Người người xúng xính trong trang phục truyền thống tìm về nhà rông ôn lại những kỉ niệm giữa thời bình.
Ngày hội lớn
2/9 đang đến gần, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên khắp nẻo đường ở xã biên giới Sa Loong (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Mấy ngày qua dân làng tập trung đông đủ, tất bật dọn dẹp nhà rông, đường làng. Mỗi gia đình cũng tự ý thức dọn dẹp cổng ngõ, nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng và chỉnh trang lại bàn thờ, ảnh Bác chào mừng Ngày Quốc khánh.
Ông Bùi Thanh Xuân (75 tuổi, thôn Hào Lý, xã Sa Loong) bảo rằng, Quốc khánh là ngày hội lớn của người Mường nơi đây. Vào ngày này, nhà nhà sẽ làm mâm cúng đủ đầy tưởng nhớ cha ông. Khi nhà cửa đã tươm tất, cả làng quây quần bên nhau dưới mái nhà rông ôn lại truyền thống Ngày Quốc khánh 2/9. Là ngày hội ngộ nên con cháu đi học hay làm ăn xa ở khắp nơi cũng tụ họp về chia sẻ những vui, buồn trong cuộc sống.
“Từ người già đến trẻ nhỏ ai nấy đều phấn khởi, vui mừng đón chào ngày Tết Độc lập. Thời khắc quây quần bên nhau mọi người sẽ ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc. Dân làng cùng nhau tâm sự, sẻ chia sau một năm tất bật với nương rẫy và cùng tham gia các trò chơi dân gian. Không chỉ nâng cao đời sống tinh thần cho bà con, đây cũng là dịp để tình đoàn kết giữa các dân tộc keo sơn hơn”, ông Thanh Xuân tâm sự.
Bà Đinh Thị Hồng (59 tuổi) theo gia đình vào mảnh đất Kon Tum sinh sống từ năm 1990. Kể từ đó đến nay, năm nào gia đình bà cũng quây quần với dân làng vui ngày hội văn hóa Mường và đón Tết Độc lập.
Những đứa trẻ huyện biên giới phấn khởi vui Tết Độc lập. |
Sống trong gia đình có truyền thống cách mạng nên bà Hồng hiểu rõ những khó khăn, khổ cực của những ngày kháng chiến. Ngày nay, được sống trong hòa bình bà Hồng và gia đình càng trân quý giá trị của độc lập.
Mỗi năm cứ đến Tết Độc lập, gia đình bà Hồng lại quây quần bên nhau vui như ngày hội. Trong bữa cơm sum họp, những người già trong gia đình kể cho con cháu nghe về những ngày chiến đấu gian khổ và ý chí kiên cường, bất khuất của anh hùng dân tộc. Cũng từ những hy sinh ấy, bà Hồng căn dặn con cháu phải sống đúng và cố gắng, nỗ lực hơn nữa để phát triển quê hương đất nước. Từ đó mới không phụ lòng những anh hùng đã hy sinh để thế hệ sau này được sống trong hòa bình, ấm no.
Với gia đình bà Hồng cũng như người dân thôn Hào Lý, Tết Độc lập là dịp lễ quan trọng thứ 2 sau Tết Nguyên đán. Dù thế, vào Tết Độc lập người dân lại tổ chức ngày hội văn hóa, ẩm thực lớn nhất trong năm. Khoảng 3 - 4 ngày trước hôm diễn ra lễ hội, đàn ông phụ trách chặt cây, dựng rạp còn phụ nữ quét dọn nhà rông, đường làng và lên thực đơn các món ăn truyền thống. Những phụ nữ Mường cũng không quên may cho mình bộ trang phục truyền thống để mặc mừng Tết Độc lập.
“Quốc khánh 2/9 không chỉ là ngày hội, mà đây còn là dịp để dân làng chúng tôi tỏ lòng biết ơn Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại độc lập, tự do cho cả dân tộc. Giờ đây, với sự quan tâm và những chính sách hỗ trợ đời sống của bà con, đặc biệt là người Mường bước sang một trang mới, tươi đẹp hơn”, bà Hồng bộc bạch.
Người Mường xúng xính trong bộ trang phục truyền thống vui múa sạp. |
Hân hoan đón Tết Độc lập
Dưới mái nhà rông ở thôn Hào Lý là những gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản vật dân tộc. Cùng với đó là các món ăn đặc trưng như thịt gà nấu măng chua, cá nấu lá ráy, bánh chưng… Hòa chung không khí tươi vui, rộn ràng là những hoạt động biểu diễn dân ca dân vũ mừng đất nước, ca ngợi quê hương, lan tỏa bản sắc dân tộc. Cạnh đó các trò chơi dân gian ném còn, đu quay… được tái hiện lại tạo một không khí phấn khởi, đầm ấm, mang đậm nét truyền thống của các dân tộc.
Rạng rỡ trong bộ trang phục truyền thống, em Bùi Thị Kiều Loan (học sinh lớp 12A6, Trường THPT Nguyễn Trãi, huyện Ngọc Hồi) theo cha mẹ đến ngày hội Mường. Kiều Loan và các bạn thưởng thức ẩm thực truyền thống, vui đu quay, ném còn chuẩn bị tâm lý thoải mái bước vào năm học mới.
“Cha ông xưa kia đã hy sinh để đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc. Có được ngày hôm nay, ông bà cùng cha mẹ luôn dạy em phải biết ơn và mãi ghi nhớ công lao của những anh hùng dân tộc. Em sẽ cố gắng học thật giỏi, ngoan ngoãn và nghe lời ông bà, cha mẹ, thầy cô. Em sẽ nỗ lực hơn nữa để sau này lớn lên có thể góp chút sức mình xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp”, em Kiều Loan chia sẻ.
Đường làng, ngõ xóm thôn Hào Lý rực rỡ cờ đỏ sao vàng, chào mừng Ngày Quốc khánh 2/9. |
Thôn Hào Lý (xã Sa Loong) có 143 hộ/576 khẩu đa số là người Mường sinh sống. Ông Bùi Văn Hiến - Trưởng thôn Hào Lý - cho hay, người Mường ở thôn vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc như: Văn hóa cồng chiêng, hát ru, hát đối, hát pọ mạng... Đây là tài sản văn hóa đặc biệt quý giá, góp phần quan trọng trong nền văn hóa đa sắc tộc vùng Tây Nguyên.
Ông Hiến bảo rằng, trong không khí cả nước chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9 các dân tộc nói chung và người Mường nói riêng đón Tết Độc lập của dân tộc hay còn gọi là ăn 2/9 của người Mường. Qua đó, bà con nhìn lại quá trình phát triển đi lên của cán bộ, nhân dân mà không quên công ơn những lớp người anh dũng chiến đấu và bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Ông Nguyễn Chí Tường - Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi - cho hay, nhân ngày Tết Độc lập, cấp ủy chính quyền huyện đã hỗ trợ 20 triệu đồng và tạo điều kiện cho bà con tổ chức “Ngày hội làng Mường”. Ngày hội trở thành hoạt động có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc, là nơi để người Mường và các dân tộc trên địa bàn gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thời gian tới huyện Ngọc Hồi có phương án phát triển thôn Hào Lý thành làng du lịch cộng đồng nhằm đưa văn hóa truyền thống, điểm đến của địa phương đến gần hơn với du khách gần xa.