Trong một chiều đầu thu, tại Cafe nhà sàn Liên Vũ, chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng anh xung quanh công việc phục dựng mẫu tượng nghê Việt và hoạt động điêu khắc của anh...
Nặng lòng với truyền thống
Bên ly cà phê đặc sánh, nhà điêu khắc Văn Vũ mở đầu câu chuyện bằng một chất giọng trầm lắng. Anh nói rằng, anh đã đi rất nhiều nơi, vãn cảnh rất nhiều đình, đền chùa, miếu mạo, phủ... khắp cả nước và thấy rằng, tại đó, họ thường đặt những đôi sư tử đá “ngoại lai”. Đó là sư tử kiểu Trung Quốc, hoàn toàn không dính dáng gì đến linh vật Việt Nam.
Đó là điều anh rất trăn trở và quyết tâm phải tìm hiểu về linh vật nghê đá thời Lê để phục dựng. Suốt cả một thời gian dài, không quản thời gian mưa nắng, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ và vợ là họa sĩ Quỳnh Liên cùng các cộng sự đã mải miết đi tìm mẫu nghê đá khắp nơi và cuối cùng anh quyết định chọn nguyên mẫu tượng nghê ở đền Vua Lê Thánh Tông (Thọ Xuân, Thanh Hóa) để nghiên cứu, phục dựng rồi sản xuất các phiên bản.
Một điều khó khăn nhất đối với nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ và các cộng sự là linh vật hầu hết không hoàn thiện... Linh vật này thì thiếu đuôi, linh vật kia thì đường mẫu hoa văn tạo hình bị khuyết do sự bào mòn của thời gian mưa nắng hoặc pháo đạn chiến tranh.
Mặc dù việc đưa linh vật thuần Việt vào đời sống cộng đồng vẫn còn đó vô vàn những khó khăn nhưng nhà điêu khắc Văn Vũ tin rằng anh sẽ thành công. Chúng tôi cũng tin rằng, từ những tín hiệu vui ban đầu, cộng với niềm đam mê, sự tâm huyết và kiên trì hiếm thấy chắc chắn anh sẽ thành công rực rỡ trên con đường đưa linh vật thuần Việt đến với các công trình tâm linh và đời sống cộng đồng.
Nguyễn Văn Vũ cùng các cộng sự đã phải ngày đêm nghiên cứu, vẽ lại bố cục sao cho hợp lý và chính xác nhất có thể, sau đó mới tiến hành mô phỏng... Phương pháp được các nhà điêu khắc lựa chọn là tìm hiểu và nghiên cứu ba linh vật nghê cùng thời Lê rồi sau đó bổ khuyết cho nhau để cuối cùng cho ra đáp án một mẫu tượng nghê hài hòa nhất, đẹp nhất, thuần Việt nhất...
Chưa dừng lại ở đó, khi biết tiếng nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế là một chuyên gia về linh vật nghê Việt, một người rất say mê các tượng nghê, Nguyễn Văn Vũ đã tìm đến tận nơi nhờ tư vấn... Trời không phụ công người, cuối cùng nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ đã phục dựng thành công mẫu nghê thuần Việt thời Lê... Đấy chính là mẫu nghê từ hàng ngàn năm nay đã gắn bó gần gũi với người Việt.
Con nghê thuần Việt có diện mạo chất phác, thuần hậu, chứ không phải xù lông, nhe răng, múa vuốt như một số mẫu “ngoại lai”... Đây chính là mẫu linh vật thuần Việt đầu tiên được phục dựng thành công sau khi Công văn 2662 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam của Bộ VH-TT&DL ra đời...
Những tín hiệu vui
Những sự cố gắng, nhiệt tâm của anh với linh vật thuần Việt đã được đền đáp... Ngay sau khi phục dựng nghê Việt thành công, vợ chồng anh và các cộng sự đã nhận được những tín hiệu rất vui từ cơ quan quản lý văn hóa và cộng đồng...
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên đã đến thăm xưởng điêu khắc của vợ chồng anh. Anh nhớ lại, lúc đó, tại xưởng đang tiến hành phục dựng những mẫu nghê Việt thế kỷ 17. Thứ trưởng sau khi xem các nghệ nhân phục dựng nghê Việt đã đánh giá rất cao sự tâm huyết của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ và các nghệ nhân đồng thời tin tưởng các mẫu vật này sẽ được người dân hưởng ứng khi cảm nhận được cái đẹp và ý nghĩa hình tượng của chúng.
Tiếp sau đó, tại đình làng Trạch Xá (Ứng Hòa, Hà Nội), đôi sư tử đá ngoại lai theo mẫu Trung Quốc đã được di dời và thay bằng cặp linh vật nghê thuần Việt lấy nguyên mẫu từ tượng nghê ở đền Vua Lê Thánh Tông (Thọ Xuân, Thanh Hóa), thế kỷ 17. Đó chính là cặp nghê đá nhân tạo thuần Việt đầu tiên được chế tác bởi các nghệ nhân của xưởng điêu khắc Liên Vũ của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ.
Rồi anh tiếp tục phục dựng thành công con nghê gỗ phủ sơn từng đặt ở đền thờ Lê Thánh Tông (giờ đây con nghê gỗ này là hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Với nỗ lực quảng bá linh vật thuần Việt, Nguyễn Văn Vũ đã thu nhỏ mẫu nghê đền thờ Lê Thánh Tông, kết hợp với mẫu nghê ở Thái Miếu nhà Hậu Lê để tạo ra những cặp nghê phong thủy.
Giờ đây, sau ba năm miệt mài nghiên cứu, phục dựng và chế tác, sản phẩm nghê thuần Việt của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ đã có mặt ở nhiều công trình tâm linh ở các địa phương khác nhau...