LĐBĐ châu Âu: “Khai tử” Luật Công bằng tài chính?

GD&TĐ - Số phận của Luật Công bằng tài chính (FFP) đang đứng trước sự tồn vong, bởi người khai sinh ra nó, LĐBĐ châu Âu (UEFA) đang muốn thay đổi để phù hợp với thời thế mới.

Chủ tịch Nasser Al-Khelaifi và hợp đồng bom tấn Messi.
Chủ tịch Nasser Al-Khelaifi và hợp đồng bom tấn Messi.

Đặc biệt, sự thay đổi nhằm khắc phục và hạn chế những hậu quả to lớn từ đại dịch Covid-19.

FFP không phát huy hiệu quả

Dự kiến, trong tháng 9 tới, UEFA sẽ nhóm họp tại Thụy Sỹ. Cuộc họp này sẽ thảo luận về việc làm thế nào để chống lại mối đe dọa của bất kỳ giải đấu ly khai nào như Super League. Nhưng nội dung quan trọng nhất sẽ xoay quanh vấn đề tài chính, và sự thay đổi của FFP nếu những thông tin được đồn đoán gần đây trở thành hiện thực. FFP có thể bị xóa sổ, được thay thế bằng luật giới hạn quỹ lương và “thuế xa xỉ” (luxury tax).

FFP được UEFA đưa ra vào năm 2009 để ngăn các câu lạc bộ chi tiêu vượt quá khả năng của họ và sai lệch thị trường, yêu cầu các đội phải cân bằng giữa lương và phí chuyển nhượng với doanh thu…

Tuy nhiên, FFP không phát huy tác dụng như dự tính của UEFA. Thay vào đó, khoảng cách giữa các đội bóng hùng mạnh và các đội bóng yếu ngày càng xa hơn. PSG và Man City, từng bị tuyên là vi phạm nhưng sau đó đều không bị trừng phạt quá nặng khi thắng kiện thông qua Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS).

Mới đây, vào tháng 5/2021, trong báo cáo thường niên mang tên “Toàn cảnh các câu lạc bộ bóng đá châu Âu”, doanh thu của các CLB hàng đầu châu Âu trong các năm tài chính 2019 - 2020 và 2020 - 2021 sẽ giảm 7,2 tỷ euro, trong khi thiệt hại của các đội bóng thuộc nhóm thấp hơn là 1,5 tỷ euro. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại châu Âu vào đầu năm 2020, báo cáo của UEFA chỉ rõ do ngân sách bị thu hẹp, các hợp đồng chuyển nhượng của các câu lạc bộ châu Âu trong mùa hè năm ngoái đã giảm 39%.

Do nguồn thu giảm, ngay từ mùa giải 2020, UEFA tạm thời phải nới lỏng các quy tắc của FFP, vốn được xây dựng nhằm bảo đảm các CLB không chi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được.

Theo Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin, FFP cần nhiều thay đổi lâu dài hơn để phù hợp với thực tế và bối cảnh hiện nay. Ông cũng nhấn mạnh bền vững tài chính sẽ vẫn là mục tiêu của các CLB và UEFA cùng với các liên đoàn bóng đá thành viên hợp tác chặt chẽ trong việc đưa ra những quy tắc mới cho một tương lai mới tươi sáng.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính của UEFA Andrea Traverso thừa nhận nhiều quy định của FFP không còn phù hợp trong điều kiện các CLB gặp khủng hoảng vì dịch bệnh. Thậm chí, nhiều chuyên gia tài chính của châu Âu thừa nhận khi nào mọi thứ chưa trở lại bình thường, UEFA khó để áp dụng FFP với các CLB bóng đá. Do đó, UEFA sẽ thay đổi các quy định hiện tại của FFP nhằm khuyến khích các ông chủ “bơm” thêm tiền cho các câu lạc bộ.

Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin.

Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin.

Đánh thuế nhà giàu

Dự kiến, các câu lạc bộ thi đấu ở châu Âu sẽ bị giới hạn trong việc chi một tỷ lệ cố định trong doanh thu của họ - có thể là 70% - cho tiền lương. Bất kỳ câu lạc bộ nào vi phạm giới hạn sẽ phải trả một khoản thuế xa xỉ, theo đó số tiền tương đương hoặc nhiều hơn của bất kỳ khoản chi tiêu vượt quá nào sẽ được chuyển thành một khoản tiền để được phân phối lại. Điều này sẽ thay thế về bản chất FFP, trong đó quy định rằng, các câu lạc bộ phải hòa vốn trong khoảng thời gian 3 năm.

Quy định mới được đánh giá sẽ bảo đảm sự công bằng và minh bạch hơn so với hệ thống FFP hiện tại, vốn đã không còn phù hợp. Thậm chí nó đã lỗi thời khi đời sống bóng đá nói riêng đang quay cuồng trong cơn bão đại dịch Covid-19. Các chủ sở hữu giàu có, các đội bóng lắm tiền, nhiều của được phép chi tiêu vượt qua thu nhập của câu lạc bộ, nhưng họ sẽ phải trả thuế xa xỉ, hay có thể gọi là “thuế tiêu thụ đặc biệt”.

UEFA dự kiến ​​sẽ lập luận việc phân phối lại số tiền từ các vụ vi phạm giới hạn lương cho các câu lạc bộ khác cũng sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh. Một ví dụ là đối với mỗi euro mà một câu lạc bộ vượt quá giới hạn tiền lương, thì đội đó sẽ phải trả một euro vào quỹ phân phối cho các đội khác trong giải đấu đó. Nếu giới hạn bị vi phạm vào năm tiếp theo, những người tái phạm sẽ trả 1,5 euro hoặc 2 euro cho mỗi 1 euro mà họ đã vượt quá, tùy thuộc vào quy mô của vi phạm.

Ngoài ra, vượt quá giới hạn lên tới 20% có nghĩa là các câu lạc bộ phải trả số tiền tương đương của khoản chi tiêu quá mức, nhưng đối với bất cứ điều gì trên 20%, nó có thể gấp 1,5 hoặc 2 lần số tiền đó. Những câu lạc bộ tái phạm nghiêm trọng cũng sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt thể thao có thể xảy ra, cho đến hình phạt cuối cùng là truất quyền thi đấu ở châu Âu. UEFA tin rằng vẫn cần phải có một biện pháp răn đe mạnh mẽ để ngăn chặn các câu lạc bộ bội chi.

Tháng 12/2020, PSG ghi nhận khoản lỗ 124,9 triệu euro ở mùa giải 2019 - 2020. Khi mùa giải 2020 - 2021 kết thúc, dự tính PSG có thể lỗ 200 triệu euro. Ngoài ra, với tiền lương 35 triệu euro sau thuế mỗi năm cho Messi, cộng với gần 38 triệu euro để trả lương cho các hợp đồng mới đến là thủ môn Donnarumma, hậu vệ Sergio Ramos, tiền vệ Wijnaldum..., hiện tổng số tiền mà PSG phải trả lương cho các cầu thủ đã lên tới 302 triệu euro/năm.

Mặc dù vậy, PSG cam đoan việc chiêu mộ Messi không phạm luật FFP. Trong buổi họp báo ra mắt siêu sao Messi, Chủ tịch PSG Nasser Al-Khelaifi khẳng định CLB không vi phạm FFP. Ông nói: “Chúng tôi hiểu Luật Công bằng tài chính. PSG đã gặp các cố vấn tài chính và pháp lý trước khi theo đuổi, ký hợp đồng với Messi”. Phải chăng sự tự tin của Nasser Al-Khelaifi xuất phát từ việc họ sẵn sàng nộp khoản tiền “thuế xa xỉ” cho những khoản chi vượt ngưỡng?

Với một CLB “thuộc sở hữu của cả một quốc gia” như PSG, hay như Man City của giới chủ UAE thì khoản thuế xa xỉ kia chỉ như “muỗi đốt inox”, trong khi UEFA mong muốn “lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo”, thổi luồng gió mới cho đời sống bóng đá vốn đang ảm đạm do đại dịch.

UEFA đang hoàn tất những bước cuối cùng để đưa ra gói cứu trợ 7 tỷ USD nhằm phục hồi nền bóng đá châu Âu. Ngoài gói cứu trợ, UEFA cũng lên kế hoạch dự trữ một khoản tiền để đề phòng các cuộc khủng hoảng trong tương lai và đưa ra các quy định mới về công bằng tài chính. Theo kế hoạch của UEFA, các đội bóng sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp và được giới hạn thời gian cơ cấu các khoản nợ lên từ 5 đến 7 năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ