Con tàu mang tên Al - Amal (Hi vọng) có nhiệm vụ lập bản đồ thời tiết sao Hỏa. Dự kiến nó sẽ đến sao Hỏa vào tháng Hai năm 2021 vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất.
"Đây sẽ là tương lai của UAE" – Bà Sarah al - Amiri, Phó Giám đốc điều phối dự án sao Hỏa của UAE cho biết. Bà khẳng định, ảnh hưởng của UAE cũng sẽ như nước Mỹ vào thời gian quốc gia này đưa người đổ bộ lên Mặt trăng trong sứ mệnh Apollo 11.
UAE có kinh nghiệm hạn chế trong thiết kế và sản xuất tàu vũ trụ, tuy nhiên, họ có tham vọng lớn và dám chấp nhận thách thức. Các kỹ sư của UAE, với sự giúp đỡ của các kỹ sư Mỹ, đã chế tạo được con tàu vũ trụ tinh tế chỉ trong vòng 6 năm.
UAE coi con tàu vũ trụ Hi vọng như là công cụ để sáng tạo, là thứ có khả năng lôi kéo, cuốn hút, thúc đẩy nhiều người trẻ học tập. Dự án đã đạt thành công lớn. Các trường đại học của UAE mở 5 chuyên ngành mới trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, tạo đà cho nghiên cứu vũ trụ trong giới trẻ.
Tàu vũ trụ Hi vọng là một trong nhiều dự án cho thấy ý định của UAE là bứt phá, không phụ thuộc vào dầu và khí đốt, theo hướng tạo dựng nền kinh tế tương lại dựa trên tri thức. Còn nếu nói về sao Hỏa thì đây là dự án có tính rủi ro cao. Trước đó, một nửa số sứ mệnh lên sao Hỏa đã kết thúc thất bại.
Nếu như lần này sứ mệnh Hi vọng thành công, thì đó không chỉ là bước chuẩn bị cho chuyến bay liên hành tinh của UAE mà còn tạo ra bản đồ đầu tiên về thời tiết toàn cầu sao Hỏa. Mặc dù các tàu vũ trụ trước đó đã xây dựng được bức tranh khí quyển từ quỹ đạo sao Hỏa nhưng bức tranh này chỉ giúp theo dõi từng phần sao Hỏa trong một số thời gian hạn chế trong ngày. Lần này, quỹ đạo e líp của tàu Hi vọng cho phép các nhà khoa học quan sát những khu vực rộng lớn trên sao Hỏa trong điều kiện ngày hoặc đêm, và "phủ sóng" hầu như cả hành tinh.
Camera ánh sáng khả kiến và quang phổ kế hồng ngoại của con tàu sẽ khảo sát các đám mây và bão bụi trong phần dưới khí quyển sao Hỏa. Trong khi đó, quang phổ kế cực tím theo dõi chuyển động các loại khí ở tầng trên khí quyển. Đây là sứ mệnh đầu tiên cho chúng ta bức tranh toàn cầu về động lực học khí quyển sao Hỏa.
Sứ mệnh tàu Hi vọng kéo dài 2 năm. Trong thời gian này, con tàu theo dõi sự thay đổi thời tiết hằng ngày và sự biến đổi mùa trong năm. Ngoài việc giúp đỡ chuẩn bị các sứ mệnh có phi hành đoàn trong tương lai, các nhà khoa học hi vọng biết được các điều kiện khí hậu nào đã làm cho ô xi và hydro từ sao Hỏa thoát ra ngoài không gian vũ trụ. Điều này có thể giúp họ hiểu về khí hậu sao Hỏa và trả lời câu hỏi tại sao hành tinh bị mất lớp khí quyển dày đặc.
"Sự khác thường của sứ mệnh là ở chỗ, lần đầu tiên cộng đồng khoa học trên thế giới sẽ có cái nhìn toàn cảnh về khí quyển sao Hỏa vào những thời khắc khác nhau trong ngày và trong những mùa khác nhau. Chúng tôi muốn đóng góp vào nỗ lực chung của thế giới trong phát triển khoa học công nghệ nhằm đưa con người đổ bộ lên sao Hỏa" – ông Omran Sharaf, Giám đốc sứ mệnh tàu Hi vọng, cho biết như vậy.