Xúc xích, chả giò, cá viên chiên, tôm nướng, trà sữa... những món ăn buffet đã quá quen thuộc với trẻ em thành thị, nhưng lại vô cùng lạ lẫm với những đứa trẻ tại rẻo cao Ngọc Linh, xã Trà Tập, huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam). Đây là lần đầu tiên các em được thưởng thức một bữa ăn hấp dẫn như vậy.
Lần đầu trải nghiệm buffet
Năm học 2023 - 2024, điểm trường Lâng Lương thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) có 30 em học sinh. Trong số này, có 16 học sinh lớp mẫu giáo và 14 học sinh lớp ghép 1 và 2. Kết thúc năm học, giáo viên đã kết nối với các nhà hảo tâm lên kế hoạch tổ chức tiệc buffet để học sinh có một buổi chia tay thật đáng nhớ. Đây cũng là lần đầu tiên, học sinh nghèo nơi rẻo cao Ngọc Linh biết đến “tiệc buffet”.
Tại buổi tiệc, nhiều món ăn ngon, đồ uống đã được chuẩn bị sẵn trên bàn, cho các em tùy thích lựa chọn. Ở nơi mà cái ăn đối với học sinh, thậm chí là phụ huynh còn khó khăn thì một bữa buffet đủ đầy như vậy quả thật quá hấp dẫn. Vậy nên, vừa bước vào bữa tiệc, tiếng trầm trồ, sự háo hức hiện rõ trên gương mặt của những đứa trẻ. Buổi tiệc đã diễn ra trong không khí ấm áp với niềm vui khó tả.
Được thưởng thức những món ăn “trên tivi”, em Hồ Hà My - học lớp 1/5 thích thú cho biết: “Những món ăn này em từng thấy bầy trên tivi, nhìn các bạn dưới phố ăn ngon lắm. Lần này được thưởng thức, đúng là ngon thật, em ước gì ngày nào cũng được ăn như vậy”.
Đang say sưa thưởng thức món ăn được các cô chú tình nguyện lần lượt mang đến, em Hồ Hải Phòng - lớp 2/5 nở nụ cười rạng rỡ nói: “Cháu vui lắm, từ nhỏ đến giờ cháu mới được ăn một bữa ngon và no như thế này. Cháu cảm ơn các cô chú rất nhiều”.
Cô Trà Thị Thu - giáo viên phụ trách điểm trường Lâng Lương cho biết, ý tưởng của bữa tiệc buffet này đến với cô cũng rất tình cờ. Ban đầu, nhân tổng kết năm học, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nam Trà My có ý định tổ chức phát bánh kẹo cho các em.
Sau đó, một nhóm thiện nguyện ở TPHCM có ngỏ ý tổ chức liên hoan, kết thúc năm học. Thế là các giáo viên kết hợp hai ý kiến và quyết định tổ chức tiệc dạng buffet. Bữa tiệc ngoài tạo không khí vui vẻ còn là cơ hội để các em lần đầu được trải nghiệm về hình thức bữa ăn này.
Cô trò điểm trường Lâng Lương thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập. |
Nụ cười hạnh phúc trong “Ngày hội tiệc buffet”. |
Bữa tiệc buffet mang đến niềm vui ấm áp cho học trò ở điểm trường Lâng Lương. |
Kéo trẻ đến trường
Xã Trà Tập, huyện Nam Trà My có địa hình núi cao, vực sâu, giao thông đi lại cách trở, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 97%, phần lớn dựa vào nương rẫy nên đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong bộn bề khó khăn đó, việc các em được đến trường học chữ đã là niềm hạnh phúc lớn lao, còn việc cho trẻ ăn những bữa ăn ngon thì là điều khá xa vời.
Để có đủ 30 gương mặt trẻ đến trường hàng ngày, các cô giáo phải đến từng nhà vận động phụ huynh, cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các em được học chữ, được ăn no và ngon khi đến trường. Nhiều phụ huynh thấy được sự tận tụy và tình yêu thương cô dành cho trò nên đã đồng thuận, quyết tâm cho con đi học.
“Đưa được hết các cháu trong độ tuổi mẫu giáo, lớp 1, 2 ra nhập học tại điểm trường là cả một vấn đề, đó là kết quả của công tác vận động, tuyên truyền tới từng hộ dân. Nhưng sau đó, để duy trì sĩ số lớp học từ đầu đến hết năm học là trách nhiệm rất lớn của các cô giáo đứng lớp tại điểm lẻ”, cô Thu chia sẻ niềm trăn trở của mình và các đồng nghiệp.
Cô Trà Thị Thu cho hay, đưa được các em đến trường đã khó, cho các em có tinh thần ham học lại càng khó hơn. Theo quy định, mỗi tháng một học sinh ở lại bán trú được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa 300.000 đồng và 150.000 đồng chi phí học tập. Nhưng chỉ với sự ưu đãi, tạo điều kiện về chính sách đó thì chưa đủ hấp dẫn. Khi trẻ đến trường, các em phải được khích lệ, tạo động lực thì mới có tinh thần ham học. Do đó, các cô giáo phải “tung chiêu” vừa khích lệ kéo trò đến trường, vừa giữ trò gắn bó với ngôi trường và chăm chỉ học tập bằng nhiều cách.
Chẳng hạn, vài ngày trong tuần, cô Thu sẽ nấu những món ăn ngon chiêu đãi các em, hay đơn giản hơn là tặng đồ chơi, quần áo ấm, bánh kẹo… để trẻ vui, có hứng thú, phấn chấn vượt khó.
“Thời gian qua, nhờ sự quan tâm và hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm, học sinh tại điểm trường Lâng Lương có được những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng hơn. Sự đồng hành, ủng hộ này đã hỗ trợ nhà trường tổ chức được những hoạt động thiết thực và ý nghĩa cho học sinh. Khi thấy con em mình được tạo điều kiện học hành tiến bộ, được quan tâm chăm sóc về mọi mặt, các phụ huynh ở nhà cũng phấn khởi, yên tâm lao động, sản xuất”, cô Thu chia sẻ.
Cô giáo Trà Thị Thu sinh năm 1994, quê huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiểu học tại Trường Đại học Quảng Nam, cô xin lên giảng dạy tại điểm trường Tắk Pổ (xã Trà Tập, Nam Trà My), sau đó được phân công sang dạy lớp 1, 2 điểm trường Lâng Lương.
Dù điều kiện sinh hoạt và giảng dạy tại đây vô cùng khó khăn, nhưng vì yêu thương học trò vùng cao, cô giáo Thu đã cố gắng vượt qua, quyết tâm cắm bản, ngày đêm gieo trồng những hạt giống tri thức cho học trò vùng khó.
Ngoài công tác chuyên môn, giảng dạy, thông qua mạng xã hội, cô Thu tích cực kết nối, kêu gọi sự đóng góp của nhà hảo tâm nhằm hỗ trợ vật chất giúp đỡ học sinh vùng cao. Năm 2023, cô giáo Trà Thị Thu vinh dự là 1 trong 10 cá nhân được trao giải thưởng Tình nguyện quốc gia.
Giải thưởng đã ghi nhận cống hiến của một người thầy và thành tích xuất sắc trong công tác tình nguyện vì cộng đồng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cô giáo trẻ 9X này.