Không chỉ là làng khoa bảng nổi danh bậc nhất Hải Phòng, Lê Xá còn là miền đất học với những câu chuyện kỳ lạ về các vị đại khoa.
Làng Lê Xá thuộc xã Tú Sơn (Kiến Thụy) là nơi sản sinh nhiều vị đại khoa nhất của Hải Phòng xưa. Trong khoảng gần 70 năm (từ năm 1469 đến 1538), Lê Xá có tới 7 người đỗ đại khoa, trong đó có hai Đệ nhị giáp đồng tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp).
70 năm có 7 tiến sĩ
Ông Ngô Đăng Lợi, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng cho biết, Việt Nam có 37 huyện có người đỗ Trạng nguyên thì riêng Hải Phòng đã chiếm tới 3 huyện.
Ngay khoa thi tiến sĩ đầu tiên của nước ta, Hải Phòng đã có Cao Toàn - người huyện An Lão (nay là Phù Liễn - Kiến An) thi đỗ, được vua Trần Thái Tông gả công chúa Chiêu Hoa.
Xưa kia, nhiều khi làng xã chỉ có một người đỗ đạt, một nhà thơ, nhà văn, người chép sử, triết gia... có tiếng là đã được coi như có truyền thống văn chương. Làng Lê Xá lại có tới 7 người đỗ đại khoa chỉ trong vòng 70 năm ngắn ngủi trong suốt chiều dài nghìn năm thi cử.
Làng Lê Xá trước năm 1813 là xã Lê Xá thuộc tổng Nãi Sơn, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Trước năm 1945 là xã Lê Xá, tổng Nãi Sơn, phủ Kiến Thuỵ, tỉnh Kiến An.
Qua thống kê, đất học Tú Sơn ngày nay (gồm 2 làng xã cũ là Lê Xá và Nãi Sơn) có tới 9 tiến sĩ. Ngoài 7 vị khoa bảng của làng Lê Xá, còn có 2 tiến sĩ làng Nãi Sơn là Bùi Đình Dự và Nguyễn Quang Biểu.
Bùi Đình Dự nổi tiếng hay chữ, thi hương đỗ giải Nguyên, thi đình đỗ Đình nguyên, Hoàng giáp, khoa thi năm Đinh Sửu (1757) đời vua Lê Hiển Tông, làm quan tới chức Hữu thị lang Bộ Hình.
Nguyễn Quang Biểu đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa thi năm Canh Thìn (1772) đời vua Lê Hiển Tông, làm quan tới chức Thị chế Viện Hàn lâm. Tương truyền, nhà nghèo nhưng ông sáng dạ và đặc biệt ham học. Mỗi khi đi chăn trâu, cắt cỏ cho chủ xong, ông đến trường học nghe lỏm hoặc học theo con nhà chủ.
Ngày về Thăng Long thi hội, số tiền chu cấp của họ hàng, bạn bè không đủ chi dùng nên bị chủ nhà trọ gây nhiều rắc rối. Một cô hàng rượu thấy thế trả giúp ông tiền nợ. Sau khi đỗ, ông tìm cô hàng rượu tốt bụng cưới làm vợ. Khi trí sĩ, ông về quê vợ ở vùng Sơn Nam Hạ.
Trong hàng ngũ các nhà khoa bảng ở huyện Kiến Thụy thì Hoàng giáp Bùi Đình Dự nổi lên như một ngôi sao sáng. Từ nhỏ đã nổi tiếng là thần đồng hay chữ, khi đỗ Đình nguyên Hoàng giáp đã làm nức lòng sĩ tử và dân chúng xứ Đông.
Lúc bấy giờ, sĩ tử và học giả khắp trong nước đều đánh giá cao tài năng, đức độ Bùi Đình Dự, coi ông như là một trong những người tiêu biểu nhất cho nho phong sĩ khí Bắc Hà và khí phách sĩ tử xứ Đông. Tuy nhiên, việc Bùi Đình Dự bằng sức học và nhờ tài năng đã đỗ Đình nguyên Hoàng giáp gây tiếng vang lớn.
Nguyên do bởi thời đó, Bùi Đình Dự là dân “Thất quận”, gồm 7 huyện: Thuỷ Đường, Nghi Dương, An Dương, An Lão, Giáp Sơn, Kim Thành, Đông Triều thuộc phủ Kinh Môn - bản chất hung hãn, luôn là trung tâm các phong trào chống đối triều đình.
Chính vì thành kiến nặng nề này mà suốt từ thời Lê - Trịnh sang tận thời nhà Nguyễn, sĩ tử vùng này bị chèn ép, số người học hành bị giảm sút. Qua 250 năm chỉ 5 tiến sĩ là Vũ Kiều, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Quang Biểu, Bùi Đình Dự và Lê Khắc Cần được tuyển chọn.
Thất kiệt Lê Xá
Cho đến nay, các tư liệu lịch sử cho thấy ở Lê Xá có đến 7 vị đại khoa, cũng được gọi là thất kiệt của làng Lê Xá nói riêng và của xứ Đông nói chung. Người khai khoa là Nguyễn Nhân Khiêm đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 29 tuổi, khoa thi năm Kỷ Sửu (1469) đời Lê Thánh Tông, làm quan tới chức Đô cấp sự trung Công bộ.
Bùi Phổ đỗ Đệ nhị giáp đồng tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) năm 1487, đời Lê Thánh Tông và làm quan tới chức Hiệu Lý Viện Hàn lâm. Ông là 1 trong 28 văn sĩ tham gia Hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông sáng lập. Hiện còn 5 bài thơ của ông được Lê Quý Đôn đưa vào tuyển tập “Toàn Việt thi lục”.
Trần Bá Lương (có sách chép họ Nguyễn) đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa thi năm Kỷ Sửu (1499) đời vua Lê Hiến Tông, làm quan đến chức Đông các Hiệu thư.
Ông từng được cử làm Phó chánh sứ sang Trung Quốc. Bài biểu do ông soạn dâng lên vua Minh được Phan Huy Chú tuyển vào bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” phần “Bang giao chí”.
Phạm Gia Mô đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Ất Sửu (1505) đời vua Lê Uy Mục. Ông làm quan hai triều Lê - Mạc, đến chức Thượng thư Lễ bộ, tước Hoành Lễ hầu (triều Lê). Ông kết thông gia với Mạc Đăng Dung và làm quan nhà Mạc, được ban tước cực phẩm Khai phủ Bình chương Quân Quốc trọng sự, Thái sư, Hải quốc công.
Tuy nhiên khi nhà Lê lấy lại ngôi báu, con cháu bi giết hại, phủ đệ Lê Xá bị triệt hạ. Tên ông trong bia Tiến sĩ Văn miếu Quốc Tử Giám bị đục bỏ.
Lê Thời Bật đỗ Đệ nhị giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Giáp Tuất (1514), đời vua Lê Tương Dực. Ông làm quan tới chức Thượng thư, tước Văn Uyên hầu dưới triều Mạc.
Hoàng Thuyên đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa thi năm Mậu Tuất (1538) đời vua Mạc Thái Tông, làm quan tới chức Tham Chính và Hữu Thị lang hai Bộ.
Nguyễn Huệ Trạch đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa thi năm Mậu Tuất (1538) đời vua Mạc Thái Tông, làm quan tới chức Cấp sự trung.
Như vậy, riêng khoa thi năm Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính thứ 9, đời vua Mạc Thái Tông (1538), làng Lê Xá đã đón hai vị tân khoa là Hoàng Thuyên và Nguyễn Huệ Trạch. Đây là sự kiện kiếm không chỉ của Lê Xá, mà của các làng khoa bảng nói chung.
Chuyện ở Văn miếu Xuân La
Hiện nay, tại Văn miếu Xuân La (Kiến Thụy) – nơi thờ các vị Tiến sĩ nho học của huyện Nghi Dương xưa đều có tên 9 vị đại khoa Tú Sơn.
Trong bia ký trùng thuật Văn miếu huyện Nghi Dương có ghi, thời hậu Lê, có lần nhà vua vi hành về vùng Nghi Dương của phủ Kinh Môn, thấy sông núi hữu tình nên dừng lại nghỉ chân. Sau khi tuần xét thấy trên đỉnh núi Đối có 5 khối đá dáng hình như thánh tọa, vua cho rằng đây là vùng địa linh nên cho phủ Kinh Môn xây văn miếu.
Văn miếu Xuân La được xây dựng từ thế kỷ thứ 15, cách đây đã hơn 500 năm. Vào thế kỷ 16, nhà Mạc lấy Nghi Dương làm kinh đô thứ 2 (gọi là Dương Kinh). Văn miếu Xuân La được coi là một trường thi lớn của Dương Kinh.
Từ khi có Văn miếu Xuân La, việc học tập ở đất Dương Kinh phát triển mạnh. Người khai khoa của huyện là tiến sĩ Nguyễn Nhân Khiêm. Sau đó, chỉ trong vòng 120 năm (1469 - 1592), huyện Nghi Dương có 12 người đỗ tiến sĩ.
Trong Văn miếu Xuân La, mỗi vị tiến sĩ có một bài vị ghi niên hiệu khoa thi, cấp bậc đỗ đạt và chức tước vua ban, cùng tính danh và quê quán được đặt trên lưng rùa.
Văn miếu Xuân La đã qua nhiều lần trùng tu. Nào năm Gia Long thứ 7 (1808), khi đó đã dựng cây Thạch trụ ghi lại ngày tháng Hội Tư văn ba tổng nam sông Đa Độ lên Văn miếu Thăng Long chép danh sách 14 vị tiến sĩ Nho học của huyện Nghi Dương về khắc vào bia.
Năm 1951, Thực dân Pháp bắn pháo vào Văn miếu làm sập miếu, nhưng 5 pho tượng và 2 bia lớn vẫn đứng vững. Thời kỳ cải cách, các hiện vật dần thất lạc. Năm 1997, người dân đào ao tìm thấy được cây Thạch trụ. Người dân tin rằng, lúc tìm thấy Thạch trụ cũng là thời khắc phá bỏ lời nguyền đá nổi khiến cả làng không ai đỗ.
Từ nhiều năm nay, ngoài lễ thánh và tưởng nhớ các bậc hiền tài được ghi danh trong Văn miếu. Vào ngày 18 tháng Giêng hàng năm, Văn miếu Xuân La là nơi tổ chức lễ tuyên dương học sinh giỏi của huyện, xã và các dòng họ trong làng.