Libya: Xung đột chính trị Nga - Mỹ leo thang

GD&TĐ - Mới đây, Mỹ đã cáo buộc Nga sử dụng cuộc xung đột Libya vì lợi ích của riêng mình. Trong bối cảnh ấy, truyền thông phương Tây và Ả Rập loan tin về việc lính đánh thuê Nga tham gia trong cuộc chiến Libya, hỗ trợ cho phe Nguyên soái Khalifa Haftar, người đã cố gắng chiếm thủ đô Libya từ tháng 4. Moscow cho rằng có một “lực lượng thứ ba” đang phá hỏng mối quan hệ giữa Nga và Libya.

Đã 8 năm kể từ khi Mỹ lật đổ Muamma Gaddafi, Libya vẫn trong cảnh loạn lạc. Ảnh: LatinAmerican Posts
Đã 8 năm kể từ khi Mỹ lật đổ Muamma Gaddafi, Libya vẫn trong cảnh loạn lạc. Ảnh: LatinAmerican Posts

Truyền thông phương Tây cáo buộc Nga

“Phái đoàn Mỹ nhấn mạnh sự ủng hộ của mình đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Libya khi đối mặt với những nỗ lực của Nga nhằm sử dụng cuộc xung đột chống lại ý chí của người dân Libya” - Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố tại cuộc đối thoại với Libya về an ninh của nước này ở Washington.

Cuộc họp có sự tham dự của các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Nội vụ của Chính phủ Hiệp định Quốc gia (PNC) Mohammed Siyala và Fathi Bashagi, phía Mỹ có đại diện của các bộ, ngành.

Đáng chú ý là vào tuần trước, chính ông Bashagi khi trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg khẳng định rằng, người Nga đã can thiệp vào cuộc xung đột ở Libya. Họ đã “đổ thêm dầu vào ngọn lửa xung đột, thay vì cố gắng giải quyết nó” – ông Fathi Bashagi nói.

Theo ông Bashagi, “bằng chứng là việc triển khai các chiến binh “Wagner” tại Libya”.

Câu chuyện về lính đánh thuê Nga ở Libya đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông trong nhiều năm. Tuy nhiên, tại Moscow, thông tin này luôn bị bác bỏ.

Còn nhớ, vào tháng 9/2019, Al-Jazeera và các cơ quan truyền thông khác đã đưa tin về cái chết của người Nga trong các trận chiến ở Tripoli. Đầu tháng 11, tờ New York Times đưa tin, khoảng 200 lính đánh thuê người Nga đã đến Libya trong một tháng rưỡi qua.

Phản bác tin này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói: “Chúng tôi tin rằng không có cơ sở cho những cáo buộc, phỏng đoán như vậy, nhưng đây không phải là lần đầu tiên truyền thông Mỹ phổ biến tất cả các loại truyện ngụ ngôn, tin đồn độc hại và bịa đặt cho chúng tôi”.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, vào thứ Năm (14/11), người đứng đầu PNC Fayez Sarraj đã chỉ trích Nga. Qua Bloomberg, ông Sarraj cáo buộc lính đánh thuê Nga ủng hộ Nguyên soái Haftar kéo dài cuộc chiến ở Libya và kêu gọi Mỹ thực hiện các biện pháp khôi phục hòa bình ở đất nước này.

Bloomberg cho biết, ông Sarraj đã đưa ra câu hỏi về những người lính đánh thuê trong chuyến thăm tới Sochi vào tháng 10 khi tham dự hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi.

“Chúng tôi bày tỏ mối quan tâm của chúng tôi về sự gia tăng số lượng lính đánh thuê người nước ngoài ở Libya nói chung, rằng điều này sẽ kéo dài cuộc chiến” - Bloomberg trích lời Fayez Sarraj.

Người đứng đầu PNS Fayez Sarraj và Tổng thống Nga V.Putin tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi ở Sochi. Ảnh: The Libya Obserber
Người đứng đầu PNS Fayez Sarraj và Tổng thống Nga V.Putin tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi ở Sochi. 
Ảnh: The Libya Obserber

Người Nga nói gì?

Bình luận về những thông tin trên Bloomberg, người đứng đầu nhóm tiếp xúc trong việc giải quyết tình hình Libya của Nga, ông Lev Dengov khẳng định: “Bloomberg không đưa ra những trích dẫn trực tiếp về những cáo buộc của Sarraj đối với Moscow.

Động thái này có vẻ như một sự khiêu khích với mục tiêu làm xấu đi mối quan hệ giữa Nga và Libya”. Ông Dengov nhấn mạnh rằng, Moscow vẫn duy trì liên lạc thường xuyên với Sarraj, Haftar và với các lực lượng khác để tạo điều kiện cho một khu định cư ở Libya thông qua đối thoại chính trị.

Trong hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi tại Sochi, cả ông Dengov và Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov đã gặp gỡ với Fayez Sarraj.

“Chúng tôi có một cuộc đối thoại tuyệt vời với ông ấy và chúng tôi dự định sẽ tiếp tục đối thoại. Bây giờ chúng tôi đang làm công việc để thực hiện các thỏa thuận đạt được trong hội nghị thượng đỉnh ở Sochi” - ông Dengov nhấn mạnh. Theo ông, các bên đồng ý ký hợp đồng cung cấp một triệu tấn lúa mì của Nga cho Tripoli.

Ngoài ra, người Libya đã bày tỏ sự quan tâm đến việc thực hiện các dự án trong các lĩnh vực như thăm dò và điện khí hóa.

“Càng ngày, chúng ta càng thấy các ấn phẩm về vai trò tiêu cực của Nga trên báo chí phương Tây. Tôi nghĩ rằng những thành công của Moscow ở Trung Đông nói chung và Libya nói riêng.

Chỉ chúng tôi mới có cơ hội liên lạc với tất cả các bên tham gia cuộc xung đột ở đất nước này và điều này gây khó chịu cho ai đó” - Lev Dengov giải thích. Theo ông Dengov, “một bên thứ ba đang thúc đẩy các chính trị gia khác nhau lên tiếng chống lại Nga để tiếp tục duy trì cuộc xung đột ở Libya”.

“Nếu các bên khác nhau của cuộc xung đột Libya có mong muốn liên lạc với chúng tôi, tại sao chúng tôi phải ngăn chặn điều này? Bởi vì có ai đó không thích nó? Chúng tôi không sử dụng xung đột để tạo lợi thế cho mình, chúng tôi đang xây dựng mối quan hệ cùng có lợi với tất cả các bên tham gia cuộc xung đột ở Libya” - ông Lev Dengov nhấn mạnh.

Đối với lính đánh thuê, theo Lev Dengov, “quan điểm chính thức của Nga là không thay đổi. Chúng tôi đã nói về điều này hàng trăm lần. Nếu ai đó có mặt ở Libya thì điều này không liên quan gì đến lập trường của Nga đối với Libya và Nga với tư cách là một nhà nước”.

Lev Dengov khẳng định, trên thực tế, đại diện của nhiều quốc gia châu Phi đang chiến đấu ở Libya như: Nigeria, Chad, Sudan. Mới tuần trước, các phương tiện truyền thông Ả Rập đã viết về lính đánh thuê Sudan trong hàng ngũ của lực lượng Haftar, Khartoum đã phủ nhận thông điệp này. Đồng thời, người ta đã nhìn thấy công dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Mỹ ở Tripoli.

Nguồn tin của Kommersant tại Moscow tuyên bố rằng lính đánh thuê Mỹ đang chiến đấu bên phe Thống chế Haftar. Không có bình luận chính thức về chủ đề này, nhưng rõ ràng là cuộc xung đột ở Libya đang ngày càng quốc tế hóa.

Cụ thể, theo RIA Novosti, một nhóm chuyên gia thuộc ủy ban trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã chuẩn bị một báo cáo kín về việc Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và Jordan vi phạm lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya.

Còn với Mỹ, tờ The Guardian của Anh viết hồi tháng 6 khẳng định, lúc đầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump và John Bolton khi còn là cố vấn an ninh quốc gia đã ủng hộ hoạt động của Nguyên soái Haftar.

Theo báo này, John Bolton nói với nguyên soái Haftar rằng Washington sẽ hỗ trợ ông ta, với điều kiện phải kết thúc “chiến dịch” nhanh chóng. Điều này đã không xảy ra. Và theo The Guardian, với Nguyên soái Haftar, Donald Trump đã thất vọng não nề.

Sau khi lật đổ chế độ Muammar Gaddafi vào năm 2011, Libya đã bị chia cắt: Phía Tây của đất nước do Chính phủ Fayez Sarraj nắm giữ, phía Đông là vùng kiểm soát của Nguyên soái Haftar. Các bên đã cố gắng hơn một lần để đi đến một thỏa thuận, nhưng tất cả các nỗ lực hòa giải đều kết thúc trong thất bại.
Vào tháng Tư, ngay trước hội nghị quốc gia Libya mà Liên Hợp Quốc đã chuẩn bị hơn một năm, Quân đội Quốc gia Libya (LNA), dưới sự chỉ huy của Khalifa Haftar, đã phát động một cuộc tấn công vào Tripoli dưới cái cớ chống lại những kẻ khủng bố. Một chiến thắng nhanh chóng đã không thành công, nhưng cuộc đàm phán đã không được nhắc đến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.