Hạnh phúc của gia đình toàn con gái

GD&TĐ - Trong xã hội hiện đại nhưng tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn nặng nề, bao trùm lên quan niệm của phần lớn người dân thì không ít cặp vợ chồng đã vượt qua định kiến trên để dừng lại ở 1 - 2 con. 

Hạnh phúc của gia đình toàn con gái

Sinh 2 con là gái, nhiều gia đình coi đây là đặc ân, là hạnh phúc ban tặng cho gia đình. Bởi với họ, tình cảm, máu mủ là quan trọng chứ không phải sinh con ra vì trách nhiệm với ai đó.

Bất công đè nặng vai trẻ gái

Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2016 của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho thấy, bất bình đẳng và bạo lực trên cơ sở giới vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở nhiều quốc gia.

Theo đó, so với trẻ trai cùng độ tuổi hoặc trẻ trai sống trong gia đình thì trẻ gái đôi khi ít tuổi hơn vẫn phải dành nhiều thời gian của mình cho công việc chăm sóc gia đình.

Các số liệu trong điều tra của UNICEF trên toàn thế giới cho thấy, gánh nặng việc nhà đè lên vai trẻ gái từ rất sớm, khi các em gái ở độ tuổi từ 5 - 9 và thời gian các em dành cho việc nhà nhiều hơn các bạn trai cùng trang lứa là 30% hoặc 40 triệu giờ một ngày. Con số này tăng lên khi các em gái lớn lên, với em gái từ 10 - 14 tuổi thì thời gian cho việc nhà nhiều hơn các em trai tăng lên đến 50% hoặc 120 triệu giờ mỗi ngày.

Thiệt thòi, bất công dường như luôn đeo bám trẻ em gái. Các chuyên gia UNICEF đã chỉ ra rằng, gánh nặng quá sức của các việc nhà không được trả công bắt đầu từ khi còn nhỏ và càng trở nên nặng nề hơn khi em gái đến độ tuổi vị thành niên. Sự phân công lao động không công bằng trong trẻ em đã làm tăng định kiến giới và tăng gấp đôi gánh gặng cho phụ nữ và trẻ em gái qua nhiều thế hệ.

Do phải chịu bất công từ nhỏ nên khi gia đình xảy ra chuyện hoặc thiên tai, xung đột, trẻ gái cũng luôn phải nhường điều tốt đẹp cho trẻ trai. Báo cáo Tình hình trẻ em thế giới 2016 đã chỉ ra, những bé gái trong hoàn cảnh bị ảnh hưởng bởi xung đột có nguy cơ bỏ học cao gấp 2,5 lần so với bé trai. Các bé gái cũng dễ bị tổn thương hơn khi đối mặt với thiên tai hay những trường hợp khẩn cấp khác.

Ở nước ta, ngoài những áp lực đã được UNICEF chỉ ra, đâu đó trẻ em gái còn gián tiếp chịu sức ép từ tư tưởng trọng nam khinh nữ. Việc không có con trai trong gia đình đôi khi bị dòng họ, ông bà, thậm chí cả bố mẹ đổ lên đầu con trẻ cho dù lỗi không thuộc về các em. Những câu nói nặng nhẹ, những so sánh hay nặng hơn là quát mắng, đánh đập mỗi khi tức giận của người lớn khiến các em bị tổn thương mà không phải ai cũng nhận ra.

Vết thương ấy theo các em suốt cuộc đời, vô hình trở thành gánh nặng với chính các em khi làm vợ, làm mẹ. Vòng luẩn quẩn con gái-con trai mãi đè nặng lên vai trẻ em gái, phụ nữ nếu như tư tưởng lỗi thời trên không được xóa bỏ.

Tôn vinh gia đình sinh con một bề là nữ

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, thành phố hiện có trên 965.000 trẻ em gái. Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết: Những năm qua, thành phố triển khai nhiều chương trình để tôn vinh trẻ em gái và các gia đình sinh con một bề là gái. Bên cạnh đó, Sở cũng tổ chức nhiều mô hình chăm sóc sức khỏe dành riêng cho trẻ em gái.

Qua đó, một phần để mang đến cho trẻ gái sự quan tâm đặc biệt, đảm bảo một thế hệ trẻ em gái có sức khỏe tốt, có trình độ... và cũng để nhắn nhủ tới toàn xã hội, trẻ em dù là gái và các gia đình sinh con một bề là gái không hề bị bỏ rơi, thậm chí còn nhận được sự quan tâm đặc biệt hơn.

Một trong những hoạt động nhằm tôn vinh trẻ em gái là biểu dương các gia đình sinh con một bề là gái chăm ngoan,học giỏi. Anh Nguyễn Đức Hùng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Khi biết vợ mang thai lần hai là gái, tôi cảm thấy bình thường nhưng vợ có phần lo lắng. Sợ ảnh hưởng đến con, tôi phải động viên vợ và luôn nhất quán tư tưởng, chỉ sinh hai con dù là gái hay trai.

Cũng theo anh Hùng, không biết có phải vì hợp nhau hay không nhưng hai cô con gái của anh còn quấn bố hơn mẹ. “Có chuyện vui - buồn hai con đều tâm sự với bố, chỉ ngần ấy thôi cũng đủ hạnh phúc rồi”, anh Hùng chia sẻ.

Còn theo em Nguyễn Hà Linh, khi mẹ sinh em thứ hai là gái, mọi người đều bảo “hai con vịt giời, phải có thêm thằng cu” em không hiểu rõ nhưng cũng thấy buồn. Nhưng với những gì bố mẹ chăm lo, nuôi dưỡng hai chị em khiến chúng em cảm thấy mình hạnh phúc dù là con gái. Hai chị em cũng luôn nhắc nhở nhau phải đoàn kết, thương yêu bố mẹ và cố gắng học hành để tốt cho bản thân và mai sau có cơ hội để chăm sóc bố mẹ như bố mẹ từng chăm mình.

Nói như vậy để thấy rằng, việc sinh con trai hay con gái là ngẫu nhiên, không do vợ cũng chẳng phải chồng quyết định. Nhưng việc có sinh bằng được con trai hay không lại liên quan đến quan điểm của mỗi người. Thực tế cho thấy, chỉ cần yêu thương vợ con, lo cho tương lai con cái thì chắc chắn sẽ vượt qua được định kiến.

Trong xã hội, tư tưởng trọng nam vẫn tồn tại. Nhiều gia đình vẫn có nhu cầu sinh con trai dù đã có 2 hoặc 3 con gái thì việc nhiều gặp vợ chồng vượt qua định kiến xã hội, qua nhu cầu cá nhân để dừng lại ở việc sinh 2 con gái và nuôi dạy con tốt là việc làm dũng cảm và đáng ghi nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ