Lễ hội Xuân làng Ngãi Cầu gắn kết những người con xa quê

GD&TĐ - Tiếng trống hội bên sân đình như thúc giục những người con xa quê hương trở về với nơi chôn rau cắt rốn để tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết.

Hội làng Ngãi Cầu không thể thiếu bộ môn Vật dân tộc, trong đó có nghi thức Vật thờ trước cửa Đình.
Hội làng Ngãi Cầu không thể thiếu bộ môn Vật dân tộc, trong đó có nghi thức Vật thờ trước cửa Đình.

Đã thành thông lệ, vào các ngày 8, 9, 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, người dân thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) lại tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng nhớ công ơn đánh giặc giữ nước của các bậc thánh nhân xưa. Đình làng là nơi diễn ra các hoạt động tế lễ, khai hội thu hút rất đông người dân và khách thập phương tới tham dự.

Đúng 0h ngày mùng 8 tháng Giêng, tại Đình làng sẽ diễn ra nghi thức đánh trống khai xuân, khai hội. Người được giao nhiệm vụ này phải là một cụ ông khỏe mạnh, gia đình gia giáo, không vướng bụi và là người dân gốc của làng.

Khi từng tiếng trống khỏe khoắn được cất lên, tất cả cùng dõi theo để lắng nghe và cầu mong một năm mới bình an cho muôn nhà.

Tiếng trống khai hội được cất lên như thúc giục những người con xa quê trở về bản quán để vui xuân cùng nhân dân.
Tiếng trống khai hội được cất lên như thúc giục những người con xa quê trở về bản quán để vui xuân cùng nhân dân.

Năm 2024, dân làng không tổ chức rước kiệu, thay vào đó là nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao để mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn trong không khí phấn khởi khi quê hương ngày càng đổi mới. Trong đó có bộ môn Vật dân tộc, Kéo co, Cờ tướng, Hát Ca trù, Tổ tôm, Bóng đá nam, văn nghệ quần chúng, Dưỡng sinh cùng trò chơi dân gian như đập niêu, bịt mắt bắt vịt...

Trong suốt 3 ngày tổ chức lễ hội, Đình làng là nơi tổ chức các hoạt động tế lễ theo phong tục truyền thống để tưởng nhớ công đức của các bậc thánh nhân xưa.

Trong suốt 3 ngày tổ chức lễ hội, Đình làng là nơi tổ chức các hoạt động tế lễ theo phong tục truyền thống để tưởng nhớ công đức của các bậc thánh nhân xưa.

Theo ngọc phả của Đình làng do Viện Hàn Lâm Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn từ thời Lê Thánh Tông, Đình Ngãi Cầu được xây dựng vào những năm 1460 – 1497 với quy mô nhỏ, sau đó được tôn tạo to đẹp hơn vào năm 1670, thời vua Lê Huyền Tông, niên hiệu Cảnh Trị. Đình hiện còn lưu giữ được 14 đạo sắc phong của các đời Vua từ thời Lê đến thời Nguyễn.

Hội Vật truyền thống làng Ngãi Cầu thu hút đông đảo người dân, khách thập phương tới theo dõi.

Hội Vật truyền thống làng Ngãi Cầu thu hút đông đảo người dân, khách thập phương tới theo dõi.

Đình Ngãi Cầu hiện thờ 5 vị Thần hoàng làng gồm: Nữ thần Đức Bản Thổ - vị nữ thần tối cổ của chế độ mẫu hệ trong xã hội nguyên thủy có từ khi thành lập làng; 4 vị Tả Tướng quân và Hữu Tướng quân của Thánh Tản Viên Sơn đã có công giúp Vua Hùng Duệ Vương (tức Vua Hùng thứ 18) đánh tan giặc Thục, bảo vệ và gìn giữ nước Văn Lang trong buổi đầu dựng nước.

Cứ 5 năm một lần, dân làng sẽ tổ chức lễ rước kiệu ngũ vị thần hoàng từ Đình lên Quán. Ảnh chụp năm 2020.

Cứ 5 năm một lần, dân làng sẽ tổ chức lễ rước kiệu ngũ vị thần hoàng từ Đình lên Quán. Ảnh chụp năm 2020.

Theo sử sách ghi chép lại, 4 vị Thánh sinh ngày 8 tháng 3 năm Giáp Tý (tức năm 298 trước Công nguyên) tại Quán làng Ngãi Cầu. Dân làng đã đùm bọc, nuôi dưỡng bốn Ngài trưởng thành và theo Ngài ra trận chống giặc.

Sau khi dẹp yên giặc, các Ngài trở lại Ngãi Cầu ban yến cho dân làng, mở tiệc khao quân mừng chiến thắng đúng vào ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch.

Cờ tướng là một trong các bộ môn tại lễ hội truyền thống làng Ngãi Cầu.

Cờ tướng là một trong các bộ môn tại lễ hội truyền thống làng Ngãi Cầu.

Vì vậy, để tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ công lao to lớn của Tứ vị Đức Thánh, dân làng Ngãi Cầu đã lấy ngày 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm để mở hội. Cứ 5 năm một lần, địa phương sẽ tổ chức hội rước kiệu ngũ vị thần hoàng từ Đình lên Quán, rồi từ Quán quay trở về Đình.

Những người con của quê hương Ngãi Cầu trên khắp mọi miền của Tổ quốc hay nước ngoài đều trở về với nơi chôn rau cắt rốn để hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ bên cây đa, giếng nước, sân đình. Cầu mong một năm mới với nhiều sức khỏe, tài lộc, bình an cho mọi người, mọi nhà. Tất cả cùng nhau đoàn kết để ra sức thi đua, lao động, sản xuất góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, đổi mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ