Trong phiên đấu thầu vàng miếng sáng hôm qua, có 3 thành viên trúng thầu, tổng khối lượng trúng thầu 34 lô (3.400 lượng vàng) với một mức giá duy nhất là 86,05 triệu đồng/lượng, cao hơn mức giá tham chiếu để đặt cọc 750.000 đồng/lượng.
Số vàng tiếp tục bị 'ế' trong phiên lên tới 13.400 lượng.
Điểm khác biệt lớn nhất của phiên đấu thầu này là khối lượng đặt thầu tối thiểu chỉ còn 7 lô, tương đương 700 lượng, giảm 1/2 so với quy định ở 4 phiên trước đó. Khối lượng đặt thầu tối đa vẫn là 20 lô, tương đương 2.000 lượng.
Theo tìm hiểu của PV báo Giáo dục Thời đại, trong phiên đấu thầu này, có tổng cộng 10 đơn vị tham gia đấu thầu nhưng kết quả chỉ có 3 đơn vị trúng thầu. Đáng chú ý là mức giá trúng thầu còn cao hơn so với giá mua vào của các công ty vàng trong ngày (ở mức 85,3 triệu đồng).
Như vậy, sau 5 phiên đấu thầu, chỉ có 2 phiên tổ chức thành công với tổng lượng vàng bán qua kênh đấu thầu chỉ là 6.800 lượng vàng.
Đáng lưu ý, sau phiên đấu thầu, giá vàng miếng SJC lại được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đẩy lên lại đỉnh lịch sử tại 87,5 triệu đồng/lượng bán ra và 85,2 triệu đồng/lượng mua vào. Mức giá này cao hơn vàng thế giới trên 16 triệu đồng.
"Giá tham chiếu của phiên đấu thầu được NHNN đưa ra quá cao gây khó cho các doanh nghiệp vàng trong giai đoạn thị trường trong nước và quốc tế đầy biến động như hiện tại. Bởi, nghiệp vụ kinh doanh vàng miếng có biên lợi nhuận rất thấp nhưng rủi ro lại rất cao do giá biến động mạnh nên các đơn vị khó mặn mà...", TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính, nhận định.
Thực tế, mục tiêu của đấu thầu vàng miếng là nhằm can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng trong nước chênh lệch cao so với giá vàng thế giới, đảm bảo thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai và minh bạch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Dù vậy, dường như giải pháp này chưa thực sự phát huy hiệu quả ngay, khi 'cơn sốt' vàng vẫn tiếp diễn.
Trước hiện trạng giá vàng càng tăng sau các phiên đấu thầu, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng đã đến lúc phải tính đến giải pháp chữa 'cơn sốt' bằng việc cho nhập khẩu vàng.
Theo ông Trương Văn Phước, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cho rằng đã đến lúc Việt Nam tính đến cách tiếp cận coi vàng là hàng hoá thông thường được người dân nắm giữ và không lo 'vàng hóa' nền kinh tế.
Theo chuyên gia này, trong bối cảnh phải chờ sửa Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước tăng cung vàng miếng thông qua đấu thầu vàng là phù hợp. Tuy nhiên, việc đấu thầu vàng theo mức giá khởi điểm quá sát giá thị trường khiến các tổ chức tham gia đấu thầu e ngại gặp rủi ro, bị lỗ. Ngân hàng Nhà nước nên xem xét lại khía cạnh này.
Ông Phước cũng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước có thể nghiên cứu bổ sung áp dụng phương thức đấu thầu vàng theo khối lượng. Tức là Ngân hàng Nhà nước ấn định giá bán từ đầu và phân phối trong hạn mức vàng bán ra mỗi phiên phù hợp với khối lượng của các tổ chức đăng ký mua vàng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước có thể ấn định giá bán vàng SJC ra thị trường đối với các tổ chức kinh doanh vàng đã trúng thầu.
"Các tổ chức trúng thầu này về mặt bản chất như là một đơn vị nhận ký gửi hàng từ Ngân hàng Nhà nước tung ra thị trường và được hưởng một mức hoa hồng vài ba trăm nghìn đồng/lượng”, ông Phước cho hay.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TPHCM thì cho rằng trong bối cảnh hiện tại, việc hy sinh ngoại tệ để nhập khẩu vàng là “xa xỉ” đối với Việt Nam.
Theo chuyên gia này, ngoại tệ nếu xét về khả năng thanh toán, luân chuyển tiền tệ, phương tiện đầu tư tích cực thì còn có ý nghĩa hơn vàng rất nhiều. Chưa nói, ngoại tệ còn có vai trò quan trọng trong hỗ trợ xuất nhập khẩu, tăng dự trữ quốc gia, bảo đảm khả năng thanh toán của nền kinh tế với bên ngoài.
"Tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đều muốn loại bỏ vàng ra khỏi lưu thông nhưng không thực hiện được do thói quen tích luỹ vàng của người dân", PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh.
Theo ông Huân, giải pháp nhập khẩu vàng là giải pháp duy nhất để tăng cung và giảm giá vàng nhưng khả năng Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu vàng thời điểm này là khó vì áp lực tỷ giá đang lớn. Nếu nhập khẩu vàng thì áp lực tỷ giá sẽ càng lớn hơn nữa.
"Thế nhưng nếu không cho nhập khẩu vàng thì nhập lậu vàng cũng vẫn diễn ra và đây vẫn là mâu thuẫn bởi nhập lậu vàng thì giá vẫn gây áp lực. Đây là vấn đề Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc xem có nên nhập khẩu vàng hay không", ông Huân nói thêm.