Lễ Tế Giao là lễ tế trời, đất, núi, sông, tổ tiên để cầu mong quốc thái dân an, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Do những ý nghĩa lịch sử văn hóa quan trọng cùng các giá trị nhân văn độc đáo của lễ Tế Nam Giao mà lễ hội cung đình này đã được nghiên cứu và phục dựng thành công trong 7 kỳ Festival, mang đậm nét nhân văn độc đáo của vùng đất cố đô và được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Trong dịp Festival 2014, lễ Tế Giao sẽ được tổ chức trong khuôn khổ, thực sự thuần túy tâm linh theo đúng các nghi thức truyền thống, không mang những yếu tố sân khấu như những lễ hội cung đình trước đây.
Lễ Tế Giao gồm 2 phần: lễ rước bài vị từ Trai cung sang đàn tế và lễ tế tại Đàn Nam Giao. Ở lần tế lễ này, những trình thức có tính điển chế đã được phục dựng bài bản và giản đơn hơn. Lễ tế tại đàn gồm 3 nghi thức: Nghênh thần tại Phương đàn; Tế tại Viên đàn và Tống thần tại Phương đàn.
Đàn Nam Giao được nhà Nguyễn khởi công xây dựng vào năm 1806, thuộc địa phận phường Trường An (TP Huế). Đây là đàn Nam giao duy nhất còn hiện hữu ở Việt Nam.
Năm 1807 sau khi hoàn thành, Vua Gia Long lần đầu tiên tổ chức lễ tế Giao.
Năm 2004,Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã phục dựng lại lễ tế Nam Giao ở đàn Nam Giao triều Nguyễn và được tiếp tục tại các kỳ Festival sau này.
Lễ tế Giao là lễ tế trời, đất và các vị thần linh được chế độ quân chủ phong kiến xem là quan trọng nhất nên luôn được tiến hành một cách trang trọng, uy linh.