(GD&TĐ) - Lễ Óc Om Bok là lễ hội truyền thống của dân tộc Khmer, thường diễn ra vào rằm tháng mười âm lịch. Đặc biệt lễ hội năm nay kết hợp với festival Lúa Gạo lần II, tại Sóc Trăng nên thực sự là ngày hội lớn của đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như nhân dân Sóc Trăng.
Theo phong tục cổ truyền, cứ vào ngày Rằm tháng 10 Âm lịch hàng năm, đồng bào Khmer Nam Bộ lại tổ chức lễ cúng Rằm, mà trong dân gian thường gọi là lễ Óc Om Bóc để tưởng nhớ đến công ơn của mặt Trăng - Vị thần điều tiết mùa màng, giúp vụ mùa bội thu. Lễ vật chính là lúa nếp được quết thành cốm dẹp, trộn với dừa và các loại bánh trái cây khác
Từ mấy ngày trước đó, nhiều nhà chọn nếp tốt, ngon giã thành cốm dẹp, để đến đêm rằm mang cốm dẹp, hoa quả đến chùa, vừa cúng Phật, vừa chung vui thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Năm nay, bà con được mùa bội thu từ hạt lúa, củ khoai cho đến cây mía đều được mùa, được giá. Điều đặc biệt festival lúa gạo diễn ra tại Sóc Trăng đúng vào lễ Óoc Om Bóc. Chính vì vậy mà không khí đón Lễ hội Óc Om Bóc ở Sóc Trăng thành lễ hội lớn của đồng bào Khmer khu vực ĐBSCL càng rộn ràng. Các trò chơi dân gian đã góp phần làm cho lễ hội mang đậm đà bản sắc dân tộc: múa Lâm Thol, Rô băm, hát Dù kê, thi đấu cờ ốc, thả đèn nước, đèn gió, đặc biệt là đua ghe Ngo- một hoạt động văn hóa rất đặc sắc của miền sông nước.
Đua ghe Ngo |
Trước đó hai ngày festival lúa gạo Việt Nam đã long trọng tổ chức gồm 7 tổng lãnh sự quán, 3 thành phố, 16 tỉnh và 235 doanh nghiệp, 196 gian hàng của 87 doanh nghiệp được tổ chức …
Giải đua ghe Ngo truyền thống năm nay là một trong những hoạt động của lễ hội festival lúa gạo Việt Nam lần II tại Sóc Trăng và số lượng ghe Ngo và tỉnh tham gia nhiều hơn các năm trước: 50 chiếc ghe Ngo ở các chùa và 7 tỉnh trong khu vực tụ hội về đây đau tài.
ĐBSCL hiện có hơn 1,3 triệu đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm 8% dân số trong vùng. Niềm vui của bà con trong Lễ hội Óc Om Bóc năm nay là đời sống vật chất, tinh thần ngày càng phát triển nhờ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc. Hiện đồng bào Khmer không còn hộ đói. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 40% từ năm 2006 xuống còn hơn 28%. Hơn 80% hộ có phương tiện nghe, nhìn và phần lớn có xe máy. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú phủ kín ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, hàng năm thu hút hơn 6.400 học sinh Khmer theo học. Lễ hội của bà con Khmer ĐBSCL năm nay là không còn tổ chức với nghi thức, rườm rà, tốn kém như xưa mà đa phần các lễ hội diễn ra vui tươi, lành mạnh, đoàn kết và tiết kiệm.
Theo ông Trịnh Công Lý GĐ sở văn hóa TD&TT cho biết: lễ Óoc Om Bok là lễ hội mang truyền thống đậm nét văn hóa của người dân tộc Khmer để ăn mừng một vụ mùa bội thu, cầu cho mưa thuận gió hòa, tri ân các anh hùng liệt sĩ... Óoc Om Bok năm nay chính là phần hội của fetival lúa gạo Việt Nam, cũng là dịp gặp gỡ trao đổi giao lưu kinh tế, xã hội đồng bằng sông Cửu Long với cả nước và quốc tế, góp phần vinh danh hạt gạo Việt Nam.
Nguyễn Thị Hồng Đang