Chấm bài thi tự luận: Giám khảo phải đều tay, công tâm

Kiểm tra công tác chấm thi ở một số địa phương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ luôn nhắc nhở: Khâu coi thi đã tổ chức thành công, khâu chấm thi cũng phải đạt được “mục tiêu kép”.

 Cán bộ tham gia chấm thi trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Cao Bằng.
Cán bộ tham gia chấm thi trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Cao Bằng.

- Thưa Thứ trưởng, Hội đồng thi tốt nghiệp THPT 2020 của các tỉnh, thành phố đã bắt tay vào quy trình chấm thi tốt nghiệp THPT. Vậy Bộ GD&ĐT có lưu ý gì?

- Mục tiêu đặt ra đối với Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là phòng chống dịch bệnh tốt, bảo đảm chất lượng của kỳ thi. Bộ GD&ĐT đã xây dựng Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020; trong đó có quy định rất rõ về khâu chấm thi. Chúng tôi đã quán triệt các địa phương: Chấm thi phải nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và chính xác; kết quả thi phản ánh chất lượng thật của thí sinh. 

Trên tinh thần đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các thành viên trong Ban chấm thi của địa phương phải nắm chắc quy chế, quy trình chấm thi. Phân định rõ chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của từng thành viên trong Ban chấm thi, từ trưởng ban, phó ban, trưởng môn chấm, cho đến các tổ trưởng tổ chấm. Việc giao túi bài thi cho cán bộ chấm thi được thực hiện theo hình thức bốc thăm bằng phiếu. Trưởng môn chấm thi tổ chức bốc thăm nguyên túi cho cán bộ chấm thi, giao riêng cho từng người. Điều này đã thể hiện rất rõ trong Quy chế thi.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ (đứng giữa) trao đổi với Ban Chỉ đạo thi tỉnh Hà Nam về công tác chấm thi.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ (đứng giữa) trao đổi với Ban Chỉ đạo thi tỉnh Hà Nam về công tác chấm thi.

- Chấm bài thi Ngữ văn đòi hỏi sự đều tay, công tâm của giám khảo để bảo đảm quyền lợi thí sinh. Yêu cầu này liệu có gây khó khăn cho người chấm?

- Khi chấm bài thi tự luận phải chấm đều tay giữa 2 giám khảo. Muốn vậy, cán bộ chấm thi phải thống nhất nhận thức, quan điểm và cách thức chấm, biểu điểm, đáp án. Theo đó, trưởng môn chấm thi tập trung toàn bộ các tổ trưởng tổ chấm thi, cán bộ chấm thi để quán triệt Quy chế thi; đồng thời thảo luận Hướng dẫn cách chấm và tổ chức chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận để rút kinh nghiệm; từ đó thống nhất cách áp dụng hướng dẫn chấm. Khi nắm chắc quy chế và cách chấm thi mới tổ chức chấm thi theo quy trình chấm hai vòng độc lập tại hai phòng chấm thi riêng biệt. Khi mọi thứ đã thông suốt, việc chấm đều tay sẽ không phải là chuyện khó. Lúc đó bài thi sẽ bảo đảm nguyên tắc công bằng.

Điều quan trọng, mỗi bài thi tự luận phải được 2 giám khảo chấm độc lập ở hai tổ chấm khác nhau. Đây là nguyên tắc bắt buộc các Hội đồng thi tốt nghiệp THPT ở các địa phương phải thực hiện. Khi có cùng quan điểm, nhận thức cho dù 2 giám khảo cùng chấm chung 1 bài nhưng điểm bài thi sẽ không bị chênh lệch nhiều. Và khi điểm số không còn khoảng cách giữa hai cán bộ chấm thi, đó sẽ là kết quả tốt. Đây cũng là việc cần nhấn mạnh với các đoàn thanh tra, kiểm tra khi thực thi nhiệm vụ. 

Trong quá trình chấm thi, cũng có nhiều vấn đề đòi hỏi cán bộ chấm thi phải giữ lập trường, quan điểm của mình. Nói như vậy không có nghĩa là cứng nhắc, bảo thủ, mà phải hài hòa và hướng đến quyền lợi của thí sinh. Đặc biệt, cần lưu ý không để xảy ra những sai sót hoặc nhầm lẫn trong quá trình tổ chấm thi như: Cộng điểm nhầm của thí sinh, chấm thiếu bài của các em… Tất cả những vấn đề lỗi kỹ thuật mà hàng năm vẫn được hướng dẫn trong quy chế, đề nghị các cán bộ chấm thi hết sức quan tâm, nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho thí sinh.

- Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh hiện nay, công tác chấm thi ở các địa phương cần bảo đảm  nguyên tắc phòng chống dịch Covid-19?

- Phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe của cán bộ, giáo viên khi làm thi. Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn các địa điểm tổ chức chấm thi phải bảo đảm các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế. Cụ thể, Công văn số 2908/BGDĐT-GDTC đã nêu 8 điểm cần lưu ý đối với các điểm làm thi. Đề nghị địa phương quán triệt sâu sắc nội dung của công văn này tại các điểm chấm thi.

- Một trong những nội dung được dư luận quan tâm là đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT của thí sinh với kết quả học tập của các em. Vậy Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện việc này như thế nào?

- Đối sánh điểm thi trung bình các bài thi, môn thi thành phần với điểm trung bình môn học tương ứng của năm học lớp 12 của thí sinh được đưa vào Quy chế thi, nên bắt buộc phải triển khai thực hiện. Kết quả đối sánh sẽ được công bố công khai để xã hội cùng biết và giám sát. Vì thế, đây không chỉ là căn cứ để đổi mới việc dạy - học trong nhà trường, mà cũng là một trong những giải pháp để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, công bằng, chất lượng.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.