Nó không bao giờ vắng mặt trong vũ điệu Barong truyền thống, kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.
Vật bất ly thân toàn dân
Keris là kiếm ngắn xuất xứ từ đảo Java, đặc trưng bởi sự bất đối xứng. Người ta rèn nó bằng cách xen kẽ sắt và niken, tạo hình lưỡi gợn sóng nên nhìn bề ngoài, nó giống tạo tác trang trí hơn là vũ khí gây sát thương.
Một keris có 3 phần: Lưỡi (bilah), chuôi (hulu) và vỏ (warangka) và mỗi phần đều là tạo tác nghệ thuật. Phần lưỡi không chỉ được rèn công phu, mà còn khắc họa tiết phức tạp, có tổng cộng khoảng 250 biến thể khác nhau.
Tuy lượn sóng là hình dạng lưỡi phổ biến nhưng vẫn còn nhiều thiết kế khác như thẳng, cong, hơi cong… tổng cộng khoảng 60 kiểu. Phần chuôi và vỏ thì được làm bằng gỗ quý, kim loại hiếm hoặc ngà voi và cũng được chạm trổ cực kỳ tinh tế.
Theo suy đoán, keris có khả năng đã xuất hiện từ khoảng thế kỷ IX. Mô tả đầu tiên về nó có lẽ nằm trong ghi chép của nhà Tống, Trung Quốc ở thế kỷ X. Vào năm 992, sứ thần từ Shepo (nay là Java) đã tới kinh đô Biện Kinh (Khai Phong) cống nạp và trong các món đồ của họ có đoản kiếm chuôi bằng sừng tê giác chạm vàng. Tuy nhiên, theo bằng chứng lịch sử cụ thể thì phải đến năm 1361, nó mới được sử dụng và nhanh chóng trở nên phổ biến.
Năm 1437, thám hiểm gia người Trung Quốc lừng danh, Trịnh Hòa (1371 – 1433) đến Indonesia. Ông ghi nhận tất cả nam giới Majapahit (tên vương quốc của Java trong khoảng 1293 – 1527), từ vua quan đến dân thường, trẻ em lên 3 đến lão niên đều giắt keris trên thắt lưng. Tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi cá nhân mà keris có thể chỉ bằng kim loại, gỗ thường hay ngà voi, sừng tê giác… nhưng chung quy đều được chạm khắc khéo léo, đẹp đẽ.
Bản thảo tiếng Sunda (ngôn ngữ chính ở Java) trong khoảng 1440 - 1518 thì vạch rõ chỉ vua chúa mới giắt keris, còn dân thường giắt kujang. Đây cũng là một kiểu đoản kiếm nhưng có hình gần bán nguyệt như liềm, dùng để cắt và thường chỉ được chế tạo bằng sắt với chuôi và vỏ bằng gỗ rẻ tiền hoặc sừng trâu.
Tuy nhiên, kể từ thế kỷ XVI trở đi, keris chính thức là vật bất ly thân toàn dân, được già trẻ, trai gái Indonesia mang hàng ngày. So với keris của đàn ông thì keris của phụ nữ mảnh mai, gọn nhẹ hơn. Các dòng họ, gia tộc Indonesia cũng có keris gia truyền.
“Đã là đàn ông Java, bất kể giàu hay nghèo cũng phải có ít nhất một keris. Nam giới 12 – 80 tuổi không được phép ra khỏi nhà nếu quên giắt keris”, một tư liệu lịch sử chứng nhận.
Bảo vệ linh hồn
Ban đầu, người ta cứ nghĩ keris là vũ khí quân sự chính của Java nhưng đi sâu tìm hiểu thì phát hiện không phải. Đúng là các chiến binh Java luôn mang keris trên mình, có khi còn những 3 thanh keris (của bản thân, cha vợ tặng và gia tộc) một lúc, nhưng vũ khí chính của họ là giáo. Chỉ khi bị mất giáo, họ mới dùng keris thay thế hay nói cách khác, keris chỉ là vũ khí dự phòng.
Thay vì vai trò quân sự, keris giữ vai trò tâm linh. Tín ngưỡng Java tin, keris là đại diện của tự nhiên, mang trong mình ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) và cả linh hồn của con người.
Như hầu hết các nền văn minh nông nghiệp ở phương Đông, Java cũng thờ nước và đại diện của nước là Rồng. Phần lưỡi hình sóng của keris tượng trưng cho thân Rồng và các khúc lượn luôn ở số lẻ, thường từ 3 – 13 khúc nhưng cũng có cái lên đến 29 khúc.
Khi rèn xong lưỡi keris, thợ rèn thường dùng chất độc warangan hoặc khoáng chất có chứa asen để đánh bóng nên keris còn mang danh “kiếm độc”. Tất nhiên là sau khi hoàn thành, chất độc cũng bị rửa sạch hết nên nó an toàn.
Có khoảng 60 kiểu keris khác nhau nhưng vật liệu chế tạo keris đều phải là kim loại tốt nhất, có khi còn là thiên thạch siêu quý hiếm. Nếu lưỡi keris tượng trưng cho thân Rồng thì chuôi là đầu và chót vỏ là đuôi.
Chuôi keris thường được chạm trổ hình các loài động vật hoặc vị thần Hindu, đính đá quý như hồng ngọc, vỏ thì chạm khắc họa tiết hoa lá. Thợ rèn keris được gọi là empu, tức chuyên gia chế tác sắt kiệt xuất. Họ không chỉ am tường kiến thức rèn mà còn thấm nhuần tín ngưỡng tâm linh Java.
Ngay từ thuở mới được sáng chế, keris đã là linh kiếm được sử dụng như bùa hộ mệnh. Người Java tin ngũ hành và linh khí ẩn trong nó bảo vệ họ khỏi tai ương, mang lại may mắn nên vừa tôn thờ vừa không rời khỏi tay. Vua quan Majapahit thì xem nó như biểu tượng về địa vị, bản lĩnh anh hùng nên cũng luôn giắt bên hông hoàng phục và triều phục.
Sự hiện diện mạnh mẽ nhất của keris bây giờ có lẽ là trong vũ điệu Barong truyền thống. Đây là điệu múa xua tà đuổi ác, cầu may và thiết lập lại sự cân bằng vẫn đang được người Indonesia duy trì.
Nội dung của điệu múa này là nữ hoàng quỷ Rangda mê hoặc quân lính của Java, khiến họ tự vẫn còn pháp sư thì cố gắng dùng pháp thuật để chống lại. Khi đạt đến trạng thái xuất thần, các pháp sư dùng keris đâm vào ngực mình mà không bị thương.
Mặc dù, vũ điệu Barong thường kết thúc trong viên mãn nhưng cũng có khi nó gây tử vong. Vào tháng 2/2021, một vũ công keris mới 16 tuổi đã bị keris của bản thân đâm xuyên tim tử vong trong buổi biểu diễn ở Denpasar, Bali.
Người Indonesia hiện vẫn duy trì tín niệm keris là linh kiếm bảo vệ linh hồn. Trang phục cưới của chú rể Java luôn có keris gắn hoa nhài. Nếu keris mang tính thể hiện bản lĩnh đàn ông thì hòa nhài tượng trưng cho sự điềm đạm, hiền lành, khuyên họ không nên hung hăng, bạo ngược.