Khi những bông lúa “nhuộm” vàng các cánh đồng ở thôn Hào Phú, xã Đăk Kan (Ngọc Hồi, Kon Tum), người Mường nơi đây lại quây quần bên nhau ăn cơm mới. Họ tâm sự về những vui, buồn trong suốt một năm đã qua và cầu mong vụ mùa mới mưa thuận, gió hòa.
Ngày hội của làng
Những ngày cuối năm, khi lúa đã chín vàng trên khắp các cánh đồng cũng là lúc người dân Hào Phú tất bật chuẩn bị cho Lễ hội “Mừng cơm mới”. Đây được xem là một trong những lễ hội lớn nhất của người Mường, đồng thời được xem là nghi lễ nông nghiệp truyền thống, hàm chứa những giá trị độc đáo về tín ngưỡng tâm linh và là nét văn hóa đặc sắc được người dân lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Nghệ nhân Đinh Văn Thiệu (thôn Hào Phú) cho hay, nhiều năm về trước ông cùng hàng chục hộ dân Hòa Bình vào Kon Tum lập nghiệp và sinh sống. Ở vùng đất mới, tất bật với cuộc sống mưu sinh nên nhiều phong tục, tập quán dần bị mai một.
Ông Thiệu kể rằng, từ xa xưa cha ông người Mường đã tổ chức Lễ “Mừng cơm mới”. Hàng năm cứ đúng ngày 15/11 Âm lịch, người Mường lại xúng xính váy áo tham gia lễ hội. Nhiều ngày trước buổi lễ, dân làng cùng nhau ra đình làng, nhà ông lang (địa chủ) dọn dẹp vệ sinh để chuẩn bị cho ngày hội.
Những người đàn ông khéo tay được phân công đi chặt tre để làm kiệu khiêng ông lang và bà lang rồi dựng cây nêu để ném còn hoặc làm xích đu. Phụ nữ thì đi chợ mua thức ăn chuẩn bị nấu nướng phục vụ lễ hội.
Khi lúa nếp chín được khoảng 50% người dân sẽ chọn những bông trĩu hạt, ngon nhất mang về luộc chín, rang, sấy, giã và ngâm trong nước ấm cùng lá gừng tạo thành cốm dẻo. Những người khỏe khoắn, khéo léo sẽ được chọn để giã gạo mới.
Trong lễ hội, người dân sẽ cùng nhau thực hiện tục đâm ống, chạm ống hay tuổng ống để gọi mùa màng. Họ tin rằng tiếng ống càng vang, rộn ràng thì năm đó mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và mọi điều may mắn sẽ đến với dân làng, giúp cho nhà cửa sung túc, bình an.
Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, bà lang và ông lang sẽ được 4 thanh niên trai tráng khiêng ra đình làng bằng kiệu, đi cạnh bên có thêm 2 người hầu. Phía sau là 12 người đánh chiêng, Sắc Bùa (xách cồng) đi quanh sân đình.
Ở sân đình, ông cai hầu (cai quản người hầu) sẽ đưa lúa vào để 6 người phụ nữ giã cho tróc vỏ rồi sàng, sẩy lấy những hạt gạo đẹp, ngon nhất đặt vào mâm cúng.
Phía trong, mâm cúng gồm trâu hoặc lợn, gà, cơm, rượu… được thầy mo bày biện sẵn. Khi những hạt gạo ngon nhất được dâng lên, thầy mo cảm tạ thần linh đã phù hộ cho dân làng có một mùa vụ no ấm và mong muốn năm sau mưa thuận, gió hòa để cây cối tốt tươi…
Ở ngoài sân, ngay từ sáng sớm, những em bé với áo quần sặc sỡ đã tụm 5 tụm 3 chơi các trò chơi dân gian. Nào là xích đu, ném còn, nhảy sạp… tiếng cười đùa rộn rã vang vọng cả sân làng làm cho không khí ngày hội thêm vui tươi, hứng khởi.
Ở đầu làng, trai thanh nữ tú cũng í ới gọi nhau đi chơi hội, thỉnh thoảng một vài thiếu nữ lại thèn thẹn quay đi che mặt cười khúc khích vì những lời trêu đùa của chúng bạn.
Lễ cúng hoàn thành, thầy mo sẽ mang thịt vai lợn - bộ phận ngon nhất của vật cúng kèm gà, cơm mới… về nhà. Lúc này, ông lang và bà lang được đưa vào trong dùng cơm, sau đó cả làng sẽ cùng nhau “Mừng cơm mới”.
Bởi người dân quan niệm, ông lang cai quản cả làng phải ăn cơm mới trước, sau đó bà con tổ chức gặt lúa và ăn sau nếu không sẽ bị trời phạt làm mất mùa. Kết thúc lễ, bà con sẽ ăn, uống rượu ghè và hát, múa bên tiếng cồng chiêng.
“Không gây ồn ào và để mọi người nghỉ ngơi, chuẩn bị cho ngày làm việc mới dân làng chỉ được vui chơi đến 9 giờ tối. Nếu quá thời gian sẽ bị ông lang phạt vạ, quở trách trước dân làng”, ông Thiệu nói.
Người Mường tái hiện lại Lễ 'Mừng cơm mới' trong Ngày hội đại đoàn kết dân tộc. |
Thầy mo thực hiện nghi lễ cúng để cảm tạ trời đất, cầu cho dân làng có một vụ mùa bội thu. |
Mong muốn gìn giữ văn hóa truyền thống
Nghệ nhân Đinh Văn Thiệu chia sẻ, xưa kia là thế, nhưng sau nhiều năm sống ở mảnh đất mới, Lễ “Mừng cơm mới” cũng được tổ chức đơn giản, tiết kiệm hơn theo từng gia đình.
Những năm này, ở thôn Hào Phú khi lúa đã chín vàng gia chủ chọn ngày tốt ra thăm ruộng và ngắt bảy hoặc chín bông nếp cái đẹp tết lại thành một bó nhỏ đem về treo ở đầu cột cái trong nhà, cạnh bàn thờ tổ tiên. Sau nghi lễ này mọi người trong nhà mới được ra đồng gặt lúa.
Khi lúa đã được thu hoạch, người dân sẽ làm mâm cúng. Những người phụ nữ Mường sẽ mặc trang phục truyền thống để giã gạo. Hòa chung không khí phấn khởi đó, một số người phụ nữ khác sẽ trình diễn bài chiêng Sắc Bùa.
Âm vang cồng chiêng không chỉ mang đến sự vui tươi, phấn khởi, mà theo quan niệm của bà con còn giúp xua đuổi ma quỷ và những điều không may.
Theo quan niệm từ xa xưa, khi lúa chín đỏ đuôi sẽ được đem phơi cả bông cho giòn và đưa vào đuống giã ra hạt lúa, gạo. Những hạt gạo mới này sẽ được nấu thành cơm để cúng ông bà, tổ tiên trước rồi gia đình mới được ăn nếu không vụ mùa sau sẽ mất trắng.
Ngoài những hạt gạo mới và ngon nhất, tùy vào điều kiện của gia đình có thể chuẩn bị thêm các lễ vật, như rau rừng, cá suối, thịt gà… Cá phải chọn con tươi, ngon nhất nướng trên than hồng. Một điều không thể thiếu trong Lễ “Mừng cơm mới” đó là rượu ghè được nấu với men lá tạo nên hương vị đặc trưng của người Mường.
Sau khi gia chủ chuẩn bị xong đồ lễ sẽ là công việc của thầy mo. Người Mường rất coi trọng nghi lễ này, thế nên việc xem ngày và cúng thường phải nhờ đến các bậc cao niên, người có uy tín, am hiểu tục lệ.
Thầy mo là người đại diện cho chủ nhà nên ăn mặc chỉnh tề và tiến hành làm lễ để cúng trời đất, tổ tiên và cảm ơn các vị thần đã giúp cho gia đình, dân làng có mùa vụ no ấm.
“Lễ ‘Mừng cơm mới’ được tổ chức để cảm tạ đất trời, con cháu tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên cội nguồn. Đây cũng là dịp để bà con tụ họp ăn mừng thành quả sau một vụ mùa vất vả mệt nhọc. Mọi người sẽ cùng nhau múa xòe theo nhịp trống chiêng thể hiện sự vui vẻ, hân hoan mong chờ một mùa bội thu sắp tới và đất trời thuận hòa, cây cối tốt tươi.
Xưa kia, khi còn ông lang và bà lang thì người Mường tổ chức những nghi lễ cúng và vui chơi. Giờ đây, nhiều phong tục, tập quán… dần bị mai một nên hàng năm dân làng vẫn tái hiện lại để lớp trẻ biết và gìn giữ văn hóa truyến thống dân tộc”, nghệ nhân Thiệu tâm sự.
Trong bộ trang phục truyền thống, bà Quách Thị Hoàn (65 tuổi) chuẩn bị thể hiện tiết mục đánh cồng chiêng, giã gạo và múa xòe, nhảy sạp cho Lễ “Mừng cơm mới”. Bà Hoàn cho hay, trước ở quê Hòa Bình dân làng thường xuyên tổ chức các lễ hội.
Người dân cùng nhau thực hiện tục đâm ống hay tuổng ống để gọi mùa màng. |
Những bông lúa chín vàng, nặng trĩu hạt được đưa đi giã. |
Dù vào vùng đất mới, bà con vẫn tổ chức nhưng quy mô nhỏ hơn, chủ yếu theo gia đình. Với người Mường, Lễ “Mừng cơm mới” có ý nghĩa thông báo đến tổ tiên rằng năm nay gia đình có một mùa vụ bội thu.
Mâm cơm cúng đủ đầy được dâng lên với mong muốn ông, bà và tổ tiên phù hộ cho năm sau vụ mùa bội thu hơn, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Lễ cúng hoàn tất cả làng sẽ cầm tay nhau vui trong điệu múa xòe, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó và giúp nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
“Thời nay chỉ còn những người lớn tuổi trong làng mới biết rõ và có thể tái hiện lại nét đẹp văn hóa ‘Mừng cơm mới’ của người Mường. Giới trẻ cũng chẳng mấy mặn mà với những lễ hội từ xa xưa.
May mắn, 5 người con, 10 người cháu của tôi đều biết đến văn hóa truyền thống này của dân tộc. Mình hy vọng lớp trẻ sẽ yêu thích, gìn giữ nét đẹp truyền thống để nhớ về nguồn cội của người Mường”, bà Hoàn tâm sự.
Ông Bùi Quang Triệu, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Kan cho biết, sau một năm tất bật với công việc đồng áng, vào dịp cuối năm, khi lúa đã chín vàng bà con lại quây quần bên nhau để tổng kết về những thành quả đã đạt được.
Bên cạnh đó, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt với hy vọng mùa vụ năm sau tốt tươi, bội thu hơn. Cùng đó, các hộ dân sẽ giao lưu ẩm thực, múa xòe, nhảy sạp… để ôn lại truyền thống văn hóa đã có từ xa xưa.
“Sau nhiều năm người Mường xa quê đã có nhiều phong tục, tập quán dần bị mai một. Do đó, đây là dịp để mọi người tụ họp, tái hiện lại nhiều lễ hội văn hóa truyền thống. Qua đó, giáo dục con cháu biết và gìn giữ nét đẹp từ xa xưa của dân tộc mình”, ông Triệu nói.
Em Nguyễn Anh Tường, lớp 7C2 - Trường Tiểu học và THCS Lý Tự Trọng (huyện Ngọc Hồi) lần đầu tiên được tham gia Lễ “Mừng cơm mới” của người Mường. Em Tường chăm chú theo dõi lễ tái hiện và vui mừng khi được tham gia nhảy sạp, múa xòe cùng mọi người.
“Em rất vui và hạnh phúc khi vẫn được tham gia lễ hội lớn của người Mường ngay trên mảnh đất Kon Tum. Hy vọng khi lớn lên em có thể thay ông bà, cha mẹ tái hiện và gìn giữ thêm những nét văn hóa truyền thống đến nhiều đời sau”, em Tường nói.