Lễ hội Minh thề ở Hải Phòng: Bao giờ vượt qua cấp thôn?

GD&TĐ - Chứng kiến hình ảnh các “quan” cắt tiết rượu kê cùng uống tuyên thề "không tham nhũng", nhiều du khách lần đầu đến đây không khỏi hồi hộp. Đã gần 15 năm, kể từ khi “hội thề” được khôi phục, chiếu thề vẫn dừng ở lại cấp thôn. Theo đó, thành phần dự thề cao nhất trong ngày hội này vẫn cứ là trưởng thôn.

Lễ hội Minh thề ở Hải Phòng: Bao giờ vượt qua cấp thôn?
Lễ hội Minh thề ở Hải Phòng: Bao giờ vượt qua cấp thôn? ảnh 1Lễ hội Minh thề ở Hải Phòng: Bao giờ vượt qua cấp thôn? ảnh 2Lễ hội Minh thề ở Hải Phòng: Bao giờ vượt qua cấp thôn? ảnh 3Lễ hội Minh thề ở Hải Phòng: Bao giờ vượt qua cấp thôn? ảnh 4

Hội thề dành cho ai?

Theo sử sách ghi chép lại, hội Minh thề (lời thề của các quan trước người dân) xuất hiện vào giữa thế kỷ thứ XVI. Tương truyền, vào thời điểm đó, vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản đã đến ấp Lan Niểu (thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, Kiến Thụy, Hải Phòng ngày nay) tự bỏ tiền và vận động hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc cả thảy 35 vị góp tiền của để tu tạo lại ngôi chùa cổ Hòa Liễu (tên gọi khác là Thiên Phúc Tự).

Thái hoàng Thái hậu xuất tiền mua 25 mẫu 8 sào 2 thước cúng dâng Tam Bảo. Nhiều người theo gương bà cũng tậu ruộng cúng chùa tăng số diện tích lên đến 47 mẫu 5 sào. Số ruộng này làng gọi là Thánh điền.

Một phần diện tích dành cho nhà chùa cấy, một phần dùng vào việc tuần tiết lễ hội, còn lại để chia cho dân đinh cày cấy hưởng lộc và cho cấy đấu thầu lấy thóc lập quỹ nghĩa thương phòng khi đói khó để cấp đỡ cho người nghèo, cố nhân, quả phụ…

Cũng chính từ đây, Thái hoàng Thái hậu đã cùng với dân làng lập ra một Hịch văn hội Minh thề quy định lấy chí công làm trọng - người nông dân không phân biệt giàu - nghèo đẳng cấp xã hội, với khí phách kẻ sĩ giữ tiết tháo không vì cơ hàn mà xâm phạm của công. Và, lễ hội Minh thề đã ra đời, được nhân dân làng Hoà Liễu gìn giữ trong suốt nhiều thế kỷ qua.

Theo các bậc cao niên trong làng kể lại: Hịch văn hội Minh thề ra đời mang tính giáo dục tư tưởng, nhân cách, lối sống cho mọi người trong xã hội, đặc biệt đối với những người làm quan, có chức sắc.

Trong lời thề đó, Thái hoàng Thái hậu quy định rõ: "Lấy chí công làm trọng. Người nào lấy của công để làm việc công sẽ được chư vị thần linh ủng hộ. Ngược lại, kẻ nào lấy của công mà làm việc tư thì sẽ bị đả tử…”.

Để thực hiện lời thề,chủ lễ và các vị bồi lễ đọc chúc văn lai lịch công đức của Thánh vương. Sau đó làm lễ dâng hương, dâng rượu, dâng nước trong tiếng nhạc bát âm réo rắt.

Tế thần xong các bô lão, quan khách và dân làng, chức dịch, quần áo chỉnh tề tập trung quanh sân miếu theo thứ bậc. Chủ tế dùng động tác “chỉ trời vạch đất” mô phỏng theo phép biến trong Kinh Dịch rồi vẽ một vòng tròn lớn đường kính khoảng 2m ở giữa sân miếu gọi là Đài thề.

Trước Đài thề đặt một bàn thờ hướng về cửa miếu thâm nghiêm. Tiếp đến, ba vị đại diện cho hàng ngũ chức dịch, hội tư văn và bô lão trong làng do ban tổ chức lễ hội thề và hội đồng bô lão tuyển chọn bước lên Đài thề làm lễ thắp hương khấn vái trời đất bách thần. Đại diện tư văn dõng dạc đọc Minh thề có Hịch văn.

Mọi người trong làng từ hương chức đến nhân dân, trên là bô lão, dưới từ 18 tuổi trở lên, ai dùng của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử… làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt.

Sau khi mọi người cùng hô vang câu “y như lời thề” hoặc “y như miệng thề”, vị chủ tế cầm dao bầu cắm mạnh xuống trong vòng tròn Đài thề để biểu thị sự quyết tâm.

Lễ hội mới chỉ ở cấp.... thôn

Cứ đến 14 tháng Giêng hàng năm, Lễ hội Minh thề được tổ chức. Khác với mọi năm, lễ hội Minh thề năm nay dường như vắng bóng du khách thập phương về tham quan.

Phần vì lễ hội diễn ra vào ngày làm việc, ngày học; phần vì người thề vẫn chỉ dừng ở trưởng, phó thôn, bậc cao niên của làng nên những mong mỏi, kỳ vọng cho lễ hội độc đáo này phát triển, nhân rộng càng thêm gian nan.

Có mặt tại hội thề ở đền Hòa Liễu, chứng kiến màn cắm dao nhọn xuống đất, đọc hịch thề và cắt tiết kê hòa rượu uống thề…, nhiều du khách rưng rưng xúc động và cũng có những mong muốn.

Chị Cao Mỹ Uyên (đến từ TP Hồ Chí Minh) cho biết: Tôi biết ở Kiến Thụy có một hội thề dành cho các “quan” nên tò mò lắm. Lời thề của quan sao lại không quan tâm. Nhân chuyến ra thăm họ hàng, tôi đã tới xem. Tuy nhiên, tôi rất ngạc nhiên lễ hội thề chỉ có mỗi trưởng thôn, phó thôn, các bậc cao niên của làng; tịnh không thấy bóng “quan” nào cấp cao hơn... thề.

Bác Vũ Văn Chuyền (55 tuổi, ở Hải Dương) chia sẻ: Tôi thấy lễ hội này rất hay và rất độc đáo. Nếu mở rộng quy mô hội thề lên cấp tỉnh, thành, quốc gia thì đảm bảo lễ hội này sẽ thu hút được hàng vạn lượt khách về đây tham quan. Không chỉ là nơi giáo dục tư tưởng, đạo đức cho những người làm quan, lễ hội này còn giúp giáo dục nhân cách sống cho các thế hệ học sinh. Chỉ tiếc, Lễ hội thề này, đến nay, mới chỉ đến cấp trưởng thôn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ