Tuyên bố chung nêu rõ, hành vi thử tên lửa phi pháp của Triều Tiên đã “làm gia tăng đáng kể căng thẳng trong khu vực và trên thế giới”. HĐBA LHQ cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước “hành vi gây bất ổn và thái độ thách thức cũng như khiêu khích cao độ của Triều Tiên” trước 6 nghị quyết trừng phạt trước đó của LHQ.
HĐBA LHQ kêu gọi Triều Tiên dừng ngay việc thử tên lửa và hạt nhân lại và đe dọa sẽ “có những biện pháp mạnh mẽ hơn” nếu Triều Tiên không chấp nhận việc này. HĐBA cũng tái khẳng định cam kết của tổ chức này trong việc “tìm kiếm một giải pháp chính trị và hòa bình cho tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên” và kêu gọi các quốc gia thành viên và các nước khác nỗ lực “tìm ra một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại”. Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Triều Tiên cần “ngay lập tức thể hiện thành ý của mình trong việc tuân thủ cam kết phi hạt nhân hóa” và hối thúc mọi thành viên LHQ thực hiện đầy đủ các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.
Các quan chức ngoại giao tại LHQ cho biết, Mỹ - quốc gia chịu trách nhiệm soạn thảo tuyên bố chung của HĐBA - đã bỏ cụm từ “kêu gọi đối thoại” với Triều Tiên trong văn bản này nhằm gia tăng tính cứng rắn. Tuy nhiên, sau quá trình đối thoại, Mỹ đã chấp nhận yêu cầu của Nga thêm vào cụm từ “kêu gọi đối thoại” với Triều Tiên để văn bản này được thông qua.
Phát biểu sau tuyên bố của HĐBA, Đại sứ Mỹ tại LHQ, Nikki Haley, nhấn mạnh: “Triều Tiên là một vấn đề hết sức nghiêm trọng... Việc chúng tôi tính đến các biện pháp trừng phạt Triều Tiên cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi cũng đang cân nhắc các hành động khác”. Bà Nikki Haley cũng hàm ý có quốc gia (nhắm vào Nga) đã định dùng phủ quyết để ngăn cản tuyên bố chung nói trên.
Đáp lại, Phó Đại sứ Nga tại LHQ, Petr Iliichev, đã lên tiếng cáo buộc Mỹ hành động “quá đột ngột”; đồng thời khẳng định, Moscow không có ý định ngăn cản việc HĐBA LHQ ra tuyên bố chung và luôn sẵn sàng đối thoại với các thành viên khác.