(GD&TĐ) - Hiện nay tình trạng trẻ em thừa cân, béo phì đang được phụ huynh, nhà trường và cả xã hội quan tâm. Có thực tế là trẻ đang thiếu sân chơi, thời gian học và thời gian hoạt động tĩnh lại chiếm khá nhiều nên không còn thời gian vận động. Theo đó là chế độ ăn uống bất hợp lý đã làm tỷ lệ trẻ béo phì tăng nhanh, nhất là trẻ em lứa tuổi Tiểu học ở khu vực thành thị…
Chế độ dinh dưỡng bất hợp lý
Những năm trước đây chúng ta lo vì tình trạng trẻ suy dinh dưỡng, trẻ thấp còi, từ đó có nhiều chính sách giải quyết vấn đề này. Không lâu sau, tình trạng trẻ suy dinh dưỡng đã được cải thiện đáng kể và tầm vóc, thể trạng của người Việt cũng được nâng lên. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang gặp vấn đề mà các nước đang phát triển phải đương đầu, đó là tình trạng béo phì, thừa cân trong dân số có chiều hướng gia tăng. Trong đó, tình trạng trẻ em thừa cân, béo phì, nhất là trẻ em độ tuổi Tiểu học đã làm cho nhà trường, phụ huynh và cả xã hội quan tâm.
Theo BS CKII Nguyễn Tài Dũng - Phó Trưởng phòng Công tác HS-SV, phụ trách Y tế học đường, Sở GD& ĐT TP.HCM, thì ở TP.HCM tình trạng trẻ suy dinh dưỡng đã giảm đáng kể (chỉ còn dưới 7%). Đây là tỷ lệ tương đương với các nước phát triển. Tuy nhiên tình trạng HS thừa cân, béo phì đang có chiều hướng gia tăng. “Chúng tôi có cuộc điều tra ở một số trường Tiểu học trên địa bàn thì tỷ lệ HS thừa cân, béo phì có nơi lên đến 20%. Chúng ta phải đối mặt với ‘gánh nặng kép’ về dinh dưỡng vì ở ngoại thành vẫn còn trẻ suy dinh dưỡng, trong khi nội thành trẻ lại thừa cân, béo phì...”.
Trẻ em thừa cân, béo phì đang là nỗi lo của phụ huynh, nhà trường và xã hội |
Tại các trường Tiểu học ở khu vực nội thành TP.HCM, số lượng HS gầy ngày càng ít nhưng những em HS to béo ngày càng nhiều. Trước cổng trường, mỗi buổi sáng chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh trẻ trước khi vào lớp được cha mẹ “tiếp tế” thêm vào trong ba lô vài hộp sữa, hộp bánh ngọt, kẹo, nước ngọt… mặc dù các em đã được ăn sáng ở nhà, vào trường được cho ăn trưa, ăn xế. Theo thống kê của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, tình trạng thừa cân, béo phì trong lứa tuổi HS Tiểu học gia tăng đáng kể, đến cuối năm 2010 tỷ lệ là 11,5%. Qua cuộc khảo sát, tỷ lệ HS thừa cân, béo phì tại các trường học ở các quận trung tâm của TP.HCM tăng bình quân hằng năm 20%. Một số nơi tỷ lệ HS Tiểu học bị thừa cân, béo phì lên tới 38,5%, có trường gần 40%.
Sự mất cân đối trong chế độ dinh dưỡng và trẻ thiếu vận động là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng béo phì ở trẻ. Khẩu phần ăn của trẻ ở thành phố vốn từ nhỏ chủ yếu là thịt, đến khi đi học nhà trẻ, mẫu giáo thì khẩu phần ăn cũng là thịt, làm cho trẻ hầu như không hề biết ăn cá. Nguyên nhân được nhiều người lý giải là thịt dễ chế biến, không lo trẻ bị mắc xương và thời gian chế biến cũng nhanh.
Theo BS Dũng thì tâm lý phụ huynh thường cho rằng trẻ em mập mạp mới mạnh khỏe, mới dễ thương. Nhiều phụ huynh cho con em ăn vô tội vạ, sáng mở mắt ra là ăn, uống sữa, trưa ăn, xế ăn, chiều ăn, tối ăn nhẹ… làm cho nguồn năng lượng của trẻ lúc nào cũng “phong phú”. Có em mỗi ngày uống đến 4 hộp sữa tươi, ăn các buổi, còn được cho “ăn thêm” vài trứng vịt lộn, hay bánh ngọt, bánh mì kẹp thịt và uống nước ngọt… Trước tình hình trẻ thừa cân gia tăng, nhiều giáo viên Tiểu học thừa nhận: “Trẻ đi học được gia đình đưa tận nơi, thức ăn, bánh kẹo luôn được phụ huynh chuẩn bị sẵn trong cặp nên HS không bao giờ để cho cái bụng của mình trống…”.
Trẻ em thành thị đang thiếu sân chơi và thiếu vận động thể lực |
“Nạp” mà không “xả”
Lời khuyên để trẻ không thừa cân, béo phì Cho trẻ ăn uống cân đối, đầy đủ chất; Giảm tối đa hoạt động tĩnh của trẻ như ngồi xem ti vi, chơi game, ngồi máy vi tính, lên mạng; Tăng cường vận động cho trẻ, ít nhất mỗi ngày phải dành thời gian cho vận động thể lực là 1 giờ đồng hồ, nên vận động thể lực như vui chơi, chạy nhảy, hoạt động thể thao; Cho trẻ ăn hạn chế chất ngọt, tăng cường ăn rau, ăn trái cây, uống sữa; Cho trẻ chơi ngoài trời, thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. BS CKII Nguyễn Tài Dũng |
Nhiều chuyên gia sức khỏe lo ngại rằng trẻ em thành thị hiện nay phải đối mặt với tình trạng dinh dưỡng “nạp” nhiều mà không “xả”. Tức là khẩu phần ăn của trẻ nhiều thịt, ít cá, ít rau xanh, gây nên trình trạng trẻ được nạp “giàu” năng lượng nhưng không vận động để đốt cháy năng lượng, năng lượng thừa sẽ chuyển hóa thành mỡ và tích lũy trong cơ thể. “Hiện nay trẻ ở thành phố sống trong diện tích chật hẹp, sân chơi ít, rất thiếu vận động thể lực. Trong khi đó các em chơi game, lên mạng, xem tivi, ngồi ì một chỗ rất nhiều, đó là hoạt động tĩnh mà không vận động, trong khi điều kiện dinh dưỡng phong phú, ăn nhiều mà thiếu vận động. Phòng, chống thừa cân, béo phì khó hơn phòng, chống suy dinh dưỡng. Vì trẻ béo phì luôn bị kích thích thèm ăn và ăn nhiều, phụ huynh và nhà trường khó ngăn cản được”, BS Dũng cho biết.
Chất lượng cuộc sống ngày càng được đảm bảo, điều kiện kinh tế mỗi gia đình khá giả hơn nên chuyện lo cho cái ăn không còn khó như trước kia. Hầu hết gia đình chỉ có 1- 2 con nên điều kiện chăm sóc tốt hơn, trẻ từ nhỏ sống trong vòng tay của cha mẹ nên hầu như không phải lao động, chỉ tập trung cho việc học. Anh Nguyễn Trung Tính, một phụ huynh ở Q.2, TP.HCM cho biết: “Với lịch học khá dày thì ngoài giờ đi học về nhà con em tham gia các hoạt động ngoại khoá gì nỗi nữa. Thử hỏi người lớn đi làm một ngày như vậy, về nhà còn lười vận động chứ nói chi các em. Đặc biệt là sân chơi cho các em còn quá ít, một số nơi có sân chơi cho trẻ nhưng chưa đảm bảo an toàn, phức tạp”.
Thời gian ngồi và vận động tại chỗ của trẻ hiện nay chiếm đa số thời gian sinh hoạt trong một ngày. Tình trạng ngồi ì một chỗ để làm việc, học tập, giải trí là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ. Theo lời khuyên của các bác sĩ thì lứa tuổi Tiểu học, thời gian vận động trung bình phải đạt 180 phút/ngày, tối thiểu là 120 phút/ngày. Thực tế chừng ấy thời gian vận động đối với trẻ em ở thành phố rất khó để thực hiện. Trong khi đó, môn thể dục của các trường với số tiết vẫn còn khiêm tốn, ở các trường Tiểu học đến trường Trung học phổ thông thì thời khóa biểu dành cho môn thể dục từ 1- 2 tiết/tuần.
Trước tình trạng trẻ thừa cân, béo phì gia tăng, thời gian qua Sở GD& ĐT TP.HCM đã kết hợp chặt chẽ với Sở Y tế và Trung tâm Dinh dưỡng triển khai nhiều chương trình như Dinh dưỡng học đường, Chiến lược dinh dưỡng Quốc gia,… nhằm can thiệp và cải thiện dinh dưỡng cho HS. Theo đó, các trường tăng cường quản lý dinh dưỡng của HS, những HS có dấu hiệu béo phì hay suy dinh dưỡng trường sẽ lập danh sách và quản lý những HS này. Sau đó gửi thư thông báo đến phụ huynh biết tình trạng của con em để kết hợp với nhà trường giúp trẻ ăn cân đối, phù hợp với thể trạng. Đối với trường bán trú có tổ chức cho HS ăn, sau khi kiểm tra sức khỏe HS đầu năm học, cán bộ y tế sẽ thông báo đến bếp ăn của trường cung cấp khẩu phần ăn phù hợp với các đối tượng HS thừa cân, béo phì và HS suy dinh dưỡng. “Chúng tôi hướng đến cho HS vận động, tăng cường các hoạt động vui chơi và tận dụng các không gian của nhà trường để kích thích HS vận động”, BS Nguyễn Tài Dũng cho biết.
Theo Trung tâm dinh dưỡng TP. HCM, tính đến tháng 10/2011, tại TP. HCM tỷ lệ HS Tiểu học bị thừa cân chiếm tỷ lệ 21,4%. Tỷ lệ béo phì ở lứa tuổi này là 17%. Đối với học sinh THCS, có 15,7% thừa cân; 6,8% béo phì. Học sinh THPT, có 9,4% thừa cân và 2,3% béo phì. Con số trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì là 12%… |
Quốc Ngữ