Triển khai tên lửa S-400 và Iskander ở Kaliningrad
Ngày 21/11, hãng tin Nga RIA Novosti dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Viktor Ozerov, xác nhận việc triển khai lực lượng tại Kaliningrad, vùng lãnh thổ phía Tây nằm tách rời Nga, tiếp giáp với Ba Lan và Lithuania, nhằm tiếp tục cải thiện khả năng tác chiến của lực lượng không quân, phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và tên lửa đạn đạo Iskander, cho phép vượt qua hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu (NMD).
Theo ông Ozerov, hành động này của Nga được xem như một phản ứng đối xứng với các hành động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), có khả năng trung hòa các mối đe dọa từ NMD. Ông Ozerov khẳng định việc Nga liên tục theo dõi tình hình và "luôn sẵn sàng ứng phó".
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ quan ngại việc Nga triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 và tên lửa đạn đạo Iskander tại vùng lãnh thổ Kaliningrad thuộc Nga, cho rằng động thái này có thể "gây bất ổn đối với an ninh của châu Âu".
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby yêu cầu Nga thúc đẩy an ninh và ổn định trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh việc Moskva điều động các tên lửa Iskander tới Kaliningrad trong thập kỷ qua để phản ứng với các diễn biến ở châu Âu đã đe dọa đến an ninh ở lục địa này.
Đối đầu căng thẳng
Quan hệ giữa NATO và Nga đã trở nên căng thẳng và tồn tại nhiều bất đồng sau sự kiện Liên bang Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước này hồi tháng 3/2014. Ngoài ra, NATO cũng cáo buộc Nga đóng vai trò trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin luôn phủ nhận những cáo buộc trên, đồng thời cho rằng việc phương Tây và NATO lôi kéo chính quyền Ukraine là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia Đông Âu này.
Trong năm 2015, quan hệ căng thẳng giữa Nga và NATO tiếp tục bị đẩy lên cao khi NATO gia tăng các cuộc tập trận ở khu vực châu Âu, mở đầu là chuỗi các cuộc tập trận ở Đông Âu trong khuôn khổ kế hoạch mang tên "Lá chắn Liên minh" (Allied Shield).
Sau đó là hàng loạt cuộc tập trận với Ukraine trên Biển Đen và lãnh thổ phía Tây nước này cùng các cuộc tập trận hải quân ở Địa Trung Hải, Đại Tây Dương, đặc biệt là vùng biển Baltic khiến Nga kịch liệt phản đối.
Giới chuyên gia quân sự Nga cho rằng, trong chuỗi các cuộc tập trận này, Mỹ và NATO đang xây dựng một "tuyến nghiêng", đối đầu với Nga ở biên giới phía Tây và phía Nam, chạy suốt từ Baltic tới Biển Đen.
Những cuộc tập trận này hướng tới việc đối đầu chỉ với "những đối thủ giả định", nhưng tính chất và quy mô của các hoạt động trên lại nói lên điều ngược lại: Dường như cả hai bên đang tập luyện biện pháp đè bẹp các khả năng của đối phương.
Tháng 5/2015, Mỹ đã hoàn thành việc xây dựng một phần hệ thống NMD tại Romania đồng thời tuyên bố năm 2018 sẽ tiếp tục hoàn thành một đơn vị tương tự ở miền Bắc Ba Lan.
Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng các hành động của Mỹ và NATO triển khai NMD đang đặt ra các mối đe dọa an ninh quốc gia Nga và phá hoại sự ổn định chiến lược trong khu vực.
Trước đó, ngày 10/2, các Bộ trưởng Quốc phòng của 28 quốc gia thành viên thuộc NATO đã thông qua việc tăng cường lực lượng quân sự gấp ba lần và mở thêm 2 trung tâm chỉ huy mới tại 6 nước khu vực Đông Âu gồm Litva, Latvia, Estonia, Ba Lan, Bulgaria, Romania, thành lập một lực lượng can thiệp hiệu quả được không quân và hải quân yểm trợ, đồng thời triển khai nhiều máy bay chiến đấu trên lãnh thổ các quốc gia Baltic.
Đây được xem là một tín hiệu mạnh của NATO ngoài các biện pháp đã được áp dụng kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine nhằm trấn an các đồng minh ở Đông Âu. Hành động này đã khiến Nga cho rằng NATO đang đi ngược lại những cam kết về tiếp tục đối thoại với Nga.
Ngày 12/5, NATO đã chính thức kích hoạt NMD tại một căn cứ không quân ở Deveselu, miền Nam Romania, sau nhiều năm lập kế hoạch triển khai và tiêu tốn khoản tiền hàng tỷ USD đầu tư cho cơ sở này.
Ngoài ra NATO cũng triển khai xây dựng một hệ thống phòng thủ tương tự tại Ba Lan và cơ sở này sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2018, tạo ra một hệ thống phòng thủ thường trực 24/24 giờ cho NATO, bổ sung cho các hệ thống radar và tàu chiến đang hoạt động ở Địa Trung Hải, bất chấp những cảnh báo từ Nga cho rằng động thái này đe dọa nền hòa bình ở khu vực Trung Âu.
Tiếp đó, ngày 6/6, NATO đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận quy mô lớn chưa từng có tại Ba Lan và khu vực biển Baltic như "Anakonda", "Saber Strike", "Swift Response" và "Baltops".
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, đã kịch liệt phản đối các cuộc tập trận này và cho rằng Moskva không thể là mối đe dọa khiến NATO tiến hành các cuộc tập trận sát biên giới của Nga, cũng như leo thang quân sự tại khu vực này.
Chiến đấu cơ F-16 của Balan tham gia cuộc tập trận quy mô lớn mang tên "Anakonda" của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 10/6. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra trong hai ngày 8 và 9/7 tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, NATO đã thông qua quyết định triển khai 4 tiểu đoàn gồm khoảng 4.000 binh sĩ ở Ba Lan và 3 nước Baltic (Estonia, Latvia và Lithuania), đóng tại thành phố Elblag phía Bắc Ba Lan, cách tỉnh Kaliningrad của Nga khoảng 100 km.
Để đối phó việc các lực lượng NATO tiến sát biên giới, ngày 10/7, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Moskva dự kiến thành lập 3 sư đoàn mới ở phía Tây và phía Nam.
Quân đội Nga cũng cho biết, năm 2017, Nga sẽ đưa vào trực chiến hai hệ thống radar "Podsolnukh" siêu tối tân có khả năng kiểm soát khu vực ven biển rộng 200 hải lý tại Baltic và Biển Đen.
Đồng thời một hệ thống radar tương tự có khả năng phát hiện bất cứ tàu chiến nào đi qua eo biển Bosphorus sẽ được triển khai tại bán đảo Crimea.
Với việc Nga triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và tên lửa đạn đạo Iskander tại Kaliningrad để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu, có thể thấy mối quan hệ vốn nhiều sóng gió giữa Nga và NATO tiếp tục đứng trước những chông gai mới.