Lễ hội nhân dân

GD&TĐ - Tuần lễ du lịch Quảng Ngãi năm 2024 sẽ được bắt đầu vào ngày 22/4 tới.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Trong các hoạt động hưởng ứng sự kiện này có Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra tại đảo Lý Sơn.

Mặc dù, lễ hội này được nâng cấp thành “lễ hội quốc gia”, song cả phần lễ lẫn phần hội đều do người dân Lý Sơn tổ chức, các cơ quan quản lý Nhà nước không can thiệp vào. Các nhà nghiên cứu văn hóa ở Quảng Ngãi gọi đây là “lễ hội nhân dân”, nó khác với “lễ hội Nhà nước”, với trống giong cờ mở rất rầm rộ, sau đó là chìm vào quên lãng, nếu như năm sau thiếu kinh phí để tổ chức lễ.

Kể từ khi trấn nhậm phương Nam, Chúa Nguyễn rồi các vua nhà Nguyễn vẫn coi Hoàng Sa như là vùng phên giậu của đất nước. Trấn giữ vùng “phên giậu” ấy, không một lực lượng nào tốt hơn là những ngư dân vùng biển Quảng Ngãi, đặc biệt là ngư dân đảo Lý Sơn.

Bằng những con thuyền mỏng manh cùng với những cánh buồm khát gió, các ngư phủ của hòn đảo này đã chinh phục quần đảo Hoàng Sa bằng chính sự can trường và lòng dũng cảm của mình trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên ở một vùng đất luôn phải song hành cùng gió mưa, bão tố.

Đội Hùng binh Hoàng Sa ra đời trong bối cảnh đó. Đội quân hùng hậu và thiện nghệ, luôn phải đương đầu với sự khắc nghiệt của biển khơi ấy, suốt 300 năm chinh phục Hoàng Sa, nhiều người trong số họ đã ngã xuống, thân xác của họ đã hòa vào lòng biển của Tổ quốc Việt Nam.

Những chàng Kinh Kha của đảo Lý Sơn một đi không trở lại ấy, luôn được người dân nơi hòn đảo này mãi mãi tri ân bằng một nghi lễ có tên “Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa”.

Hàng trăm năm nay, cứ đến ngày 16 tháng 3 âm lịch - thời điểm mà những binh phu của Lý Sơn tạm biệt người thân để giong buồm trực chỉ Hoàng Sa từ mấy trăm năm trước, 13 tộc họ của đảo lại tổ chức Lễ Khao lề mà không phải đợi sự “chỉ đạo” hoặc nhắc nhở của bất cứ một tổ chức hay cấp chính quyền nào từ thời phong kiến cho đến thời nay.

Lễ Khao lề như là một nhu cầu tự thân của người dân trên đảo. Đúng ngày này, không chỉ hai vạn dân trên đảo mà hàng trăm người con của Lý Sơn đang làm ăn sinh sống từ mọi miền của Tổ quốc cũng trở về đất đảo để tề tựu bên mâm cúng với những món ăn dân dã mà ông bà của họ dùng làm lương thảo trong hành trang của những binh phu đi Hoàng Sa thuở trước.

Trong buổi đoàn viên ấy, các thế hệ con em Lý Sơn lại được nghe cha ông của họ kể về tổ tiên mình đã từng chinh phục Hoàng Sa như thế nào bằng những con thuyền mỏng manh trước gió bão. Có lẽ đó là bài học “trực quan” sinh động nhất và có sức thuyết phục nhất về lòng yêu nước đối với lớp trẻ hôm nay.

Không chỉ nghe cha ông nhắc đến sự can trường của tổ tiên khi chinh phục Hoàng Sa để cắm mốc chủ quyền ngoài ấy, qua những bữa cơm gia đình trong những ngày “khao lề”, lớp trẻ còn được biết vì sao mà cây dâu vẫn tồn tại trên đất đảo dù người dân Lý Sơn không hề biết nuôi tằm dệt vải là gì.

Cây dâu đã song hành cùng người dân của đảo suốt mất trăm năm qua chỉ để trưng dụng vào một việc là dùng thân của nó để làm xương cốt cho những binh phu thuở trước và ngư phủ hôm nay chẳng may bỏ xác ngoài Hoàng Sa trong các ngôi mộ gió.

Lớp trẻ hôm nay trên đất đảo cũng hiểu được vì sao những người mẹ, người bà của họ vẫn còn truyền nghề một loại bánh mang tên “bánh ít gói lá chuối khô” dù bây giờ có hàng trăm loại bánh xếp vào loại “cao lương”. Đó là thứ lương thảo không bị mốc meo trước gió biển, trở thành hành trang không thể thiếu của người lính Hoàng Sa thuở trước…

Lễ hội nhân dân cứ thế mà vĩnh cửu trước thời gian.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.