Điều đau lòng là chúng ta đang phải bất lực trước nguy cơ một tai nạn thảm khốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào bởi hàng ngàn đường ngang đang xé nát tuyến đường sắt mang trên mình nó những con tàu nặng hàng trăm tấn với vận tốc đạt tới 70 hay 80 km/giờ!
Nếu như đường bộ Bắc - Nam được nâng cấp cải tạo có thể vòng tránh khu đô thị, dân cư thì với đường sắt là không thể. Tuyến đường sắt được làm từ thời Pháp thuộc chấp nhận bị chặt ngang cắt khúc thành nghìn mảnh để phục vụ lưu thông đi lại của cư dân 2
bên đường tàu.
Theo số liệu thống kê của ngành đường sắt, trên 3.143 km đường sắt chạy qua 34 tỉnh, thành hiện có 5.784 điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ.
Biết rõ điểm giao cắt là những nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn nhưng để ngăn chặn tai nạn xảy ra lại là điều bất khả thi với ngành đường sắt.
Trong các điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ, số đường ngang được cấp phép chỉ có 1.516 điểm, còn lại 4.268 lối đi dân sinh hai bên đường sắt đi vào thôn, xã không được cảnh báo.
Ngay tại 1.516 điểm giao cắt được cấp phép thì nguy cơ tai nạn vẫn rất cao, chỉ có 651 điểm có người gác, còn lại 310 điểm cảnh báo tự động và 555 điểm có biển báo.
Trong vụ tàu hỏa đâm đứt đôi xe tải và lái tàu tử vong xảy ra lúc 22 giờ ngày 10/3 trên địa phận xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, Quảng Trị, - đây là điểm giao có biển báo.
Người lái xe tải lái ẩu, không quan sát là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn thảm khốc nhưng nhìn ở một góc độ khác thì anh ta cũng là con người, không ai bảo đảm người lái xe trong nghiệp cầm vô lăng không một phút sao lãng, một giây nhấn ga thiếu tính toán…
Những khoảnh khắc sai lầm của một lái xe nào đó ở một phút giây nào đó sẽ lại gây ra một thảm kịch có thể còn khủng khiếp hơn nhiều lần bởi những toa tàu luôn mang theo hàng trăm hành khách.
Nhìn vào thực tế trên để thấy phòng ngừa tai nạn đường sắt chỉ có cách duy nhất là xử lí vấn đề đường ngang giao cắt đường tàu.
Mới đây, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã có đề nghị gửi liên Bộ GTVT – Tài chính xin bố trí kinh phí hơn 560 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 291 đường ngang vi phạm quy định.
Trước đó Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các Sở GTVT, cơ quan quản lý đường bộ địa phương có trách nhiệm rà soát, bổ sung biển báo hiệu đường bộ, vạch dừng, gờ giảm tốc trên phần đường bộ do địa phương quản lý tại các đường ngang; tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác tại các lối đi dân sinh tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn…
Gắn trách nhiệm của địa phương nơi có đường sắt chạy qua với an toàn đường sắt cũng được lãnh đạo ngành GTVT đề xuất. Theo đó, các địa phương được đề nghị không cấp đất dọc đường sắt nằm trong hành lang an toàn giao thông; thu hẹp, đóng các lối đi dân sinh; hạn chế phương tiện giao thông…
Những nỗ lực từ ngành GTVT rất đáng hoan nghênh nhưng thiết nghĩ giải pháp tức thời là bổ sung nhân lực tăng số điểm ngang có người gác ở mức tối đa trong điều kiện hạ tầng nhiều điểm giao cắt chưa bảo đảm cũng như ý thức nhiều lái xe còn kém.
Có như vậy những lái tàu cũng như hàng trăm hành khách mới có thể yên tâm để bước vào hành trình nối hai đầu đất nước.