Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đây cũng đang là vấn đề dấy lên những mối lo ngại cho hoạt động sản xuất, khi kim ngạch nhập khẩu nguyên vật liệu liên tiếp giảm mạnh trong thời gian qua ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất của các doanh nghiệp.
Giảm mạnh so với cùng kỳ
Trái ngược với mức tăng trưởng nhập khẩu cao của đầu năm 2015, 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá, chủ yếu là nguyên vật liệu cho sản xuất, giảm mạnh. Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy: Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu trong tháng 1 và 2 chỉ đạt 22,8 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 4,8%, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm tới 7,7%, xuất siêu quay trở lại, đạt tới 865 triệu USD.
Tính hết tháng 2, nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 13,6%; điện thoại và linh kiện giảm 7,6%; sắt thép giảm 8,2%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép giảm 9,6%. Đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra con số ước tính giá trị nhập khẩu toàn ngành nông, lâm, thuỷ sản trong 2 tháng đầu năm 2016 đạt 3,08 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, nhập khẩu một số mặt hàng chính đạt khoảng 2,28 tỉ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, nhóm hàng cần nhập khẩu như nguyên phụ liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất như thuỷ sản, bắp, đậu tương, bông xơ sợi, nguyên liệu dệt may, da giày… đã giảm khá cao, ước đạt 19,95 tỷ USD và giảm 7,3% so với cùng kỳ.
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, với một nền kinh tế chưa đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu như Việt Nam, việc kim ngạch nhập khẩu giảm đang là vấn đề đáng quan ngại.
“Theo độ trễ, nhập khẩu của các tháng đầu năm để phục vụ sản xuất cho các tháng tiếp theo. Do đó, với kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu giảm cả ở khối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, lo ngại sản xuất công nghiệp giảm, xuất khẩu thiếu lực đẩy tăng trưởng trong những tháng tới không phải không có căn cứ. Thực tế cho thấy, 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực có tăng nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử như xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện chưa bằng 1/9, điện thoại và linh kiện chỉ bằng 1/6 so với cùng kỳ năm ngoái...” – ông Thiên nói.
Sản xuất có bị ảnh hưởng?
Cho dù sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm, Việt Nam tăng 6,6% so với cùng kỳ, nhưng với diễn biến của hoạt động xuất nhập khẩu gần đây, con số tăng trưởng trên vẫn đáng lo ngại và thiếu bền vững. Điều gì đang diễn ra đằng sau sự sụt giảm của hoạt động nhập khẩu là vấn đề rất cần các cơ quan quản lý Nhà nước sớm nhận diện để có hướng đi phù hợp cho sản xuất, xuất khẩu thời gian tới.
Theo các chuyên gia kinh tế, những bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc và sự thả nổi tỷ giá đồng nhân dân tệ đang tạo một áp lực rất lớn cho kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Khi đó, giá hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và thị trường châu Á sẽ cao hơn, và điều đó sẽ rất khó để cạnh tranh.
Ở khía cạnh khác, khi kinh tế Việt Nam vẫn dựa quá nhiều vào doanh nghiệp FDI, kim ngạch nhập khẩu của khối này giảm sẽ ảnh hưởng mạnh hơn so với mức giảm nhập khẩu hàng hóa nguyên phụ liệu của doanh nghiệp trong nước. Bởi lẽ, khu vực FDI luôn có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với doanh nghiệp nội địa.
Ông Lê Đức Thúy - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hiện khu vực kinh tế nội địa còn rất yếu, năng suất lao động thấp, khả năng cải thiện công nghệ, quy mô, ổn định mạng lưới chuỗi tiêu thụ chưa cao. Nếu tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sẽ khó tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
“Qua những con số về xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm mà Tổng cục Thống kê báo cáo cho thấy có nhiều vấn đề cần lưu tâm, trong đó nhập khẩu giảm mạnh, đặc biệt ở nhóm hàng nguyên phụ liệu sản xuất. Đây là điều rất đáng lo ngại bởi sẽ kéo theo sản xuất của các tháng sau đi xuống. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu tìm hiểu hiện tượng này để từ đó có những giải pháp, định hướng sao cho phù hợp nhất”.
PGS. TS Trần Đình Thiên