(GD&T Đ) - Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hoá tâm linh, tín ngưỡng, điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và đi sâu vào tiềm thức mỗi người dân đất Việt khi chúng ta trở về với cội nguồn để tri ân công đức tổ tiên, đồng thời thắp nén tâm nhang tưởng nhớ về tiên tổ, những bậc tiền nhân đã có công khai nền lập quốc.
Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng nhằm tôn vinh các giá trị văn hoá dân tộc, khẳng định vị trí và ý nghĩa to lớn của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày Quốc lễ của dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; giáo dục đạo lý " Uống nước nhớ nguồn", củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc `dân tộc. Thông qua tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng để từng bước hoàn thiện hồ sơ khoa học “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương” đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì trở thành trung tâm văn hoá - lễ hội về với cội nguồn của dân tộc Việt Nam; đồng thời tạo không khí vui tươi, phấn khởi, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia vào các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch, hăng hái thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Đoàn người dự Lễ hội Đền Hùng (ảnh: Internet) |
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm diễn ra vào ngày 10/3 (âm lịch) với qui mô và sắc thái khác nhau. Năm 2011 là năm lẻ, giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng do Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ chủ trì tổ chức và có sự tham gia tổ chức của các tỉnh: Tuyên Quang, Hoà Bình, Nam Định, Quãng Ngãi, Đồng Tháp theo Đề án tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm và đóng góp nguồn lực trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, năm nay, phần lễ được tổ chức 3 ngày 5, 6 và 10 tháng 3 âm lịch, phần hội được tổ chức 5 ngày, từ ngày 8/4 đến 12/4/2011 (tức từ ngày 6-10/3 âm lịch).
Các nghi thức cúng tế và dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng được diễn ra tại đền Quốc Tổ Lạc Long Quân, đền Tổ Mẫu Âu Cơ và đền Thượng giữa các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước, lãnh đạo thành phố Hà Nội và các tỉnh: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hoà Bình, Nam Định, Quãng Ngãi, Đồng Tháp cùng nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ. Phần hội năm nay có nhiều hoạt động đa dạng và đặc sắc. Các hoạt động văn hoá, thể thao được tổ chức với qui mô rộng khắp từ thành phố Việt Trì cho đến Trung tâm Lễ hội Đền Hùng và các vùng phụ cận gắn với chương trình “Du lịch về cội nguồn” 3 tỉnh Phú Thọ- Lào Cai- Yên Bái. Tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng sẽ diễn ra các hoạt động: hội trại văn hoá, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày sản vật và văn hoá ẩm thực của các huyện, thành, thị trong tỉnh; trình diễn diễn xướng văn hoá dân gian các dân tộc tỉnh Phú Thọ; biểu diễn nghệ thuật của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh; đánh trống đồng, múa sư tử, hát Xoan; chiếu phim màn ảnh rộng; hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; lễ hội chè của các doanh nghiệp; triển lãm các hiện vật cung tiến với chủ đề “Tình cảm của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế với Đền Hùng”; lễ nhập linh và trao tặng trống đồng của Hội di sản văn hoá Việt Nam và Ban Quản lý Dự án “Trống đồng – âm vang Đất Tổ” cho khu di tích lịch sử Đền Hùng; lễ phát động “Doanh nhân trồng cây tri ân Quốc Tổ Hùng Vương”; tổ chức các hoạt động thể thao: bóng chuyền nam, cờ tướng, vật dân tộc và bắn nỏ. Tại thành phố Việt Trì: tổ chức Hội thảo Quốc tế “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương” đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; hội thảo khoa học “Lễ hội Tịch điền”; khánh thành miếu Lãi Lèn và liên hoan tiếng hát làng Xoan (lần thứ 2); hội chợ Hùng Vương; giải bơi chải trên Sông Lô; triển lãm, trưng bày hiện vật và triển lãm nghệ thuật thư pháp Việt Nam tại Bảo tàng Hùng Vương; triển lãm sách “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam” tại Thư viện tỉnh; tổ chức giải Bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc – cúp Hùng Vương; giải Quần vợt Hữu nghị Đền Hùng lần thứ IV; đặc biệt vào hồi 21h ngày 11/4/2011 (tức ngày 9/3 âm lịch) tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp.
Để giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng diễn ra trang nghiêm, trọng thể, vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm, UBND tỉnh Phú Thọ đã thành lập bộ phận thường trực gồm đại diện: Khu di tích lịch sử Đền Hùng, sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, UBND thành phố Việt Trì, UBND xã Hy Cương để giải quyết những công việc cụ thể từ khi bắt đầu đến khi kết thúc giỗ Tổ; đồng thời thành lập một số tiểu ban và 2 đoàn kiểm tra liên ngành để giúp ban tổ chức triển khai công tác tổ chức lễ hội và duy trì việc thực hiện nội quy, quy chế lễ hội, đảm bảo an toàn cho du khách khi về dự giỗ Tổ.
Với kinh nghiệm tổ chức giỗ Tổ nhiều năm và sự chuẩn bị chu đáo, chắc chắn giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2011 sẽ được UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức thành kính, trang trọng và hấp dẫn thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế về dự.
Nội dung tổ chức các hoạt phần lễ: Các hoạt động phần lễ do ủy ban nhân dân thành phố Việt Trì và Ban Tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương năm Tân Mão – 2011 thực hiện: A. Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của UBND thành phố Việt Trì. B. Lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân do Ban Tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương năm Tân Mão – 2011 tổ chức: C. Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ do Ban Tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương năm Tân Mão – 2011 tổ chức: - Thành phần đại biểu mời dự Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng: Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Trưởng, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí nguyên Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh nghỉ hưu ở khu vực Việt Trì; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tình; thường trực các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; Thường trực Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành, thị; Đảng uy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các xã, phường: Hy Cương, Chu Hóa, Thanh Đình, Kim Đức, Vân Phú (thành phố Việt Trì); xã Tiên Kiên, thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao), xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh). - Trang phục lễ: mời đại biểu bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Văn hóa cơ sở; các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực UBND tỉnh; thành viên Ban Tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương năm Tân mão – 2011; Chủ tịch UBND các xã vùng ven Khu di tích lịch sử Đền hùng mặc trang phục lễ đã được duyệt. - Nhạc hành lễ và nhạc lễ: sử dụng nhạc lễ, nhạc hành lễ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt (đã sử dụng trong giỗ Tổ Hùng Vương năm 2010). |
Quách Sinh