Giảng dạy nội dung giáo dục địa phương: Tạo hấp dẫn từ nguồn 'tài nguyên sống'

GD&TĐ - Sự kết hợp giữa tài liệu giảng dạy với khai thác nguồn “tài nguyên sống” trong cộng đồng đem lại những tiết học GD địa phương sống động...

Học sinh Trường Phổ thông cơ sở Dân tộc bán trú Tây Sơn (Kỳ Sơn, Nghệ An) múa hát làn điệu dân ca truyền thống. Ảnh: Hồ Lài
Học sinh Trường Phổ thông cơ sở Dân tộc bán trú Tây Sơn (Kỳ Sơn, Nghệ An) múa hát làn điệu dân ca truyền thống. Ảnh: Hồ Lài

Sự kết hợp giữa tài liệu giảng dạy với khai thác nguồn “tài nguyên sống” trong cộng đồng là các nghệ nhân dân gian, chuyên gia, già làng… sẽ đem lại những tiết học Giáo dục địa phương sống động. Qua đó, giúp học sinh tiếp thu kiến thức tự nhiên, hiệu quả, góp phần bồi dưỡng niềm tự hào, tình yêu quê hương, ứng dụng những điều đã học vào thực tiễn.

Học cùng nghệ nhân

Học sinh khối 10 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) vừa có buổi học đầy ý nghĩa với chủ đề “Thành tựu âm nhạc ở Nghệ An” trong chương trình Giáo dục địa phương. Buổi học này, học sinh và giáo viên cùng đến Nhà hát Dân ca Nghệ An để học lý thuyết, trải nghiệm thực tế âm nhạc truyền thống, đặc biệt di sản văn hóa phi vật thể dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

Tại nhà hát, các em được xem nghệ sĩ biểu diễn nhiều tiết mục, làn điệu dân ca, trong đó có những hoạt cảnh tái hiện lại không khí lao động, tâm hồn, tình cảm con người xứ Nghệ trước đây. Đồng thời quan sát nhạc cụ dân tộc được sử dụng trong các tiết mục biểu diễn, học sinh hiểu hơn về giá trị những nhạc cụ này cũng như đặc trưng âm nhạc dân gian.

Sau khi xem trình diễn của các nghệ sĩ, học sinh được lên sân khấu hát, đối đáp, sử dụng nhạc cụ và hòa mình vào các làn điệu dân ca. Buổi học chương trình Giáo dục địa phương đặc biệt còn có sự tham gia giao lưu của Nghệ sĩ Ưu tú Đức Lam - Trưởng đoàn Dân ca Ví, Giặm Nghệ An.

Nghệ sĩ Đức Lam đã giúp học sinh hiểu được giá trị độc đáo làn điệu Ví, Giặm, những thành tựu nổi bật của âm nhạc Nghệ An, không chỉ trong lĩnh vực dân gian mà cả dòng nhạc đương đại. Trải nghiệm thực tế, kết nối với các nghệ sĩ cùng cơ hội thể hiện bản thân đã để lại dấu ấn khó quên, giúp các em thêm yêu và ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của quê hương Nghệ An.

Nhiều năm nay, nghệ nhân Vừ Lầu Phổng trở thành “người bạn” quen thuộc của học sinh Trường Phổ thông cơ sở Dân tộc bán trú Tây Sơn (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ông được ví như “truyền nhân”, “người giữ lửa” văn hóa Mông nổi tiếng khắp huyện rẻo cao miền Tây xứ Nghệ.

Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng kể: “Tôi được ông nội truyền dạy nghệ thuật múa khèn lúc 12 tuổi, cùng nhiều làn điệu ca dao, nhạc cụ truyền thống người Mông. Ông tôi nói đó là trách nhiệm của mình đối với con cháu, để sau này, cháu truyền lại cho thế hệ tiếp theo. Nếu cháu không học thì bản sắc người Mông sẽ mất”. Nhớ lời ông nội, nghệ nhân Vừ Lầu Phổng sau này không chỉ trao truyền những nét bản sắc văn hóa dân tộc Mông cho con trai, con gái, mà còn dạy cho nhiều người trẻ trong bản làng, học sinh ở trường.

Trước đó, từ năm 2020 - 2021, Trường Phổ thông cơ sở Dân tộc bán trú Tây Sơn quyết định đưa nghệ thuật múa khèn và nhạc cụ, dân ca người Mông vào chương trình học ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm. Theo cô Võ Thị Vinh - Hiệu trưởng nhà trường, nhiều già làng tại Tây Sơn có ý thức giữ gìn, truyền dạy các giá trị văn hóa của dân tộc cho thế hệ sau.

Ngoài nghệ nhân Vừ Lầu Phổng còn có hơn 20 nghệ nhân khác am hiểu, thông thạo văn hóa Mông ở nhiều lĩnh vực. Các già làng kể cho cháu, con về nguồn gốc dân tộc mình, đâu là nét đẹp văn hóa cần gìn giữ. Đồng thời trao truyền lại những lễ tục, cách chơi nhạc cụ, làn điệu dân ca, múa hát… Đây chính là “kho tàng sống” quý báu trong cộng đồng, bản làng để hỗ trợ cho nhà trường trong thực hiện chương trình Giáo dục địa phương cũng như giáo dục truyền thống cho học sinh.

Mỗi tuần nghệ nhân Vừ Lầu Phổng và các cụ cao niên được nhà trường mời tham gia giao lưu, truyền dạy văn hóa, nghệ thuật truyền thống cho học sinh trong tiết học Giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa. Một mặt thực hiện chương trình giáo dục nhà trường, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, mặt khác tạo hứng thú, niềm vui đến trường cho học sinh. Qua đó góp phần ổn định sĩ số cho ngôi trường hầu hết học sinh là con em đồng bào Mông.

tap-hap-dan-tu-nguon-tai-nguyen-song-3.jpg
Nghệ nhân dạy múa khèn Mông cho học sinh Trường Phổ thông cơ sở Dân tộc bán trú Tây Sơn (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Học tại bảo tàng

Thực hiện Chương trình Giáo dục địa phương theo hướng đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy, phát triển năng lực người học, Trường Tiểu học Nghi Phú 2 và Trường Tiểu học Hưng Bình (TP Vinh) đã phối hợp tổ chức buổi trải nghiệm cho học sinh khối 4 tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Giáo viên 2 trường đã trao đổi, xây dựng kịch bản với nhiều hoạt động ý nghĩa, tạo hứng thú cho học sinh tìm hiểu nội dung sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Phần lý thuyết, thay vì giáo viên dạy học như trên lớp thì các em được cô chú nhân viên, chuyên gia của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh thuyết trình dễ hiểu, gắn với tài liệu, hiện vật đang trưng bày. Sau tiết học, các em được tham gia hoạt động trải nghiệm tìm ra “Ô chữ bí mật” và “Theo dấu chân Đảng”.

Cô Nghiêm Thị Mai Oanh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Bình, cho hay, chương trình Giáo dục địa phương ở cấp tiểu học không quy định số tiết riêng, mà được lồng ghép trong các tiết học, hoạt động ngoại khóa. Với đặc thù lứa tuổi nhỏ, vừa học vừa chơi, nội dung giáo dục địa phương ở nhà trường được xây dựng lồng ghép vào các hoạt động trực quan, thiết thực, dễ nhớ, dễ hiểu, có thể tổ chức trong lớp học hoặc đến các địa điểm văn hóa, lịch sử trên địa bàn.

Trước đó, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng phối hợp với nhiều trường học tổ chức các chương trình trải nghiệm, giáo giục địa phương: Chương trình trải nghiệm Âm vang di sản quê hương, với sự tham gia của nghệ nhân Nguyễn Thanh Phúc, trình diễn nhạc cụ sáo, tù và, đàn môi, đàn bầu, đàn đáy, trống cơm, đàn đá, đàn bát...

Hay chương trình “Giữ hồn nón lá quê hương”, bảo tàng đã mời các nghệ nhân làm nón đến từ làng Thanh Tài, xã Đồng Văn (Thanh Chương) giao lưu cùng học sinh THCS thành phố Vinh. Tham gia chương trình, trải nghiệm các bước trong quy trình làm nón với sự hướng dẫn của nghệ nhân giúp học sinh hiểu thêm về ngành nghề thủ công truyền thống xứ Nghệ. Sự vất vả, tỉ mỉ, cầu kỳ tạo nên 1 sản phẩm cũng giáo dục học sinh về giá trị của lao động.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ, tài liệu chương trình địa phương được biên soạn với nội dung khái quát, tiêu biểu nhất về lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương.

Vì vậy, quá trình triển khai cần sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo của nhà trường, giáo viên để kết hợp giữa tài liệu giảng dạy với khai thác nguồn “tài nguyên sống” trong cộng đồng. Qua đó, giúp học sinh hiểu nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội tại nơi sinh sống. Góp phần bồi dưỡng tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học vào thực tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bộ Y tế Uganda ghi nhận 1 ca tử vong vì virus Ebola Sudan.

Cuộc chiến chống vắc-xin

GD&TĐ - Uganda, một trong những quốc gia đối mặt với nhiều đợt bùng phát Ebola trong quá khứ và đang trong cuộc chiến chống lại một đợt bùng phát mới.