Trong đó, Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương công tác chuẩn bị năm học mới và kế hoạch tổ chức lễ khai giảng. Rà soát cơ sở vật chất cùng các điều kiện cần thiết cho năm học mới.
Lễ khai giảng cần xây dựng kế hoạch tổ chức ngắn gọn, trang trọng. Có phương án tổ chức khai giảng khi thời tiết xấu. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, đại chúng, trang trí trường, lớp khang trang, sạch đẹp, tạo không khí "ngày hội" ở mỗi địa phương và nhà trường vào ngày khai giảng. Đây là dịp để các nhà trường thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội đối với sự nghiệp GD&ĐT.
Quan tâm hỗ trợ học sinh thuộc diện chính sách, con thương binh, liệt sĩ, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật đến tuổi đi học; trên cơ sở đó phối hợp với hội khuyến học, các đoàn thể, tổ chức xã hội và hội cha mẹ học sinh để giúp đỡ, động viên trẻ đến trường.
Đặc biệt quan tâm đối tượng học sinh lớp đầu cấp, thông qua các hoạt động, tạo ấn tượng sâu sắc cho các em trong lần khai giảng đầu tiên của cuộc đời học sinh, khơi gợi tình cảm yêu trường yêu lớp, thầy cô, bạn bè để các em học sinh hào hứng đến trường.
Lễ khai giảng được tổ chức vào ngày 5/9/2018; phải đảm bảo cả phần "lễ" và phần "hội", phù hợp với tình hình cụ thể của từng đơn vị và tâm lí lứa tuổi học sinh mỗi cấp học, bậc học.
Nếu nhà trường kết hợp nội dung lễ khai giảng với các sự kiện lớn như: Đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, kỷ niệm ngày thành lập trường, ... thì việc kết hợp nội dung vào phần "lễ" cần tổ chức hài hòa, linh hoạt.
Phần "hội" cho học sinh tổ chức với các hình thức phong phú, sinh động, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị, đảm bảo tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả và mang tính giáo dục cao. Khuyến khích cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh tham gia, cổ vũ, giao lưu, tạo không khí thân thiện, cởi mở.