'Lây' bệnh đổ lỗi từ sự vô tình của cha mẹ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Do quá nuông chiều con hoặc quá cứng nhắc, người lớn đã vô tình khiến trẻ trở thành người thiếu trách nhiệm, hay đổ lỗi.

Trẻ thường đổ lỗi cho người khác do học được từ thói quen của cha mẹ. Ảnh minh họa
Trẻ thường đổ lỗi cho người khác do học được từ thói quen của cha mẹ. Ảnh minh họa

Vô tình “hại” trẻ

Cô giáo Nguyễn Thị Thương, Trường THCS Thuận Thành (Bắc Ninh), chia sẻ, từ những bước đi chập chững đầu tiên, trẻ đã phải đối mặt với nhiều điều, trong số đó không ít khó khăn hay thất bại.

Nhiều trẻ khi gặp những vấn đề như bị điểm kém hơn bạn, ít đồ chơi hay quần áo đẹp hơn... thường có thói quen đổ lỗi cho thầy giáo thiên vị, cha mẹ không thương con, hoàn cảnh gia đình… Phản ứng tâm lý đó nếu kéo dài sẽ rất có hại, khiến trẻ mất dần sự tự tin và luôn nhìn cuộc sống thiếu thiện cảm, trở nên khó hòa đồng với xã hội.

Cô Thương cũng cho rằng, nhiều khi để dỗ trẻ, phụ huynh có xu hướng tìm cách chuyển trách nhiệm sang những người xung quanh. “Đánh chừa” là một trong những thói quen dạy con của nhiều bà mẹ, nhất là khi trong nhà có em bé.

Không hiếm cảnh con ngã mẹ “đánh chừa” cái ghế, cái bàn… hay cái sàn nhà. Đây cũng là những tình huống xuất phát từ việc người lớn quá nuông chiều con, cháu nên tìm cách bao biện để trẻ nguôi ngoai.

Theo ý kiến chuyên gia, chúng ta luôn nghĩ rằng, trẻ còn nhỏ chưa biết gì. Khi con ngã để xoa dịu nỗi đau, mẹ thường đánh vào đồ vật. Trẻ học rất nhanh, trẻ sẽ “đánh chừa” theo và hết khóc. Nhiều lần như vậy, hễ trẻ bị ngã, con luôn dùng tay đánh vào đồ vật và thậm chí, trẻ có thể “đánh chừa” người nào không làm mình vui.

Như vậy, vô tình, cha mẹ đang dạy con đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho mọi người thay vì tự chịu trách nhiệm trước việc mình làm. Việc trẻ bị ngã là do sơ ý, điều này là do lỗi của trẻ, hoàn toàn không do đồ vật.

Chính do cách ứng xử như vậy đã ít nhiều gieo rắc vào tâm trí mỗi đứa trẻ ý nghĩ rằng không phải nó tự gây ngã cho mình mà trước tiên là cái ghế. Thậm chí, việc làm hỏng, làm sai là do một ai đó làm chứ không phải do bản thân chúng. Càng kéo dài tình trạng này thì khi lớn lên, trẻ dễ hình thành thói quen luôn đổ lỗi cho người khác hay do ngoại cảnh mà ít khi nhận lỗi thuộc về mình.

“Việc xử lý sai khi con bị ngã sẽ dạy bé đổ lỗi cho hoàn cảnh và không bao giờ nghĩ rằng mình sai. Và mẹ cũng không thấy làm lạ khi bị lần sau, bé lại khóc và đợi cha mẹ bênh vực mình. Thói quen này của mẹ, không chỉ khiến con thiếu trách nhiệm, ỷ lại, mà còn gây nên hành vi thiếu tự tin trước các tình huống trong cuộc sống”, cô Thương chia sẻ.

Chuyên gia khuyên rằng, người lớn cần nhớ, bé sẽ học bằng cách quan sát từ những điều nhỏ nhất từ người thân. Vì thế, nếu mắc lỗi, bạn cần cho bé thấy tinh thần sửa sai ngay sau đó. Tránh việc đổ lỗi cho người khác, học cách trung thực sẽ giúp trẻ ngày càng hoàn thiện hơn về bản thân.

Ngoài ra, trước mặt con cái, bạn không nên tỏ thái độ bực tức, than trời trách người khi có chuyện không vui trong cuộc sống hay công việc. Bởi nếu bạn đổ lỗi cho người khác hay hoàn cảnh thì trẻ cũng vậy, chúng sẽ cho rằng đó là cách giải quyết vấn đề hợp lý nhất.

Bỏ bớt quy tắc

Nuông chiều sẽ khiến trẻ trở thành vô trách nhiệm nhưng quá nguyên tắc cũng có thể khiến trẻ buộc phải đổ lỗi để tránh bị phạt.

Cô Đào Thị My – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (Hà Nội) - cho biết, nhiều cha mẹ không giữ được bình tĩnh khi con mắc lỗi. Vì vậy, trẻ thường sợ sệt dẫn đến không dám nhận trách nhiệm khi làm sai. Dần dần, trẻ hình thành thói quen nói dối, nói tránh để đỡ bị mắng.

Trên thực tế, nhiều cha mẹ quá khắt khe khiến trẻ luôn cảm thấy sợ hãi khi làm sai. Khi bị cha mẹ chất vấn về lỗi gây ra, con luống cuống nên nghĩ ngay ra cái gì đó để bao biện.

Mỗi khi mắc lỗi, trẻ nghĩ ngay đến sự quát mắng, thậm chí đòn roi của người lớn mà sinh ra trốn tội, đổ lỗi. Lúc này, trẻ chỉ đơn giản hiểu rằng, không nhận trách nhiệm về mình sẽ tránh được thiệt hại cho bản thân. Vì vậy, luôn luôn lắng nghe con để biết mục đích nói dối của trẻ mới có cách để giúp con thành thật trong cuộc sống.

Cô Đào Thị My khuyên rằng, nếu con làm điều gì đó chưa đúng, hãy nói luôn vào hậu quả. Cha mẹ không chất vấn, con sẽ tránh được việc phải bao biện và nói ra những câu nói không có thật. Việc cha mẹ lập tức quát mắng sẽ làm con hoảng sợ và lần sau còn nói dối nhiều hơn. Khi thật bình tĩnh, chúng ta sẽ tìm ra được cách xử sự đúng đắn nhất.

Nếu trẻ nói dối để tránh hình phạt thì rõ ràng vì sợ người lớn mà con làm vậy. Để hạn chế việc con đổ lỗi, trường hợp này cha mẹ cần tự điều chỉnh hành vi của bản thân. Trước tiên, tránh các hình phạt nặng nề hoặc quá mức. Bởi nó sẽ khiến con đổ lỗi “lành nghề hơn”.

Cô My cũng cho biết thêm, trong gia đình, nếu đặt ra quá nhiều khuôn khổ, nguyên tắc cũng khiến trẻ dễ thường đổ lỗi khi không làm theo. Chẳng hạn, người lớn đặt ra quy định, phải chơi với những bạn theo tiêu chí nào đó. Thậm chí, có người còn chê bai, bức xúc khi con chọn bạn không đúng ý.

“Nói vậy không có nghĩa là cho con tự do, muốn làm gì thì làm. Những nguyên tắc có thể đặt ra một cách linh hoạt, phù hợp và thương lượng với con”, cô Đào Thị My nêu quan điểm.

Kể cả ở trường, thầy cô cũng tạo môi trường cởi mở sẽ giúp trẻ thoải mái hơn khi bày tỏ suy nghĩ mà không cần phải e dè hay sợ sệt. Chính vì thế, dù ở đâu người lớn cũng đóng một phần không nhỏ trong việc dạy trẻ trung thực, biết nhận lỗi.

Nếu con không dám nhận trách nhiệm, cha mẹ hãy bao dung và thông cảm với con. Khi đó, hãy giúp trẻ hiểu việc nhận trách nhiệm khi làm sai sẽ khiến con đáng tin cậy hơn. Ngoài ra, thầy cô và cha mẹ đừng tiếc lời khen khi trẻ đã dám nhận trách nhiệm về mình. Cách này đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Trẻ sẽ ngày càng tự hào vì đã nói thật và sẵn sàng nói thật để được biểu dương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.