Nguy cơ gây nhiều tổn hại
Việc liệt các băng đảng ma túy là các tổ chức khủng bố nước ngoài nhằm phá vỡ tài chính của chúng thông qua việc áp dụng các biện pháp trừng phạt từ Mỹ, bao gồm đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với các thành viên các nhóm cũng như đối với các cá nhân và tổ chức hỗ trợ họ.
Tổng thống Trump cho biết, ông sẽ quy các cartel Mexico (nhóm buôn lậu ma túy) là các tổ chức khủng bố nước ngoài. Những người theo phe bảo thủ ở Mỹ cũng đồng thanh kêu gọi xếp các băng đảng ma túy Mexico vào nhóm khủng bố sau vụ giết người ở Mexico hồi đầu tháng này, vụ việc khiến 3 phụ nữ và 6 trẻ em người Mỹ có quốc tịch Mexico thiệt mạng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông đã dành 90 ngày làm việc cho quá trình này, nhằm ngăn chặn những kẻ buôn bán ma túy.
Tuy nhiên, Mexico cảnh báo họ có thể phản ứng trước một động thái như vậy, trong khi các luật sư di trú nói rằng việc quy những kẻ buôn bán ma túy là khủng bố có thể khiến một số trường hợp người Mexico có đủ điều kiện xin tị nạn.
Một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, từng điều hành quá trình xem xét và định danh các nhóm khủng bố nước ngoài, cho biết việc áp dụng tình trạng đó đối với các tổ chức tội phạm thuần túy sẽ gây tổn hại đến quan hệ song phương, gây tổn hại kinh tế và có nguy cơ làm suy giảm chương trình.
Đâu là giới hạn?
Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Jason Blazakis, người giám sát quá trình định danh các tổ chức khủng bố nước ngoài cho biết, việc ông Trump đang dự định cũng có nghĩa là “làm mờ ranh giới giữa tội phạm và khủng bố”, và “đó là một vấn đề cực kỳ rắc rối”. Liệu việc quy kết này sẽ dừng lại ở đâu, khi mà có tới hàng chục băng đảng tội phạm trên khắp thế giới có thể đủ điều kiện để đặt vào tình trạng tương tự.
Danh sách các nhóm khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ có tới hàng chục tổ chức, hầu hết là những người nổi dậy Hồi giáo, ly khai hoặc theo quân nổi dậy. Trước đây, ở Mỹ Latinh, quân nổi dậy cánh tả và quân đội bán quân sự, cả hai đều tham gia buôn bán ma túy và đã xuất hiện trong danh sách này.
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho biết Mexico sẽ giải quyết vấn đề này với Mỹ sau kỳ nghỉ lễ Tạ ơn và yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao dẫn đầu các cuộc đàm phán.
Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết, các cuộc thương lượng sẽ tập trung để bảo vệ chủ quyền của Mexico, một chủ đề khá nhạy cảm ở một đất nước đã mất một phần lớn lãnh thổ của mình trong cuộc chiến với Mỹ những năm 1800.
Trước đó, ông Marcelo Ebrard cũng cho biết theo luật pháp của Mỹ, việc chỉ định tổ chức khủng bố có thể cho phép Mỹ hành động trực tiếp chống lại mối đe dọa trong trường hợp mà họ cho là cần thiết.
Ngoại trưởng Marcelo Ebrard cũng cho biết rằng, một động thái như vậy sẽ bị Mexico phản đối với một phản ứng pháp lý tương đương. Mexico đã từng có một phản ứng như vậy khi phân loại một vụ xả súng hàng loạt ở El Paso, khiến một số công dân Mexico đã chết hồi đầu năm là vụ khủng bố chống lại người Mexico.
Vấn đề di dân
Việc quy các băng đảng ma túy Mexico là các tổ chức khủng bố có thể khiến các trường hợp nhập cư Mexico trở nên phức tạp. Đã từ lâu, chính phủ Mỹ cho rằng những người Mexico chạy trốn khỏi bạo lực do băng đảng ma túy gây ra không đủ điều kiện đến Mỹ tị nạn, vì các băng đảng là các tổ chức tội phạm hoạt động hoàn toàn vì lợi ích kinh tế. Việc quy chúng là những kẻ khủng bố có thể thay đổi điều đó và tạo điều kiện cho một số đề xuất tị nạn của người Mexico.
Mặt khác, việc quy kết này cũng ảnh hưởng tới những người có bất kỳ liên hệ nào với các tập đoàn ma túy, bao gồm người thân của các thành viên cartel không có tiền sử tội phạm, thậm chí kể cả những người phải trả các khoản tiền do bị tống tiền, hoặc bị ép buộc, do luật pháp Mỹ cấm nhập cư đối với bất kỳ ai đã cung cấp vật chất hỗ trợ cho những kẻ khủng bố, trừ khi họ được miễn trừ.
Có thể thấy những áp lực lớn từ phía ông Trump đối với các băng đảng ma túy Mexico trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 có sự tương đồng với việc ông sử dụng các mối đe dọa thuế quan trước đó để thuyết phục Mexico kiểm soát nhập cư bất hợp pháp.