Sự lộ diện của hành tinh thứ 7 xung quanh một ngôi sao xa xôi đã biến nó thành một trong những hệ nhiều hành tinh nhất từng được quan sát.
|
Các chuyên gia châu Âu đã tìm được một hệ mặt trời có đến 7 thành viên - (Ảnh: NASA) |
Sự tồn tại của hệ hành tinh của sao lùn KIC 11442793 đã được hai nhóm khoa học gia châu Âu đồng thời xác nhận trên website Arxiv.org, và việc phát hiện được hành tinh thứ 7 có thể giúp hệ mặt trời này được liệt vào nhóm hệ nhiều hành tinh nhất.
KIC 11442793, cách Trái đất 2.500 năm ánh sáng, có một số nét tương đồng với hệ mặt trời của chúng ta, nhưng toàn bộ 7 hành tinh của nó duy trì quỹ đạo rất gần sao trung tâm.
Cụ thể, cả 7 hành tinh đều nằm gọn trong khoảng cách Trái đất - mặt trời, tạo nên một hệ mặt trời đông đúc và chật chội.
Hành tinh vừa mới xác định nằm ở khoảng cách xa thứ 5 so với sao trung tâm, trong khi quỹ đạo chỉ vỏn vẹn gần 125 ngày.
Với bán kính gấp 2,8 lần Trái đất, nó thuộc vào gia đình có 2 thành viên cỡ Trái đất, 3 “siêu Trái đất”, và 2 thiên thể lớn hơn, theo nhóm của Đại học Oxford (Anh).
Một ngôi sao khác, tên HD 10180, được cho đang “đèo bòng” khoảng 7 hành tinh hoặc hơn, do các chuyên gia phát hiện đến 9 tín hiệu hành tinh xung quanh ngôi sao này.
Trong khi đó, ngôi sao GJ 887C cũng có thể được liệt vào dạng gia đình đông đúc.
Theo Thanh Niên