Lì xì con “5 tiếng đồng hồ”...

Lì xì con “5 tiếng đồng hồ”...

TS tâm lý Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội) đã có những chia sẻ với độc giả Báo GD&TĐ về vấn đề này.

Khi phong tục bị vật chất hóa

- Dường như ý nghĩa tốt đẹp của phong tục lì xì ngày Tết đang bị biến tướng, ảnh hưởng không tốt đến trẻ em. Ông có chia sẻ gì về thực tế này?

Trong dịp Tết, phong tục lì xì mang ý nghĩa chúc mừng năm mới, chúc may mắn... Người trẻ lì xì người lớn tuổi để chúc sức khỏe, thể hiện sự quý trọng, tấm lòng hiếu thảo... Nhiều ý nghĩa văn hóa tốt đẹp được thể hiện qua phong tục lì xì.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, ý nghĩa vật chất của lì xì ngày càng rõ lên, thậm chí nhiều khi khỏa lấp cả ý nghĩa tốt đẹp, giá trị văn hóa của phong tục này.

Có một xu hướng đáng suy nghĩ, đó là người ta ngày càng cho nhiều tiền hơn vào phong bao lì xì. Trong khi những nghiên cứu về phần thưởng vật chất của các nhà tâm lý đã chỉ ra rằng: Khi con người nhận thưởng về vật chất chỉ “sáng” lên một vùng nhỏ trong não, điều này ít tác dụng hơn rất nhiều so với việc được nhận những phần thưởng về tinh thần, phần thưởng xã hội.

Ví dụ, phần thưởng xã hội là con người được tham gia những hoạt động xã hội, được kết nối và ghi nhận trong những mối quan hệ xã hội, được hòa nhập vào bầu không khí có những giá trị của gia đình, giá trị văn hóa.

Chẳng hạn, đứa trẻ có thể cảm thấy mãn nguyện khi được chạy trên một cánh đồng cùng cha, mẹ... Đây là phần thưởng vô cùng quý giá với đứa trẻ, vì có thể cả năm cha mẹ ít thời gian riêng dành cho con như dịp Tết.

Phần thưởng tinh thần, phần thưởng xã hội có ý nghĩa như vậy sẽ giúp hình thành nên phương pháp giáo dục trẻ hiệu quả.

Nhiều cha mẹ muốn dịp Tết đưa con về thăm ông bà. Nhưng thực tế đã có những đứa trẻ mong muốn đi chúc Tết chủ yếu để được nhiều lì xì, gặp nhiều người để nhận nhiều tiền.

Bởi thế, nếu cha mẹ tạo được giá trị tinh thần bên trong việc lì xì nhiều hơn, hạn chế bớt giá trị vật chất, thì có thể giáo dục đứa trẻ trách nhiệm, hiểu được ý nghĩa việc đến thăm ông bà dịp Tết, biết được hành động con cháu lì xì ông bà là những đồng tiền may mắn, để chúc thọ ông bà. Làm cho trẻ nhìn nhận tiền trong phong bao lì xì không nặng giá trị vật chất thì mới nói tiếp đến việc giáo dục nhân cách, phẩm chất của trẻ.

- Vậy cha mẹ phải làm thế nào để giảm “giá trị vật chất” của phong bao lì xì và giáo dục trẻ những giá trị nhân văn?

Một số gia đình có những cách thức lì xì cho con vào dịp Tết rất hay và sáng tạo. Ví dụ: Lì xì bằng sách truyện, trong phong bao lì xì có những hạt giống hoa, lì xì một hộp “háo hức”...

Hộp “háo hức” được cha mẹ tự chuẩn bị, bên trong có món quà bất ngờ khi trẻ mở hộp ra. Đôi khi đó chỉ là món quà lì xì mang ý nghĩa tinh thần, hoàn toàn không phải là tiền.

Tôi đã chứng kiến có phụ huynh để trong phong bao lì xì con 1 tờ giấy, trong đó ghi: “Mẹ lì xì con 5 tiếng đồng hồ. Con có thể yêu cầu mẹ làm bất cứ điều gì con muốn; mẹ có thể chơi với con...”.

Lì xì như vậy đã trở thành một phần thưởng mang tính chất tinh thần. Qua đó, cha mẹ có thể giáo dục con chú ý nhiều hơn những giá trị tinh thần, nhân văn, văn hóa của phong tục lì xì, chứ không phải chỉ quan tâm đếm trong bao lì xì có bao nhiêu tiền.

Giáo dục từ phong bao lì xì

Tiến sĩ Trần Thành Nam

- Ở góc độ tâm lý, ông có thể chia sẻ ảnh hưởng của tình trạng biến tướng phong bao lì xì trong giáo dục con trẻ?

Những bậc phụ huynh có hành động lợi dụng phong tục lì xì để thực hiện mục đích riêng chính là hình mẫu rất xấu cho trẻ em. Cha mẹ ứng xử với lì xì như thế nào trẻ em sẽ bắt chước và suy nghĩ như thế.

Chẳng hạn, có một số trẻ đã hành động bất lịch sự khi vừa nhận được phong bao lì xì, chúng mở luôn phong bao để xem bên trong có bao nhiêu tiền. Rõ ràng điều này cho thấy việc giáo dục ứng xử, nhân cách con trẻ của gia đình có vấn đề.

Cha mẹ lợi dụng việc lì xì để đạt mục đích ngoài ý nghĩa văn hóa cũng có nguy cơ khiến trẻ em bắt chước. Trẻ có thể phân biệt, nhận xét, thậm chí là kén chọn trong đi chúc Tết, thích đến nhà này, gặp người kia vì được mừng tuổi nhiều tiền, ngược lại không thích đến những chỗ nhận được ít tiền hơn.

Nếu người lớn xử dụng lì xì vào những mục đích trục lợi, đút lót... thì trẻ em lớn lên sẽ bắt chước theo. Phong bì hay lì xì như thế cũng giống nhau cả thôi. Từ những hình ảnh xấu như vậy, sau này khi đứa trẻ mong muốn đạt được một điều gì đó sẽ hình thành suy nghĩ coi trọng đồng tiền, dùng tiền để mua những lợi ích...

- Qua phong tục lì xì có thể giáo dục học sinh như thế nào, thưa ông?

- Cần làm thế nào để GD một đứa trẻ phải có sự nhất quán từ gia đình đến nhà trường và xã hội. Thực ra cũng không thể bao bọc một đứa trẻ, hay lý tưởng hóa hoàn toàn giống như lý thuyết trong lớp học.

Tuy nhiên, với một nội dung cụ thể như GD văn hóa, ứng xử với phong tục lì xì ngày Tết, giáo viên và nhà trường hoàn toàn có thể đưa vào trong hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt lớp gần dịp Tết.

Khi học đến nội dung liên quan đến Tết, học trò có thể quan tâm, muốn hiểu biết về phong tục tập quán cổ truyền, do đó GV có vai trò GD, gợi mở những nét đẹp văn hóa ngày Tết.

Tuy nhiên, hơn hết, gia đình phải có sự kết nối với nhà trường trong GD con trẻ. Gia đình cần kết nối những bài học ở trường và hiện thực hóa trong đời sống hàng ngày. GD ở trường cũng phải được nhất quán ở nhà.

Trong GD văn hóa, ứng xử ở phong tục lì xì ngày Tết, GV và cha mẹ cần phải củng cố giá trị tinh thần cốt lõi ra sao. Rồi những hình thức lì xì sáng tạo ở trường, ở nhà cần được vận dụng sinh động như thế nào, để làm sao giảm bớt tính vật chất của lì xì, tăng giá trị văn hóa, tinh thần trong nhận thức của trẻ.

- Xin cảm ơn chia sẻ của ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.