Nghĩ đến việc gọi điện cho những người bạn cũ họ thường lo lắng sẽ bị phản ứng thiếu thân thiện hoặc không gây ấn tượng với người bên kia? Nhưng một nghiên cứu mới khuyên bạn đừng “mặc định” như thế, vì duy trì liên lạc với bạn bè có lợi cho cả tinh thần lẫn thể chất.
Đừng mặc định phản ứng tiêu cực
Một nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Journal of Personality and Social Psychology cho thấy, nhiều người thường đánh giá thấp mức độ bạn bè và những người quen cũ phản ứng khi nhận được liên hệ của họ (một cuộc gọi điện thoại, tin nhắn, email hoặc một món quà nhỏ).
Peggy Liu, tác giả chính của nghiên cứu và là giảng viên quản trị kinh doanh tại trường kinh doanh Katz Graduate School of Business thuộc Đại học Pittsburgh (Mỹ) nói: “Nếu có ai đó bạn ngại liên hệ hoặc không liên lạc từ lâu, bạn cứ thử liên hệ trở lại và sẽ thấy họ đánh giá cao tình cảm của bạn nhiều hơn bạn tưởng”.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành 13 thí nghiệm trên hơn 5.900 người tham gia để xem liệu họ có thể ước tính chính xác mức độ bạn bè đánh giá mình khi họ liên lạc trở lại và hình thức liên hệ nào tạo ra tác động lớn nhất. Trong các thử nghiệm này, liên hệ được định nghĩa là một cuộc gọi điện thoại, tin nhắn, email hoặc một món quà nhỏ.
Kết quả cho thấy, những người tham gia đã đánh giá thấp đáng kể phản ứng của người bên kia khi nhận được liên lạc của họ.
Miriam Kirmayer, nhà tâm lý học lâm sàng nổi tiếng của Mỹ và là chuyên gia về tình bạn, nhận định: “Thường những người tham gia đánh giá thấp những phản ứng nhận được khi liên lạc với bạn bè và đánh giá cao hơn về việc người bạn biết rằng họ vẫn được nhớ đến”.
Nghiên cứu cũng cho thấy, người nhận sẽ đánh giá cao hơn nếu cuộc gọi điện hay tin nhắn đến từ một người quen không thường xuyên liên lạc với họ hoặc khi hai bên không xem mình là bạn thân.
“Khi xuất hiện tâm trạng ngạc nhiên tích cực ở người nhận, bạn sẽ thấy họ ấn tượng và cảm kích nhiều hơn về cuộc gọi điện hay tin nhắn từ bạn” – Liu nói.
Các mối quan hệ, gồm cả tình bạn, còn là những yếu tố dự báo mạnh nhất về tình trạng sức khỏe và tuổi thọ của một người, thậm chí giúp tăng thêm hạnh phúc. Kirmayer nói: “Những kiểu liên hệ bạn bè dù chỉ nhỏ thôi cũng giúp tăng cường mối quan hệ, củng cố tình bạn và duy trì chúng theo thời gian”.
Vượt qua nỗi lo bị từ chối
Nhà xã hội học Anna Akbari (không tham gia nghiên cứu này) nhận định: “Tình bạn cần được nuôi dưỡng. Có rất nhiều vấn đề sức khoẻ có thể ngăn cản được nếu chúng ta thường xuyên liên lạc với bạn bè”.
Để vượt qua những ngại ngùng và mất tự tin khi định liên lạc lại với ai đó, bạn hãy cố gắng đẩy lùi chúng. Đừng giả định trước họ không thích bạn liên lạc lại hay sợ làm phiền. Akbari nói: “Một trong những nỗi lo lắng phổ biến nhất xung quanh việc liên lạc lại bạn bè là sợ bị từ chối. Trong khi chính việc quá lo bị từ chối đã làm mất đi cơ hội xây dựng lại một tình bạn với những điều thú vị sau đó. Hãy nghĩ rằng nếu bị từ chối thì cũng chẳng có gì đáng sợ và bạn sẽ trở nên kiên cường hơn trong việc xác lập các mối quan hệ khác”.
Marisa Franco, nhà tâm lý học kiêm trợ lý giáo sư lâm sàng tại Đại học Maryland và là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản “Platonic: How the Science of Attachment Can Help You Make -- and Keep – Friends” (Platonic: Khoa học về sự gắn bó có thể giúp bạn kết bạn và giữ tình bạn như thế nào) đưa ra lời khuyên: “Hãy tự đặt mình vào cương vị người nhận được một cuộc gọi điện hay tin nhắn của một người lâu ngày không gặp bạn sẽ thấy thú vị thế nào”.
Sử dụng mạng xã hội cũng là một cách để kết nối. Hiện chưa có nghiên cứu đánh giá tác động của việc liên lạc trên các nền tảng mạng xã hội, và các chuyên gia về tình bạn cũng có ý kiến trái chiều đối với câu hỏi: “Mạng xã hội có thể tạo ra sự khác biệt thế nào khi giao tiếp với một người bạn cũ? Đối với những người chưa sẵn sàng nhắn tin hoặc gọi điện cho bạn bè cũ, bình luận hoặc trả lời trên mạng xã hội có thể là một khởi đầu tốt” - Franco nói.
Tuy nhiên, Akbari cảnh giác: “Sử dụng mạng xã hội không phải là hình thức giao tiếp tự nhiên nhất và thân mật nhất. Các bình luận dưới các bài đăng trên mạng xã hội chỉ là kết nối cá nhân hơn là trao đổi riêng tư”.
Akbari khuyên mọi người nên thường xuyên gọi cho bạn bè dù thế hệ trẻ có thể cảm thấy lo lắng về phản hồi khi nhấc điện thoại hơn là chat trên mạng xã hội. “Nghiên cứu mới này có thể giúp xoa dịu sự lo lắng mà mọi người phải đối mặt khi liên hệ với bạn bè. Nếu điều tồi tệ nhất xảy ra khi người nhận không phản hồi vì một lý do nào đó bạn vẫn có thể chuyển sang người bạn khác chứ đừng quá lo lắng”- Akbari kết luận.