Buổi lễ tổng kết này dần phổ biến tại nhiều trường học ở TPHCM cho thấy sự đổi mới của nhà trường, đem lại cho học sinh một năm học trọn vẹn niềm vui, đong đầy cảm xúc.
"Món quà" từ phụ huynh
Mới đây, học sinh lớp 10A9 Trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1, TPHCM có buổi lễ tổng kết năm học đặc biệt, đầy cảm xúc với "món quà" ý nghĩa từ phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm. Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên chủ nhiệm của lớp chia sẻ: Trường đang sửa chữa nên việc tổng kết năm học, trao phần thưởng cho học sinh diễn ra tại lớp học. Chính vì vậy, làm sao để các em có buổi tổng kết ý nghĩa, vui vẻ khép lại một năm học là điều thầy rất trăn trở.
"Trường đang sửa nhưng không có nghĩa lễ tổng kết của các em sẽ sơ sài hay chỉ dừng lại ở phần báo cáo thành tích, trao thưởng… Thầy muốn đây là thời điểm chúng ta chia sẻ với nhau khi nhìn lại 1 năm học đã qua, nói với nhau những điều chưa nói... Thầy chỉ muốn nói với các em, ngày nhận lớp thầy rất vui và hạnh phúc và cho đến bây giờ thầy cũng vậy, xin cảm ơn các em đã là một phần thanh xuân của thầy", thầy Đức Anh mở đầu buổi tổng kết.
Sau phần trao quà, phần thưởng, các em trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau qua trò chơi "Người ấy là ai?". Với sự hỗ trợ của phụ huynh, thầy Đức Anh chuẩn bị những hình ảnh ngộ nghĩnh lúc bé, hay bức ảnh gia đình của học sinh trong lớp và trình chiếu để cả lớp đoán xem đây là bạn nào?
Khi nhân vật chính của những tấm ảnh lộ diện, với giọng đọc trầm ấm trên nền nhạc, thầy giáo thay lời phụ huynh, đọc những bức thư mà họ viết cho các em sau một năm học tập, kèm theo tình cảm, điều muốn nói...
Lắng nghe những lá thư phụ huynh gửi, có học sinh bật khóc, thầy giáo cũng không kiềm chế được cảm xúc để những giọt nước mắt xen lẫn nụ cười hạnh phúc rơi trên gương mặt. Thầy Đức Anh hi vọng, sau lễ tổng kết, các em hãy dành cho ba mẹ những cái ôm thật chặt như để bày tỏ tình cảm, lời cảm ơn... Và trước khi khép lại năm học, học sinh lớp 10A9 tiếp tục nhận được "bài kiểm tra" đặc biệt môn Ngữ văn.
Thầy Đức Anh yêu cầu học sinh của mình điền vào chỗ trống của ba câu hỏi: "Con cảm ơn… Con xin lỗi…. Con ước mong...", và nộp lại cho thầy giáo để gửi tới phụ huynh trong buổi họp phụ huynh cuối năm. "Đây là buổi tổng kết năm học đặc biệt, chúng em rất tò mò, háo hức và khá bất ngờ", một thành viên lớp 10A9 nói.
Những kỷ niệm khó quên
Kết thúc năm học, như thường lệ sau phần lễ, học sinh Trường THPT Marie Curie (Quận 3) có hoạt động ném bột mì, bóng nước. Đây là một hoạt động được học trò khối 12 yêu thích bởi được cùng nhau "khoác" lên mình những màu sắc, nhún nhảy, vui cười và có ngày lễ chia tay tuổi học trò đáng nhớ. Tương tự, tại Trường THCS Minh Đức (Quận 1) khép lại lễ ra trường cho học sinh khối 9 với hoạt động ném bóng nước.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1) thích thú với phần trò chơi "Học trò hiểu giáo viên đến đâu" bằng việc đưa ra những câu nói kinh điển gắn với từng thầy cô trong trường và cho học sinh đoán. Những câu nói như: "Đây là công thức bí truyền của gia đình dòng họ nhà thầy, được lên men ủ rồng suốt nhiều năm tháng trời…; Cái góc vuông quê mùa…; Tôi đã sống qua 2 thế kỷ rồi đấy…" được các em gọi tên giáo viên trong tiếng reo hò. Song song với những trò chơi, lễ tổng kết… là "sân khấu" dành cho học sinh khi các em cùng nhau thể hiện các tiết mục văn nghệ, trò chơi vui nhộn.
Bên cạnh đó, lễ tổng kết năm học còn chứa đựng những thông điệp đầy ý nghĩa của các thầy cô gửi gắm các em. Thầy Phạm Ngọc Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Nhật (quận Gò Vấp) nhắn gửi học trò:
"Hè là cơ hội và là thời điểm vô cùng quan trọng để các em có thể rèn luyện những điều có giá trị thực tiễn trong cuộc đời và tham gia hoạt động theo sở thích. Nhưng tất cả phải giúp các em phát huy trí tuệ, nghị lực và đạo đức.
Thầy mong rằng, các em có thể tìm các lớp học bên ngoài phù hợp với nhu cầu của mình hoặc chí ít cũng chọn học võ, các môn nghệ thuật, chơi thể thao và chọn đọc các sách viết về các vĩ nhân, anh hùng dân tộc, sách phát triển bản thân. Các em có thể tham gia những nhóm làm thiện nguyện tương thích với điều kiện của mình. Các em có thể đi làm thêm để trải nghiệm thực tiễn giá trị của lao động và hiểu sâu sắc về giá trị của đồng tiền. Hãy tạo cơ hội để có những hoạt động chung, chia sẻ công việc với những người thân yêu. Đây là sợi dây kết nối tâm hồn các em với cha mẹ, anh chị em trong nhà…".
Các thầy cô muốn các em khép lại năm học đầy niềm vui, ý nghĩa, đáng nhớ nên luôn chuẩn bị kịch bản phù hợp, tránh lặp đi lặp lại một mô tuýp… Ví dụ như năm ngoái thầy trò cùng nhảy, hát… năm nay lồng ghép thêm trò chơi. Năm ngoái tặng các em món quà này, năm sau sẽ có những món quà khác… - Thầy Võ Kim Bảo, Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1, TPHCM)