Lễ hội chọi trâu cổ nhất Việt Nam thu hút hàng vạn người xem

GD&TĐ - Hàng vạn người dân, du khách đã đổ về Hội chọi trâu Hải Lựu 2024 xem các 'ông Cầu' nặng cả tấn tranh tài.

Hội chọi trâu Hải Lựu 2024 thu hút hàng vạn du khách đến xem và cổ vũ.
Hội chọi trâu Hải Lựu 2024 thu hút hàng vạn du khách đến xem và cổ vũ.

Sáng 25/2 (tức ngày 16 tháng Giêng), Lễ hội Chọi trâu xã Hải Lựu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) chính thức khai mạc. Đây là một trong những lễ hội cổ xưa nhất Việt Nam.

Lễ hội Chọi trâu xã Hải Lựu năm 2024 được tổ chức chính thức vào ngày 16-17 tháng Giêng, tại sân vận động của xã với 20 ‘ông trâu’ tham gia thi đấu.

Các "ông Cầu" được tuyển chọn kỹ lưỡng, bốc thăm ghép cặp thi đấu theo hình thức loại trực tiếp.

Công tác chuẩn bị cho lễ khai mạc.

Công tác chuẩn bị cho lễ khai mạc.

Năm nay, địa phương tiếp tục thực hiện Đề án đổi mới công tác quản lý và tổ chức Lễ hội Chọi trâu; tổ chức lễ hội phù hợp với nguồn gốc lịch sử, văn hóa truyền thống; tiếp tục giảm số lượng từ 32 xuống còn 20 trâu chọi theo đúng phong tục cũ và không bán vé vào xem.

Sân đấu là một bãi đất trống, xung quanh được rào kín thành vòng tròn lớn. Các mặt bên ngoài sới chọi trâu được lấp khán đài cao cho người dân, du khách tiện theo dõi.

Theo ghi nhận, hội chọi trâu năm nay thu hút hàng vạn người dân trong và ngoài tỉnh đến theo dõi, cổ vũ các ‘ông Cầu’ thi đấu.

Ngoài ra, các đơn vị truyền thông cũng tổ chức phát trực tiếp các trận đấu trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút đông đảo người quan tâm, theo dõi.

Lễ hội Chọi trâu xã Hải Lựu năm 2024 được tổ chức chính thức vào ngày 16-17 tháng Giêng.
Lễ hội Chọi trâu xã Hải Lựu năm 2024 được tổ chức chính thức vào ngày 16-17 tháng Giêng.

Tương truyền, Lễ hội Chọi trâu truyền thống xã Hải Lựu có từ thế kỷ thứ II trước công nguyên, khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt.

Thừa tướng triều đình Nam Việt là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu, huyện Sông Lô để tổ chức đánh giặc.

Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia cho tổ chức chọi trâu động viên quân sĩ và để mua vui cho dân làng.

Trâu sau khi chọi được giết thịt để khao quân, động viên tinh thần quân sĩ và nhân dân hăng hái chống giặc cứu nước.

Khi Lữ Gia mất, ông được dân làng tôn thờ làm Thành hoàng làng và thờ tại đình Bạch Lưu Hạ, trò “Đấu ngưu” được lưu truyền thành hội Chọi trâu để tưởng nhớ ông. Lễ hội Chọi trâu cũng bắt đầu từ đó.

Năm 1947, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ác liệt, khiến lễ hội phải tạm dừng một thời gian.

Ban tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đơn vị có trâu tham gia lễ hội.

Ban tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đơn vị có trâu tham gia lễ hội.

Đến năm 2002, được sự quan tâm của UBND tỉnh, Lễ hội Chọi trâu được khôi phục trở lại. Thời kỳ đầu, lễ hội chỉ được tổ chức vào ngày 17 tháng Giêng âm lịch hằng năm.

Về sau, do số lượng trâu tham gia thi đấu ngày càng nhiều, Ban Tổ chức quyết định tổ chức lễ hội trong 2 ngày (16 - 17 tháng Giêng âm lịch).

Cặp đấu đầu tiên của các ông Cầu năm 2024.

Cặp đấu đầu tiên của các ông Cầu năm 2024.

Lễ hội Chọi trâu xã Hải Lựu thể hiện tinh thần thượng võ, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, phục vụ nhu cầu văn hóa, tâm linh, cầu mong mưa thuận gió hòa, gia đình hạnh phúc của người dân địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.