Ngành Giáo dục địa phương sau sáp nhập:

Linh hoạt điều chỉnh tài liệu Giáo dục địa phương

GD&TĐ - Trong bối cảnh địa giới hành chính tại nhiều địa phương thay đổi, việc giảng dạy Giáo dục địa phương buộc phải linh hoạt, thích ứng kịp thời.

Học sinh Hải Dương trả lời câu hỏi về các di tích lịch sử, văn hóa trong chương trình “Giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường”. Ảnh minh họa: INT
Học sinh Hải Dương trả lời câu hỏi về các di tích lịch sử, văn hóa trong chương trình “Giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường”. Ảnh minh họa: INT

Nhiều tỉnh, thành đã chủ động cập nhật tài liệu, thậm chí biên soạn nội dung tạm thời để đảm bảo học sinh tiếp cận kiến thức đúng và đủ, không làm gián đoạn quá trình giáo dục bản sắc quê hương.

Cập nhật thông tin

Tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành 12 cuốn tài liệu Giáo dục địa phương từ lớp 1 đến lớp 12, bảo đảm tiến độ, chất lượng và phù hợp đặc điểm tình hình của tỉnh. Các tài liệu này được đưa vào giảng dạy tại tất cả cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn tỉnh. Sở GD&ĐT cũng có báo cáo kết quả đánh giá tác động xã hội về nội dung tài liệu Giáo dục địa phương theo Chương trình GDPT 2018.

Theo ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, khi có những thay đổi về địa danh hành chính, chắc chắn tài liệu Giáo dục địa phương cần cập nhật cho phù hợp, bảo đảm tính chính xác, khoa học. Trong khi chưa có tài liệu điều chỉnh chính thức, sở GD&ĐT sẽ tổng hợp những thay đổi gửi đến nhà trường, để thầy cô trong quá trình giảng dạy tham khảo, cập nhật cho học sinh.

“Tài liệu tổng hợp không chỉ là thay đổi về địa danh mà còn bao gồm các thông tin khác như diện tích, dân số, du lịch, dịch vụ, khu công nghiệp, văn học địa phương, lịch sử địa phương”, ông Lập cho hay.

Trong bối cảnh tên gọi địa danh có thay đổi, Trường Tiểu học & THCS A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị) dự kiến các phương án để giáo viên kịp thời cập nhật đến học sinh khi giảng dạy nội dung Giáo dục địa phương nếu tài liệu chưa có điều chỉnh chính thức.

Chia sẻ về dự kiến này, ông Nguyễn Mai Trọng - Hiệu trưởng cho biết: Nhà trường sẽ trao đổi trực tiếp với các cơ quan có liên quan để xác nhận thông tin về các thay đổi. Tổ chức buổi họp hoặc tập huấn nội bộ để mời giáo viên cùng thảo luận, chia sẻ thông tin về những thay đổi tên gọi địa danh; cung cấp tài liệu tạm thời, bản đồ hoặc danh sách tên gọi mới để giáo viên nắm rõ.

Tiếp đó, nhà trường tạm thời biên soạn các tài liệu hướng dẫn, hoặc bảng tên gọi mới để hỗ trợ giáo viên trong giảng dạy; chia sẻ tài liệu này trong nội bộ, hoặc thông qua nền tảng trực tuyến của trường. Thông báo để học sinh và phụ huynh nắm rõ thay đổi. Trong đó lưu ý điều chỉnh là tạm thời, trong khi chờ cập nhật chính thức.

Nhà trường cũng khuyến khích thầy cô linh hoạt trong giảng dạy. Giáo viên có thể đưa ra những lưu ý nhỏ trong bài học, hoặc sử dụng cả tên cũ và tên mới để tránh gây nhầm lẫn; hướng dẫn học sinh cách tra cứu thông tin từ nguồn chính thức nếu cần.

linh-hoat-dieu-chinh-tai-lieu-giao-duc-dia-phuong-2.jpg
Học sinh Trường Tiểu học & THCS A Xing (Quảng Trị) trong tiết ngoại khóa về chiếc áo vua ban “Vân phụng tiên y” - bảo vật của dòng họ A Xớp, dân tộc Pa Kô. Ảnh: NTCC

Dạy học bằng tài liệu điện tử

Tại Cà Mau và Bạc Liêu, chương trình Giáo dục địa phương được biên soạn với nội dung phong phú, bao gồm: Văn hóa; lịch sử, truyền thống; địa lý, kinh tế, hướng nghiệp; chính trị - xã hội và môi trường.

Ở cấp tiểu học, nội dung Giáo dục địa phương được tích hợp vào các môn học phù hợp theo quy định từng lớp, không tổ chức kiểm tra, đánh giá riêng. Trong khi đó, ở cấp THCS và THPT, môn học được xây dựng thành từng bài học, chủ đề hoặc nhóm chủ đề với thời lượng 35 tiết/năm học và được kiểm tra, đánh giá như các môn học/hoạt động giáo dục khác trong Chương trình GDPT 2018.

Đến nay, tỉnh Cà Mau đã hoàn tất việc biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương cho các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 12 và được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Tuy nhiên, việc in ấn, phát hành tài liệu chưa được thực hiện, nên các trường học vẫn sử dụng tài liệu dưới dạng điện tử để giảng dạy.

Ông Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau thông tin: “UBND tỉnh có chủ trương xã hội hóa việc phát hành tài liệu Giáo dục địa phương. Sở GD&ĐT được giao phối hợp với đơn vị xuất bản để tổ chức thẩm định, in ấn và phát hành tài liệu thành sách. Tuy nhiên, do sáp nhập tỉnh, kế hoạch này có thể sẽ điều chỉnh. Sau khi hoàn tất sáp nhập, sở sẽ nghiên cứu, chỉnh sửa tài liệu cho phù hợp với địa giới hành chính mới”.

Tại Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau), ông Châu Văn Tuy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, môn Giáo dục địa phương triển khai đúng tiến độ, đảm bảo số tiết theo quy định. Giáo viên được phân công giảng dạy phù hợp với chuyên môn, năng lực và có tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ. Tuy nhiên, hiện nay việc giảng dạy vẫn sử dụng tài liệu dưới dạng file PDF do chưa có bản in chính thức.

“Dùng tài liệu PDF giúp tiết kiệm chi phí, dù còn một số hạn chế. Đặc biệt, trong bối cảnh có chủ trương sáp nhập tỉnh, tài liệu dạng mềm cũng dễ dàng chỉnh sửa, cập nhật hơn so với sách in. Mở rộng và điều chỉnh tài liệu Giáo dục địa phương theo địa giới hành chính mới sẽ góp phần làm phong phú hơn nội dung chương trình.

Nếu đến thời điểm sáp nhập mà chưa có tài liệu mới do sở ban hành, nhà trường sẽ chủ động cập nhật, truyền đạt kiến thức phù hợp về vị trí địa lý, văn hóa, lịch sử… theo đơn vị hành chính mới cho học sinh”, ông Tuy cho biết.

linh-hoat-dieu-chinh-tai-lieu-giao-duc-dia-phuong3.jpg
Học sinh một trường ở Giá Rai (Bạc Liêu) tham quan di tích Đồng Nọc Nạng trong môn Giáo dục địa phương.

Bảo đảm tính toàn diện và đặc trưng văn hóa

Ông Đỗ Ý Ly - Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Vĩnh Long), cho rằng, sáp nhập tỉnh không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để làm mới cách tiếp cận Giáo dục địa phương. Sự thay đổi đó đến từ việc tái cấu trúc chương trình Giáo dục địa phương, lồng ghép kiến thức về văn hóa, giáo dục một cách nghiêm túc và có chiều sâu.

“Sáp nhập ba tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long thành một đơn vị hành chính mới đặt ra nhiều yêu cầu đổi mới, nhưng đây cũng là dịp để chúng tôi xây dựng bộ tài liệu không chỉ mang tính đại diện mà còn tạo được sự kết nối và niềm tự hào cho học sinh toàn tỉnh”, ông Ly nói và cho rằng, ngành Giáo dục ba địa phương cần chủ động phối hợp rà soát, chọn lọc và tích hợp những nội dung tiêu biểu, đặc sắc từng vùng để chuẩn bị cho việc xây dựng tài liệu Giáo dục địa phương mới sau sáp nhập.

Đồng thời, ông Ly đề xuất Bộ GD&ĐT sớm ban hành khung hướng dẫn chung về xây dựng tài liệu Giáo dục địa phương sau sáp nhập tỉnh, nhưng vẫn cần để các địa phương có không gian linh hoạt và sáng tạo, phù hợp với đặc điểm văn hóa vùng sông nước và sự đa dạng miền Tây Nam Bộ.

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, khi tiến hành sáp nhập các tỉnh, việc xây dựng bộ tài liệu Giáo dục địa phương mới cần bảo đảm tính toàn diện và hài hòa, đồng thời phản ánh được đặc trưng văn hóa, lịch sử từng địa phương trước đó. Nếu thiếu sự cẩn trọng và đầu tư thích đáng, nguy cơ làm lu mờ, thậm chí mất đi các giá trị bản địa là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Do đó, ngoài phần nội dung chung dành cho tỉnh mới, tài liệu Giáo dục địa phương nên có thêm các tiểu mục phản ánh đặc thù riêng của từng vùng, giúp học sinh hiểu rõ hơn về nơi mình sinh sống, từ đó hình thành lòng tự hào và ý thức gìn giữ di sản quê hương.

Một điểm quan trọng không thể bỏ qua trong quá trình này là sự tham gia tích cực của cộng đồng, đặc biệt là các nhà nghiên cứu văn hóa, giáo viên địa phương và chính người dân sở tại. Đây là người nắm giữ ký ức văn hóa và bản sắc vùng miền, có khả năng truyền tải giá trị một cách chân thực, sống động và gần gũi.

Từ góc nhìn người trực tiếp giảng dạy, cô Trần Thị Mỹ Dung - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Duyên Hải (Trà Vinh), bày tỏ mong muốn có được bộ tài liệu Giáo dục địa phương mới vừa phản ánh điểm chung, vừa tôn vinh nét riêng biệt từng địa phương.

“Học sinh rất tự hào về truyền thống quê hương. Nếu có thể lồng ghép các câu chuyện lịch sử cụ thể, nhân vật gắn với từng vùng, việc giảng dạy sẽ trở nên sinh động và thấm sâu hơn rất nhiều. Chúng ta không nên để nội dung bị “hòa tan” đến mức thiếu chiều sâu đặc trưng về văn hóa và lịch sử của từng nơi”, cô Dung nhấn mạnh.

Ông Trần Hồ Quốc Quân - Hiệu trưởng Trường THCS Giá Rai A (Giá Rai, Bạc Liêu) cho biết, tài liệu Giáo dục địa phương của nhà trường chủ yếu tập trung vào các nội dung như vị trí địa lý, văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh của tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, khi có chủ trương hợp nhất tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, chắc chắn tài liệu sẽ được điều chỉnh.

“Trong trường hợp tỉnh chưa ban hành tài liệu mới, nhà trường sẽ linh hoạt sử dụng nội dung Giáo dục địa phương hiện có của cả hai tỉnh để truyền đạt kiến thức phù hợp với tình hình thực tế”, ông Quân nói thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quang cảnh Đại hội.

Chủ tịch Quốc hội dự Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ Ủy ban Văn hóa và Xã hội

GD&TĐ - Chiều 11/5, tại Nhà Quốc hội, Đảng bộ Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội tổ chức Đại hội lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đây là Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở đầu tiên của Đảng bộ Quốc hội. Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống LB Nga Vladimir Putin phát biểu với báo chí. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Tuyên bố chung về những định hướng lớn của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga trong giai đoạn hợp tác mới

Theo Đặc phái viên TTXVN, nhân dịp Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm thăm chính thức Liên bang Nga và tham dự Lễ Duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại từ ngày 8 - 11/5, Việt Nam và Liên bang Nga đã ra Tuyên bố chung.