Lấy phòng để chống...

GD&TĐ - Sau hơn 13 năm thi hành, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nhiều hành vi bạo lực gia đình đã từng bước bị lên án và xử lý, nhưng bên cạnh đó, luật cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Bởi vậy, việc sửa đổi nhằm khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành, nhất là xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực, người vi phạm, góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là rất cần thiết.

Về lý thuyết, bạo lực gia đình là hành vi cố ý gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế của thành viên này đối với thành viên khác trong gia đình; làm ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội, phá hoại các giá trị đạo đức.

Tuy vậy, trong thực tế, có rất nhiều hành vi bạo lực gia đình đã “biến thiên”, khó định lượng, định tính. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, trong đó, một phần là do nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, bao che, không khai báo, sợ bị chê cười.

Dù vậy, điểm yếu vẫn là do khâu thực thi các quy định của luật và do các cấp, các ngành chưa phối hợp hiệu quả trong thực hiện. Đặc biệt, do chế tài chưa mạnh, chưa xử lý nghiêm, chưa hợp lý, thiên về hòa giải dẫn đến nhiều khi bị “nhờn luật”.

Bởi vậy, quan điểm, tinh thần xuyên suốt khi sửa đổi luật lần này là lấy phòng làm chính, phòng để chống, đồng thời có những trường hợp phải lấy chống để phòng, tức xử lý để việc phòng tốt hơn.

Đặc biệt, đây không phải là việc của một cá nhân hay một tổ chức độc lập, mà là công việc chung, cần có sự kết hợp đồng bộ, sự phối hợp của các cơ quan hữu quan và cả hệ thống chính trị, cả xã hội vào cuộc mới mang lại hiệu quả thiết thực.

Nếu cứ “đèn nhà ai nấy rạng” thì không thể phòng chống bạo lực gia đình... - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Thực tế, khi thảo luận tại tổ về dự án luật này, đã có nhiều ý kiến rằng hành động này, hình thức kia cũng là bạo lực gia đình. Tuy nhiên với những “đặc thù”, khó định lượng, định tính trong lĩnh vực này thì việc quy định cụ thể hành vi nào, hành động nào trong luật là rất khó.

Cho nên, như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì phải “gia cố” nhiều hơn nữa cho các biện pháp “phòng” và mối quan hệ giữa “phòng” với “chống” để người ta không thể và không dám có hành vi bạo lực gia đình.

Không thể tức là hệ thống pháp luật phải chặt chẽ. Không dám là chế tài phải nghiêm. Nếu không thì ban hành luật cũng khó tạo được chuyển biến căn bản trong lĩnh vực này.

Và để làm được điều này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục phân tích, rà soát, nhận diện đầy đủ hơn nữa các hành vi bạo lực gia đình vì các hành vi bạo lực gia đình bởi nỗi đau tinh thần nhiều khi còn lớn hơn nhiều so với nỗi đau thể chất.

Bạo lực gia đình đến nay vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối trong xã hội và có ảnh hưởng tiêu cực, để lại nhiều hệ lụy trực tiếp với không chỉ nạn nhân, mà còn với cả những thành viên khác trong gia đình, nhất là đối với trẻ em.

Bởi vậy, để luật có thể đi vào cuộc sống, ngoài việc xác định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình, điều đặc biệt quan trọng là phải rõ trách nhiệm của từng ngành, lượng hóa cụ thể các bộ, ngành cần phải làm gì vì nếu không có sự phân công cụ thể sẽ khó có hiệu quả và lúng túng không biết thực hiện như thế nào - ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.