Lễ hội đầu năm ngọt lịm… đường

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chỉ nửa tháng sau khi thế giới đón mừng năm mới, Ấn Độ tưng bừng tổ chức Lễ hội Sankranti.

Kẹo vừng là món không thể thiếu trong Lễ hội Sankranti, Ấn Độ. Ảnh: Thegoan.net
Kẹo vừng là món không thể thiếu trong Lễ hội Sankranti, Ấn Độ. Ảnh: Thegoan.net

Tại “thủ phủ thứ hai” Maharashtra, phụ nữ nô nức làm halwa dagine - bộ trang sức bằng đường từ vương miện, trâm cài tóc đến nhẫn mũi, khuyên tai, lắc tay, vòng cổ, thắt lưng, lắc chân… Tất nhiên, vì là trang sức, halwa dagine được dùng để trưng diện, chơi Sankranti trước.

Kẹo kiêm… trang sức

Sankranti là lễ hội thu hoạch, xếp theo lịch Hindu và được tổ chức để tạ ơn thần Thái dương Surya. Nó thường rơi vào ngày 14 (năm thường) hoặc 15/1 (năm nhuận) hằng năm, tương ứng với ngày đầu tiên Mặt trời đi qua chòm Makara rashi (sao Ma Kết phiên bản Ấn Độ).

Có thể coi Sankranti như quốc lễ Ấn Độ, vì mỗi năm đều được tổ chức linh đình trên phạm vi cả nước. Mỗi vùng Ấn Độ có truyền thống đón Sankranti riêng, nhưng tựu trung đều là bày biện bàn tiệc đầy màu sắc, mở vũ hội và tiệc tùng.

Trong ngày Sankranti, có một món tuyệt đối không thể thiếu là kẹo vừng (tilgul), làm từ đường thốt nốt (gul) và hạt vừng (til), vo thành viên hình cầu.

Đêm Sankranti, các gia đình Ấn Độ mời khách thưởng thức tilgul với câu cửa miệng: “Tilgul ghya, goad goad bola” (Ăn kẹo vừng, nói chuyện ngọt như đường). Trẻ em được phép chạy chơi khắp nơi, xin kẹo vừng như Halloween ở phương Tây.

Lễ hội Sankranti ở thành phố siêu giàu có Maharashtra đặc biệt tưng bừng, độc đáo và gây ấn tượng bởi truyền thống có một không hai: Halwa dagine - bộ trang sức bằng kẹo vừng.

Đúng như tên gọi, halwa dagine được chế tác bằng kẹo vừng và, tất nhiên, có thể ăn được. Cư dân ở Maharashtra đeo halwa dagine chơi Sankranti với hy vọng, ngày mai luôn ngọt ngào như kẹo vừng.

Vào ngày Sankranti, các cặp vợ chồng mới cưới diện halwa dagine khoe cuộc sống lứa đôi hạnh phúc, hứa hẹn mãi yêu thương nhau như ngày đầu. Trẻ em 1 tuổi đeo halwa dagine cho hay ăn chóng lớn. Phụ nữ mang thai thì đeo halwa dagine để thể hiện niềm vui và sự mong đợi con chào đời…

Chế tác cầu kỳ

Halwa dagine đầy đủ các kiểu trang sức, cho phép người đeo diện từ đầu đến tận chân. Ảnh: Khauwale Patankar, Atlasobscura.com

Halwa dagine đầy đủ các kiểu trang sức, cho phép người đeo diện từ đầu đến tận chân. Ảnh: Khauwale Patankar, Atlasobscura.com

Thời điểm lý tưởng nhất để làm halwa dagine là sáng sớm, khi khí trời vẫn còn se lạnh. Quá trình làm kẹo vừng rất đơn giản, chỉ bao gồm sên đường và đảo với hạt vừng. Tuy nhiên, thời gian chờ thì dài như vô tận.

Để làm hạt cườm kẹo vừng, phụ nữ Maharashtra phải dùng loại chảo đáy cực dày và ngọn lửa cực nhỏ. Họ đổ từng thìa đường đã sao thành mật lên hạt vừng, khuấy mạnh và đều tay cho khỏi dính vào nhau.

Khi mật đường đã quyện với hạt vừng thành viên, họ tắt lửa, chờ nguội rồi lại đổ lớp mật đường mới. Thao tác này lặp đi lặp lại nhiều lần, thường thì phải mất đến 5 ngày mới xong 1 mẻ.

Ngoài hạt vừng, phụ nữ Maharashtra còn dùng các loại hạt lớn hơn, ví dụ như cao lương, bí ngô… để có các hình dạng, kích thước hạt cườm bằng đường như mong muốn.

Xong khâu chuẩn bị hạt cườm đường thì đến khâu kết thành trang sức. Vì hạt cườm đường không có lỗ để xâu dây, phụ nữ Maharashtra phải lấy chỉ buộc quanh từng viên một. Công việc này đòi hỏi cả sự khéo léo lẫn tính kiên nhẫn, phải mất khá nhiều thời gian mới xong một chuỗi.

Halwa dagine nguyên bộ bao gồm từ vương miện, cài tóc đến nhẫn mũi, khuyên tai, lắc tay, vòng cổ, thắt lưng, lắc chân... Bằng tài năng sáng tạo, phụ nữ Maharashtra làm ra các bộ trang sức bằng đường đẹp không thua bất cứ tác phẩm trang sức nào.

Nếu được bảo quản tốt, halwa dagine có thể bền 2, 3 năm. Cư dân ở Maharashtra mới kết hôn thường tặng lại halwa dagine cho các em, làm quà khích lệ sớm thành gia.

Trong trường hợp không có ý định giữ lại halwa dagine hoặc sắp hết hạn sử dụng thì, sau khi hết lễ Sankranti, họ gỡ dây ra và chia nhau ăn vui vẻ.

Truyền thống thú vị

Halwa dagine dạng đính, bán sẵn, rất dễ làm. Ảnh: Atlasobscura.com

Halwa dagine dạng đính, bán sẵn, rất dễ làm. Ảnh: Atlasobscura.com

Theo tài liệu lịch sử, kẹo đường có ở Ấn Độ từ rất sớm. Nhờ sẵn mía, họ biết làm mật và tinh luyện đường vào đầu thế kỷ V. Người Ấn Độ gọi đường tinh luyện là khanda. Thực ra, từ candy (kẹo) trong tiếng Anh bắt nguồn từ chữ gốc Phạn này.

Có điều, halwa dagine bắt đầu khi nào thì không ai biết. Vài nhà sử học Ấn Độ suy đoán, nó được tầng lớp dân nghèo sáng tạo ra để thay thế ngọc trai. “Không có tài liệu nào ghi lại thời điểm bắt đầu của truyền thống làm trang sức bằng đường. Người ở Maharashtra chỉ nhớ đã học theo thế hệ trước, nhiều nhất là từ 2 thế hệ”, Tiến sĩ Mohsina Mukadam (Ấn Độ) cho biết.

Thế kỷ trước, hầu hết các chị em Maharashtra đều háo hức và cặm cụi làm halwa dagine mỗi khi Sankranti sắp tới. Bây giờ, chỉ còn một số ít là vẫn tự tay làm.

Đổi lại, họ có thể mua tại các cửa hàng địa phương hoặc đặt nghệ nhân làm riêng. Sonia Patankar, chủ tiệm bánh ngọt nức tiếng 50 năm kinh doanh trong bang Maharashtra, luôn nhớ thuê làm halwa dagine đúng dịp, bày bán cùng các mặt hàng khác. Một bộ halwa dagine thường có giá từ 2.500 - 3.000 rupee.

Ngoài ra, thị trường Maharashtra còn cung cấp nguyên liệu halwa dagine rời dạng đính cho người tiêu dùng muốn thử làm mà ghét vất vả. Mỗi bộ bao gồm hạt cườm đường, bảng dán (bìa cứng hoặc tấm xốp dẻo) in sẵn thiết kế.

Người mua chỉ việc dán từng hạt cườm đường lên bảng dán như gắn tranh đính đá, chơi hết Sankranti thì cất đi để dành sang năm hoặc gỡ ra ăn.

Theo Atlasobscura

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.