Linh hoạt giải pháp “giữ chân” học trò ngày cận Tết

GD&TĐ - Những ngày gần Tết, học sinh thường có tâm lý uể oải, phân tán tư tưởng. Để duy trì sĩ số, tránh tình trạng nghỉ học, học tập kém hiệu quả… các trường học đã tiến hành nhiều giải pháp.

Linh hoạt các phương pháp giáo dục để giờ học thêm cuốn hút HS. GV và HS Trường Tiểu học Nhân Thịnh (Lý Nhân – Hà Nam). Ảnh: Đức Trí
Linh hoạt các phương pháp giáo dục để giờ học thêm cuốn hút HS. GV và HS Trường Tiểu học Nhân Thịnh (Lý Nhân – Hà Nam). Ảnh: Đức Trí

Tăng cường giải pháp duy trì sĩ số

Cô Nguyễn Hồng Hải – chủ nhiệm lớp 11D2, Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình – Hà Nội) cho biết: HS kết thúc học kỳ I từ 15/12 và bước vào học chương trình học kỳ II. Nắm được tâm lý HS dễ bị phân tán, rã đám nên ban giám hiệu (BGH) nhà trường quán triệt đến từng GV phải quan tâm nhắc nhở HS thực hiện tốt kỷ luật trật tự (không đi muộn, hoàn thành bài tập ở nhà, nghỉ học phải có xin phép từ bố mẹ…). Đồng thời, GV bộ môn tăng cường các bài kiểm tra trước và sát Tết để HS buộc phải chú tâm hơn đến học tập.  

“Nhà trường tổ chức hoạt động hướng về Tết cổ truyền như Hội chợ xuân. Ở đó HS các lớp cùng tham gia tìm hiểu về Tết, gói bánh chưng, trang trí mâm ngũ quả; có gian hàng riêng để bán đồ Tết. Số tiền thu được, các lớp dùng để hoạt động từ thiện, tặng quà các bạn HS kém may mắn… Những hoạt động này không chỉ tăng cường kiến thức, kĩ năng cho HS, mà còn tạo sân chơi riêng, ý nghĩa, giúp các em không bị lôi cuốn vào các trò chơi bên ngoài mà quên đi việc học tập” – cô Nguyễn Hồng Hải chia sẻ. 

Cô Phạm Thị Lương – Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà (huyện Bắc Hà – Lào Cai) thông tin: Dù điều kiện thời tiết có lúc giảm sâu từ 2 -10 độ; tâm lý học tập uể oải ít nhiều vì vừa thi xong học kỳ I và không khí Tết đang đến gần… song tỉ lệ chuyên cần của HS toàn trường vẫn đạt 98%.

Để bảo đảm sĩ số ở mức cao cho gần 1.000 HS toàn trường, theo cô Lương, BGH, GV vẫn phải tiến hành những giải pháp phù hợp.  

Trước hết, việc dạy học, giao bài tập, ôn tập trên lớp… được tiến hành theo từng lớp, với từng nhóm HS khác nhau. HS các lớp A1, A2 của các khối, có năng lực học tập tốt, GV sẽ phát phiếu giao bài tập nhiều hơn. HS lớp A3, việc học còn hạn chế, và xác định rõ mục tiêu chỉ học hết THPT không lên ĐH , GV giao bài ít hơn, tăng cường ôn tập ngay trên lớp. Với phương pháp giáo dục linh hoạt HS sẽ không cảm thấy bị áp lực học tập, học khó rồi sợ, chán bỏ học. 

Cô Phạm Thị Lương cũng khẳng định: Với HS dân tộc việc duy trì sĩ số cũng phụ thuộc rất lớn vào bữa ăn bán trú. Được học tập, ăn ở ngay tại trường sẽ giúp cho công tác quản lý chuyên cần của HS tốt hơn. HS không bỏ, trốn học khi tới trường. 

Cô Đinh Loan Vân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Nghĩa Thuận cho biết: Đợt lạnh sâu vừa qua rơi vào đúng thời điểm HS kết thúc học kỳ I nên nhà trường cho HS nghỉ học 1 - 2 ngày vừa để HS chống rét tại nhà vừa có thời gian để GV tổng kết điểm. 

Với HS vùng cao Nghĩa Thuận, đời sống và sự quan tâm tới giáo dục của bà con dân tộc còn hạn chế nên việc duy trì sĩ số được nhà trường xác định là việc quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, trong những ngày thời tiết giảm sâu, bằng mọi cách nhà trường phải có chăn đệm, quần áo ấm cho HS, thay đổi giờ lên lớp muộn hơn, đóng kín cửa phòng lớp học, triển khai hoạt động vận động. Những ngày nắng ấm, giờ học sẽ kéo dài hơn và triển khai hoạt động ngoài trời cần thiết. Hơn thế, các bữa ăn bán trú của HS được bảo đảm ấm nóng tuyệt đối để giữ sức khỏe...

GV, nhà trường không chủ quan

Theo cô Nguyễn Hồng Hải, từ khi bước sang học kỳ II, lớp 11D2 của cô chủ nhiệm luôn ổn định 100% sĩ số. HS nghỉ học do ốm, mệt đều được bố mẹ trực tiếp xin phép. Điều này có được một phần do nhà trường đưa ra giải pháp giáo dục phù hợp trên lớp, mặt khác việc rèn giũa nâng cao ý thức học tập, quan tâm tuyên truyền, quản lý HS từ nhà trường, GV và phụ huynh được đẩy mạnh.  

Đặc biệt, “phần mềm điểm danh sĩ số của các trường học Hà Nội đang phát huy tốt việc kiểm soát HS nghỉ học hàng ngày. Chỉ sau thời gian điểm danh, nếu HS nghỉ học sẽ lập tức báo về cho bố mẹ. Do đó hạn chế đáng kể tình trạng HS trốn học bỏ tiết, hay đi học muộn…” - cô Hải khẳng định. 

Thầy Hà Trần Hồng – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Khao Mang (Mù Cang Chải – Yên Bái) bày tỏ: Vài tuần nữa mới đến Tết nhưng tâm trạng đón Tết của HS dường như đã rộn ràng, thay thế cho không khí học tập khẩn trương thường thấy. Hơn nữa, HS ở lứa tuổi THCS, THPT cảm xúc và sự cảm nhận về ngày Tết đã rõ ràng nên  ảnh hưởng tâm lý học tập ở thời điểm sau kiểm tra học kỳ I và trước Tết khó tránh khỏi. Điều đó đòi hỏi các nhà trường một mặt siết chặt kỷ luật, trật tự trường lớp, mặt khác tăng cường giải pháp giáo dục linh hoạt, hiệu quả...

Thời điểm trước Tết nền nếp, học tập vẫn dễ dàng ổn định hơn dịp sau Tết, khi HS nghỉ một thời gian rồi trở lại trường. Những lễ hội, phong tục tập quán, tâm lý nghỉ học, chưa sẵn sàng nhập cuộc trở lại… khiến tỉ lệ chuyên cần giảm sút. Tuy nhiên, không vì thế các trường, đặc biệt trường vùng cao lơ là công tác ổn định, duy trì sĩ số thời điểm sát Tết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.