Mùa Hè năm 1861, chỉ vài tuần sau khi quân miền Nam nổ phát súng khai màn cuộc Nội chiến sẽ kéo dài 4 năm, nhà giáo dục theo chủ nghĩa bãi nô - Frederick Gunn đã tập hợp hơn 40 học sinh thực hiện “Trại pháo binh”.
Trong 10 ngày, các em di chuyển 42 dặm đến nơi dựng trại, sống theo nếp quân ngũ và tự kiếm cũng như nấu nướng thức ăn. Kể từ thời điểm này, lịch sử của trại hè bắt đầu.
Mong muốn của phụ huynh
Thầy Gunn tốt nghiệp Viện Đại học Yale năm 1837 và đứng ra thành lập Học viện Washington. Trong sự nghiệp giảng dạy, thầy chủ trương giáo dục ngoài trời. Trước năm 1861, thầy thường xuyên dẫn các em đi cắm trại để thể nghiệm cuộc sống tự lập.
Vào năm 1861, khi chủ nghĩa bãi nô làm bùng nổ Nội chiến và dưới sự quan ngại của các phụ huynh trước việc phải chuẩn bị tâm thế như thế nào cho con em đối mặt với chiến tranh, thầy quyết định thực hiện một kế hoạch táo bạo là tổ chức trại hè quân sự Gunnery Camp, tức Trại pháo binh.
Nếu lực lượng Quân đội Liên minh hành quân 42 dặm để tập hợp thì “lực lượng học sinh” gồm 30 học sinh nam và hơn 10 học sinh nữ của thầy Gunn cũng băng đoạn đường dài bằng chừng này để từ Học viện
Washington đến nơi cắm trại là một bãi biển ở Long Island Sound. Tại đây, các em được đánh thức vào buổi sáng bằng tiếng kèn quân đội và nằm ngủ dưới bầu trời đầy sao vào buổi tối sau khi đồng thanh hát các bài ca yêu nước.
Ban ngày, thầy Gunn chỉ đạo các em tập trận, sau đó đi câu cá và hái rau, quả dại đem về tự nấu ăn. Mục đích của trại hè này là sẵn sàng cho việc các em sẽ vào Quân đội Liên minh và nó đã thành công đến nỗi khởi đầu một truyền thống giáo dục mới: Trại hè.
Một thế kỷ rưỡi sau ngày thầy Gunn huấn luyện trại hè quân sự cho các em, Giáo sư Michael Smith, Đại học Ithaca đưa ra nhận xét “trại hè chính là hoạt động phản ánh nỗi lo lắng của phụ huynh về tương lai của con em”.
Quả thật, các bậc sinh thành đã tùy theo thời đại mà bày tỏ những mong muốn có phần khác nhau lên trại hè.
Ví dụ như khi Mỹ bị cuốn vào làn sóng công nghiệp hóa sau Nội chiến và nhiều trẻ em trở thành nạn nhân của cuộc sống bị bê tông hóa (phải cô đơn trong căn hộ chật chội hoặc chờ đợi ở trong nhà máy suốt nhiều giờ vì cha mẹ là công nhân đang bận làm việc), các bậc phụ huynh hy vọng tham gia trại hè là khoảng thời gian con cái được hòa mình vào thiên nhiên, lấy lại tinh thần phấn chấn và cải thiện sức khỏe.
Niềm vui của học sinh
Trại hè độc lập đầu tiên (tức là không liên kết với trường học) được tổ chức vào năm 1876 bởi cựu chiến binh từng là lính của quân đội Liên minh. Nó lấy mục tiêu rèn luyện tinh thần đàn ông quả cảm cho các học sinh nam bị chê là “cậu bé yếu nhớt”.
Người sáng lập Trường Văn hóa Thể chất North Mountain ở ngoại ô Wilkes-Barre, Pennsylvania - Joseph Rothrock thì tổ chức trại hè kéo dài hẳn 4 tháng, thu phí 200 USD/em.
Cảm hứng khiến thầy Rothrock sáng tạo trại hè dài ngày bắt nguồn từ kinh nghiệm tuổi thơ. Hồi nhỏ, thầy bị bệnh và phải nằm yên trong nhà suốt nhiều năm nhưng càng nằm lại càng yếu ớt.
Cuối cùng, cha mẹ của thầy chỉ còn cách gửi thầy đến trang trại của một người họ hàng, hy vọng cuộc sống và không khí trong lành miền quê sẽ có tác dụng cải thiện sức khỏe cho thầy.
Chỉ sau vài tháng chạy lông nhông khắp vùng nông thôn và chơi đùa với đám bạn nhà nông, thầy Rothrock đã khỏe khoắn, khỏi hẳn bệnh. Vì thế, thầy tin tưởng sống hòa mình vào thiên nhiên chính là giải pháp tăng cường thể chất hữu hiệu nhất.
Cùng thời gian thầy Rothrock đưa các em học sinh “bỏ phố vào rừng”, tại Dartmouth, ông Ernst Balch thất kinh khi nhìn thấy các gia đình giàu có tổ chức trại hè cho con em trong những khu nghỉ dưỡng sang trọng bằng cách để người hầu phục vụ các em từ A đến Z.
Ông bèn đứng ra thành lập Trại hè Chocorua hướng dẫn các em đi bộ đường dài, tự túc nấu ăn, dọn dẹp, giặt quần áo… những hoạt động mà ông tin rằng sẽ giúp ích cho việc phát triển khả năng tự lập.
Bước sang thập niên 1890, trại hè xuất hiện khắp nơi. Ngoài các trại hè dành riêng cho nam hoặc kết hợp nam và nữ còn có các trại hè chỉ dành riêng cho nữ. Đến cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất (1914 – 1918), trại hè được công nhận trên toàn nước Mỹ. Nếu vào năm đầu thế kỷ XX, toàn quốc này có chưa đến 100 trại hè thì đến năm 1918 đã có tới hơn 1.000 trại hè.
Khoảng thời gian giữa Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất và lần thứ Hai, trại hè đề cao mục tiêu “định hướng nhân cách, biến các em trở thành những công dân tốt để sau này có ích cho nhà trường và cộng đồng”. Khi cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 (1933 – 1945) nổ ra, nhiều trại hè đã huy động các em giúp đỡ quân đội, tập huấn quân sự…
Chiến tranh Thế giới kết thúc, trại hè trở về nhịp sống bình thường. Lo lắng các em sẽ bị bất an, trại hè hủy toàn bộ các hoạt động liên quan đến quân sự và thay vào đó là các trải nghiệm vui chơi, thực hành nghề thủ công…
Cũng sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, Mỹ phải đối phó với vấn nạn khó chịu là phân biệt chủng tộc. Một số trại hè đặc biệt dành riêng cho trẻ em da màu đã được tổ chức và bị chỉ trích gay gắt. Năm 1964, pháp luật Mỹ phải đưa ra Đạo luật Dân quyền cấm trại hè dạng phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, phải mất khá nhiều thời gian, việc hội nhập và hòa hợp mới được suôn sẻ.
Ngày nay, Mỹ có khoảng 26 triệu trẻ em và em nào cũng tham dự ít nhất 1 trại hè/năm. Như bất cứ thời điểm nào trong lịch sử, trại hè cũng phản ánh nỗi lo lắng của phụ huynh. Tùy vào mong muốn của mình, họ chọn cho con em trại hè thích hợp.
Tuy nhiên, đối với các em thì trại hè nào cũng là niềm vui. Ở đó, các em tiếp xúc, giao lưu với bạn bè, trải nghiệm điều mới, học hỏi cái hay và cuối cùng phát triển nhân cách hoàn thiện hơn, hướng tới việc trở thành công dân gương mẫu trong tương lai.