tháng, và để virus nhân lên, cần một chút thời gian, có độ trễ. Vì vậy, sự đột biến này không hoàn toàn bất ngờ”, nữ giáo sư này nhận định. 

Theo bà Kang, điều hơi ngạc nhiên là người ta có thể mong đợi sự nhận thức cao hơn, làm tốt hơn trong việc thực hiện các biện pháp can thiệp để kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, đáng tiếc là, nhưng điều đó rõ ràng đã không xảy ra.

Cả hai chuyên gia Kang và Jameel đều nhấn mạnh vai trò của sự thay đổi thời tiết trong bối cảnh hiện tại.

“Khi nhiệt độ giảm xuống, ngày càng nhiều người ở trong nhà. Việc truyền virus trở nên dễ dàng hơn nhiều. Vì vậy, trong khi virus luôn tồn tại, tình trạng lây truyền có thể sẽ tăng lên khi mọi người tương tác chủ yếu trong không gian kín. Có những nghiên cứu đã chỉ ra rằng, xác suất lây nhiễm tăng lên trong quá trình tương tác trong không gian kín”, Jameel nói.

Jameel cho biết, Australia có thể tránh được một đợt đột biến lớn về số ca mắc Covid-19. Bởi, người dân tại quốc gia này tuân thủ việc đeo khẩu trang tốt hơn rất nhiều. 

“Trên thực tế, năm nay, số ca mắc bệnh cúm ở Australia giảm đáng kể, vì mọi người đã đeo khẩu trang. Ngoài ra, mật độ dân số cũng thấp hơn nhiều, và mùa đông ở Australia đã đến - khi mọi người vẫn còn rất sợ virus”, chuyên gia này cho hay.

Trong khi đó, bà Kang cho biết, mặc dù mùa đông buộc mọi người phải ở trong nhà, nhưng sự tương tác của họ vẫn không hề suy giảm và bà đưa ra cảnh báo: “Nó không giống như thể mọi người bị cô lập ở nhà. Như thường lệ trong thời gian này, các hoạt động chuyển sang diễn ra ở trong nhà vào mùa đông… Và ở những nơi nhỏ cũng như thông gió không tốt, khả năng cao là virus ở xung quanh và lây nhiễm cho mọi người”.

Xuất hiện chủng virus mới

Vùng Lombardy tại Italy ban hành lệnh giới nghiêm 3 tuần. Ảnh: Reuters
Vùng Lombardy tại Italy ban hành lệnh giới nghiêm 3 tuần.     Ảnh: Reuters

Một nghiên cứu mới được công bố hôm 29/10 cho thấy, làn sóng du lịch tại châu Âu, đặc biệt là Tây Ban Nha, có thể khiến virus lây lan. Cũng theo nghiên cứu này, một biến thể mới của virus, lần đầu tiên được phát hiện trong số những người ở Tây Ban Nha vào tháng 7, hiện đã lây lan qua nhiều quốc gia trong khu vực. 

Biến thể này được đặt tên là 20A.EU1. Chúng được phát hiện đặc biệt phổ biến ở Anh, Thụy Sĩ, Hà Lan, Pháp và Na Uy. 20A.EU1 xuất hiện trong phần lớn ca nhiễm mới ở châu Âu. Và, theo nghiên cứu, biến thể mới này “đã được phân tán khắp châu Âu bởi những du khách đến và đi từ Tây Ban Nha”.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho biết, không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy rằng, biến thể mới này lây lan nhanh hơn những biến thể khác, hoặc khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Trên thực tế, trong khi biến thể mới đang trở nên chiếm ưu thế, vẫn chưa rõ liệu nó có dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng về số lượng ca mắc mới hay không.

Dịch bệnh không “ngủ quên”

Lấy mẫu sàng lọc Covid-19 bằng test kiểm tra nhanh. Ảnh theo Báo Tuổi trẻ
Lấy mẫu sàng lọc Covid-19 bằng test kiểm tra nhanh.     Ảnh theo Báo Tuổi trẻ

Việt Nam được cho là đã khống chế dịch thành công. Tuy nhiên, chúng ta cần luôn cảnh giác cao độ và cho rằng, vắc-xin là “chìa khóa” chống dịch. Mặc dù vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực. Bởi, thủ đô nhiều nước gặp tình trạng lây lan dịch ra cộng đồng những ngày qua.

Đặc biệt, mùa đông sẽ tạo thuận lợi cho Covid-19 lây lan rộng. Vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, không được chủ quan trong mọi trường hợp. Tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm cao, kiên quyết không để dịch bệnh quay lại. Không đề cao cảnh giác, không có biện pháp mạnh, cương quyết, dịch bệnh sẽ dễ dàng lây lan ra cộng đồng.

Cần nghiêm túc triển khai các hoạt động phòng chống dịch, không để dịch lây lan, bùng phát trở lại. Quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép. Ngoài ra, cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thực hiện tốt “Thông điệp 5K”, đặc biệt là đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn. Thực hiện các chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm công tác phòng chống dịch. Quản lý tốt các cơ sở cách ly, nhập cảnh lưu trú tại cơ sở lưu trú có thu phí, không để xảy ra mất an toàn.

Trước đó, phát biểu về công tác phòng, chống dịch, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ: “Cho đến nay, chưa có bất cứ đánh giá nào đầy đủ của các nước trên thế giới về dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhìn chung đến nay, có thể thấy ta rất khó khăn trong cuộc chiến chống dịch. Nhiều dự báo có thể cuối năm 2021 mới hết dịch. Điều này có nghĩa là chúng ta luôn phải ở trong tâm thế sẵn sàng đương đầu chiến đấu với dịch. Dịch bệnh không ngủ quên trong mùa hè và sẽ tiếp tục tấn công chúng ta”.

Theo Bộ Y tế, cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát. Tuy nhiên, nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt khi tăng số lượng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam và chuyên gia về nước (trong đó có các chuyến bay thương mại, quốc tế). Ngoài ra, thời gian tới là mùa đông, xuân, điều kiện thời tiết thuận lợi cho một số các bệnh truyền nhiễm phát triển, lây lan.

Trong khi đó, chưa có vắc-xin nào được đăng ký chính thức lưu hành trên thế giới. Do đó, việc tiếp cận vắc-xin phòng, chống dịch của các nước là thách thức rất lớn. “Chúng ta nhận định được tình hình dịch như vậy, đánh giá được những nguy cơ như vậy để chủ động trong phòng chống dịch. Chúng ta tuyệt đối không được lơ là, chủ quan vì nguy cơ xâm nhập dịch vào Việt Nam rất cao”, quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Thanh Long cảnh báo, nguy cơ dịch xâm nhập luôn thường trực. Đó là yếu tố để có thể gây bùng nổ dịch bất cứ lúc nào, bất cứ thời điểm nào. Vì vậy, cần luôn sẵn sàng trong tâm thế chuẩn bị chống dịch. “Đây là thời điểm quan trọng để chúng ta chuẩn bị và triển khai tất cả các biện pháp quan trọng cần thiết để chống dịch. Bởi, mùa đông năm nay dự báo là rất khốc liệt trong chống dịch. Nhiều quốc gia đã phát hiện ca bệnh xâm nhập trở lại và lây nhiễm ra cộng đồng”, ông Long cho hay.

Ngày 6/11, Việt Nam ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 mới, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Ca bệnh 1211 là nam (54 tuổi), quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại quận Tây Hồ, Hà Nội. Ngày 31/10, bệnh nhân từ Nga nhập cảnh Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN5062, được cách ly ngay tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ngày 5/11, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm lần 3 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Ca bệnh 1212 là nữ (50 tuổi), quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ngày 21/10, bệnh nhân từ Pháp nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay VN5010, được cách ly tập trung ngay tại Trung đoàn Minh Đạm, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Kết quả xét nghiệm ngày 6/11 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ