Lệch 'cán cân' ?

GD&TĐ - Số lượng học sinh lựa chọn các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội chiếm “áp đảo” so với khối khoa học tự nhiên.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Thực trạng này khiến nhiều người lo ngại về cán cân nguồn tuyển giữa các cơ sở giáo dục đại học bị lệch, mà ở đó, trường đào tạo về kinh tế, kỹ thuật, công nghệ… có thể “lép vế”.

Còn nhớ, khi năm đầu tiên (năm 2017) Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh lựa chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, số lượng thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội nhiều hơn bài thi Khoa học tự nhiên khoảng 90.000 em.

Từ năm 2018 đến năm 2024, số thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội vẫn luôn “áp đảo” so với bài thi Khoa học tự nhiên. Năm 2023, con số chênh lệch lên tới gần 250.000. Năm nay, trong hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, có 37% em chọn bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); 63% thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Số lượng thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội liên tục tăng trong những năm gần đây, đồng nghĩa nguồn tuyển cho khối trường kỹ thuật, công nghệ cũng ít đi. Vẫn biết, lựa chọn là quyền của thí sinh. Song, nếu để các em lựa theo ý muốn chủ quan (dù chưa biết có phù hợp với năng lực, sở trường, bối cảnh hay không) thì xu hướng lựa chọn môn Khoa học xã hội sẽ tiếp tục chiếm ưu thế, nhất là với các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ở góc nhìn khác, việc thí sinh lựa chọn cũng phụ thuộc vào thị trường lao động và chi phối bởi bài toán “cung – cầu”. Thế nhưng, với một nước đang phát triển như Việt Nam, thì không nên có sự chênh lệch lớn giữa tỷ lệ học sinh học Khoa học xã hội với Khoa học tự nhiên.

Quan ngại hơn, nếu xu hướng học sinh chọn thi tổ hợp Khoa học xã hội tiếp tục tăng và kéo dài sẽ làm mất cân đối nguồn nhân lực. Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật… và dư thừa ở lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn là có thể nhìn thấy; vô hình trung ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước.

Bức tranh trên đòi hỏi các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ quan quản lý Nhà nước cần nhìn nhận thấu đáo. Chúng ta luôn mong muốn phát triển ngành Khoa học cơ bản và kỹ thuật công nghệ, để đồng hành với sự phát triển kinh tế, xã hội.

Đặc biệt trong bối cảnh Cuộc cách mạng 4.0, khoa học, công nghệ, kỹ thuật… lĩnh vực được xem là nòng cốt để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Theo đó, giải pháp trước mắt là, các trường phổ thông cần cải thiện chương trình và phương pháp giảng dạy; trong đó, tập trung vào các môn Khoa học tự nhiên và công nghệ.

Qua đó, từng bước xây dựng và phát triển hệ sinh thái để hỗ trợ, khuyến khích học sinh lựa chọn tổ hợp các môn thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Phía cơ sở đào tạo cũng cần chủ động từ sớm, từ xa và dự báo các kịch bản để có thể sẵn sàng thích ứng với xu hướng thay đổi của học sinh. Đó là cách mà chúng ta chuẩn bị nguồn nhân lực trên mọi lĩnh vực một cách hài hòa, toàn diện và có chất lượng, sẵn sàng đón đầu các xu hướng của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng cùng người dân Yên Bái xuyên đêm canh lũ.

Người dân Yên Bái trắng đêm canh lũ

GD&TĐ - Tính đến sáng 9/9, bão số 3 đã làm 3 người chết, 4 người bị thương, nước sông dâng cao liên tục khiến người dân Yên Bái trắng đêm canh lũ.

Cổng Trời - Hoành Sơn Quan tọa lạc trên đỉnh Đèo Ngang (xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Ảnh: Phượng Vũ.

Cổng Trời 200 tuổi trên đỉnh Đèo Ngang

GD&TĐ - Hoành Sơn Quan nằm trên đỉnh Đèo Ngang, thuộc ranh giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, người dân địa phương thường gọi di tích trên là 'Cổng Trời'.

Khắp Firozabad, đâu đâu cũng có người bán vòng tay thủy tinh. Ảnh: Bbc.com

Độc đáo nghề lọc vàng từ rác

GD&TĐ - Firozabad (Ấn Độ), 'kinh đô buôn bán vòng tay thủy tinh', xuất hiện một nghề không ai ngờ tới là lọc vàng từ rác sản xuất vòng tay.