Linh hoạt đáp án và sáng tạo chấm thi tự luận tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Là môn tự luận duy nhất trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc chấm thi Ngữ văn đòi hỏi nhiều về chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ chấm thi của giám khảo.

Thí sinh TPHCM sau môn thi Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: INT
Thí sinh TPHCM sau môn thi Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: INT

Đòi hỏi giám khảo làm sao hài hòa giữa yêu cầu của đáp án và quan điểm, lý lẽ, sự sáng tạo của thí sinh.

Đáp án thuận lợi cho người chấm

“Đáp án từng câu hỏi trong các phần khá chi tiết, rõ ràng. Các câu vận dụng, vận dụng cao có đáp án gợi ý mở, giúp thầy cô có thể liên hệ ý làm bài của học sinh để đảm bảo điểm, tránh bỏ sót ý. Ngữ văn là một môn đặc thù, nên có thể rơi vào cảm tính riêng của mỗi giám khảo khi chấm, vậy nên khả năng lệch điểm giữa giám khảo 1 và 2 dễ xảy ra. Vì vậy rất cần đến ‘tinh thần chấm’, kỹ năng, nghiệp vụ chấm thi của giám khảo dựa trên cơ sở hướng dẫn chấm để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh”, cô Lê Thị Vân Anh chia sẻ.

Theo cô Lê Thị Vân Anh, Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa), đáp án đề Ngữ văn 2023 cũng như các năm trước, giữ nguyên cấu trúc và thang điểm từng phần, câu hỏi. Đáp án đưa ra bám sát với trọng tâm, yêu cầu của đề, có sự phân hóa rõ ràng giúp giám khảo dễ dàng chấm thi, các hội đồng chấm cũng dễ đem đến công bằng cho thí sinh cả nước.

Cô Nguyễn Thị Minh Huệ, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) cùng nhận định: Đáp án, thang điểm của Bộ GD&ĐT khá thuận lợi cho giám khảo khi chấm thi. Yêu cầu nội dung từng phần có hướng gợi mở, có lợi cho việc phát huy năng lực sáng tạo trong bài làm của thí sinh. Tuy nhiên, văn chương vốn đa nghĩa, đáp án Bộ GD&ĐT đưa ra là một phương án, thực tế bài làm của học sinh luôn có nhiều cách thể hiện khác nhau.

Vì vậy, việc chấm bài thi môn Ngữ văn cần giáo viên có tâm và tinh thần trách nhiệm cao. Do đó, trước khi chấm, Sở GD&ĐT tổ chức một buổi để toàn hội đồng chấm thi được nghe quy chế, thảo luận, thống nhất đáp án - đây là bước vô cùng quan trọng. Trong quá trình thảo luận, chấm chung một số bài sẽ thấy những cách trình bày khác nhau của học sinh. Nên việc nghe kỹ, hiểu rõ và tuân thủ biên bản thống nhất đáp án sau khi thảo luận, thống nhất đáp án sẽ giúp giám khảo chấm đều tay giữa các bài làm.

Thầy Lê Tấn Minh, Trường THPT Trần Văn Ơn (Châu Thành, Bến Tre) đánh giá đáp án bài thi Ngữ văn khá chi tiết, có tính mở, tuy nhiên một số yêu cầu còn khá chung chung. Thang điểm Bộ GD&ĐT đưa ra khoa học, học sinh dễ đạt được điểm trung bình. Với đáp án này, giám khảo thuận lợi hơn so với đáp án, thang điểm của năm 2022, giúp giám khảo chấm nhanh hơn, ít lệch điểm.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Hà Nội. Ảnh: Vân Anh

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Hà Nội. Ảnh: Vân Anh

Tránh đếm ý cho điểm

Chia sẻ kinh nghiệm chấm thi Ngữ văn, thầy Lê Tấn Minh nhấn mạnh, đầu tiên là việc nắm chắc quy chế chấm thi, tuân thủ hướng dẫn chấm, biên bản thống nhất đáp án sau khi đã thảo luận, chấm chung để đảm bảo chấm đồng bộ, đều tay, tránh độ lệch lớn giữa các giám khảo. Giám khảo chấm bài thi môn Ngữ văn đồng thời phải có tâm, tầm; hài hòa giữa yêu cầu của đáp án và tôn trọng quan điểm, lý lẽ của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Lý do, đề thi thiết kế theo hướng mở, khuyến khích sự sáng tạo, quan điểm riêng của người viết.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm giảng dạy môn Ngữ văn, trực tiếp giảng dạy lớp 12, cô Nguyễn Thị Minh Huệ cho rằng, giám khảo chấm thi phải là giáo viên trực tiếp hoặc từng giảng dạy lớp 12, vững vàng chuyên môn, có kinh nghiệm trong chấm bài thi tốt nghiệp. Quá trình chấm, giám khảo vừa phải bám sát đáp án, vừa linh hoạt cả chi tiết và cụ thể.

Khi thống nhất điểm giữa 2 giám khảo phải cân đối điểm ở phiếu chấm cá nhân và xem xét toàn bài thi để đảm bảo quyền lợi cho từng học sinh, công bằng giữa các thí sinh. Đánh giá bài làm trên cơ sở ghi nhận những suy nghĩ có thể còn non nớt của lứa tuổi, trân trọng bài làm của thí sinh bằng cách đọc kỹ từng câu, chữ.

Với phần Đọc hiểu, nhiều học sinh không làm liên tục mà đôi khi cách nhau. Do đó, người chấm cần lưu ý không bỏ sót câu, ý của học sinh. Phần Nghị luận văn học, lưu ý sự sáng tạo của học sinh, bám sát đáp án nhưng cũng linh hoạt, phù hợp, không gây thiệt thòi cho các em.

Cô Lê Thị Vân Anh cùng quan điểm khi nhận định Ngữ văn là một môn đặc thù, phụ thuộc nhiều vào người chấm, nên khi chấm đảm bảo bám sát đáp án, nhưng vẫn phải dựa trên cách diễn đạt của học sinh, dù cách diễn đạt tương đương vẫn phải cho điểm. Ưu tiên cộng điểm theo đúng đáp án với những bài làm có sự sáng tạo, cách diễn đạt mới mẻ, lý luận sâu sắc. Trên thực tế với môn Ngữ văn, học sinh thậm chí có thể viết hay hơn, không giống hoàn toàn đáp án, nên người chấm phải ghi nhận, có đánh giá xác đáng với những bài làm như vậy, vận dụng tối đa để đảm bảo quyền lợi cho người học.

Cô giáo Vũ Thị Phương, Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Cần Thơ cho biết: Để chấm thi chính xác, đều tay, Sở GD&ĐT Cần Thơ tập huấn kỹ cho cán bộ chấm thi về biểu điểm, thảo luận kỹ đáp án, hướng dẫn và thực hiện chấm chung ít nhất 10 bài để rút kinh nghiệm cho giám khảo. Do đó, mỗi giám khảo cần nắm chắc, tuân thủ thảo luận, thống nhất chung của hội đồng chấm, từ đó giúp chấm đều tay, tránh độ lệch lớn giữa các giám khảo.

Bên cạnh đó, giám khảo bám sát đáp án nhưng không nên máy móc. Cần hiểu ngôn từ trong đáp án chỉ là một hướng diễn giải. Học sinh có thể dùng từ ngữ khác để diễn đạt theo nghĩa tương đương, tránh tìm từ ngữ giống hệt đáp án mới cho điểm.

“Mỗi học sinh có khả năng diễn đạt khác nhau. Do đó giám khảo cần đọc kỹ, phát hiện ý để cho điểm trong trường hợp thí sinh diễn đạt còn tối nghĩa, mơ hồ, lan man. Cùng với đó, khi chấm luôn đặt mình vào vị trí học sinh để có thể cảm nhận những gì các em muốn thể hiện trong bài làm, không máy móc dựa vào từng câu, chữ trong đáp án”, cô Vũ Thị Phương chia sẻ kinh nghiệm.

Phần đọc hiểu, chênh lệch thường xảy ra ở câu 3, 4, giáo viên nên tìm các từ khóa xem học sinh có diễn đạt được cốt lõi của đáp án không, nhìn nhận tổng thể diễn đạt và trình bày để cho điểm. Phần nghị luận xã hội, nghị luận văn học, có thể chấm theo 2 cách để soi chiếu kiểm chứng lẫn nhau, tạo thành 2 lần chấm của chính mình. Lần 1, áng điểm theo tiêu chí, đề mục trong phiếu chấm. Lần 2, chấm theo kiểu tìm điểm thiếu để trừ. Tóm lại, giám khảo vừa chấm sát đáp án, vừa linh hoạt ở cả chi tiết và cụ thể, cân đối toàn bài thi để đảm bảo quyền lợi, sự công bằng giữa các thi sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.